Print

Chăm sóc mắt và phòng, chống suy giảm thị lực cho trẻ mầm non

Thứ Hai, 30 /01/2023 15:30

Cùng với sự phát triển kinh tế- xã hội, tật khúc xạ như cận thị, viễn thị, loạn thị ở trẻ em, HS ngày càng gia tăng. Các nghiên cứu ở Việt Nam cho thấy, một trong những nguyên nhân hàng đầu gây suy giảm thị lực ở HS là tật khúc xạ. Hầu hết các bệnh về mắt và tật khúc xạ đều có thể phục hồi thị lực tốt nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho trẻ em, HS đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và tinh thần của thế hệ trẻ. Trẻ em, học sinh là thế hệ tương lai của đất nước, sức khoẻ của học sinh hôm nay chính là sức khỏe của dân tộc ta mai sau. Hiện nay, toàn quốc có trên 15.000 trường mầm non (bao gồm nhà trẻ, trường mẫu giáo và trường mầm non) và trên 15.000 cơ sở giáo dục mầm non độc lập (bao gồm nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập và lớp mầm non độc lập).

Y tế trường học có ý nghĩa quan trọng và vô cùng cần thiết, trong những năm qua, ngành Y tế và Giáo dục đã có nhiều nỗ lực xây dựng mạng lưới y tế trường học từ trung ương đến địa phương để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe học sinh, tạo nên môi trường thuận lợi để các em học tập và phát triển tốt cả về thể chất và tinh thần. Sự phối hợp chặt chẽ hiệu quả trong công tác y tế trường học đóng vai trò then chốt trong chăm sóc mắt học đường. Nhân viên y tế trường học chủ động lên kế hoạch, phối hợp cùng giáo viên chủ nhiệm để tiến hành kiểm tra thị lực tập trung cho trẻ ít nhất 1 lần/năm, lập danh sách những trẻ có vấn đề về thị lực chờ khám chuyên khoa, việc thực hiện tốt bước sàng lọc thị lực, nhận biết được các bệnh mắt thường gặp tại trường học phụ thuộc tinh thần trách nhiệm của đội ngũ nhân viên y tế trường học và sự phối hợp tốt với y tế cơ sở địa phương.

Theo Bộ Y tế, nguyên nhân gây nên những bệnh, tật về mắt có thể do bẩm sinh di truyền và do mắc phải của trẻ mầm non bao gồm: Bệnh về mắt (bệnh khô mắt, bệnh mắt hột, viêm kết mạc cấp, viêm loét giác mạc); Tật về mắt (tật khúc xạ, lé (lác), sụp mi, hở mi, chắp/lẹo, lông xiêu/quặm); chấn thương mắt; thiếu hoặc không có nước sạch, thói quen vệ sinh của trẻ, chế độ nuôi dưỡng và bổ sung vitamin A.

Để phòng, tránh các bệnh, tật về mắt:

Về phía nhà trường, cần cho trẻ tăng cường các hoạt động vui chơi ngoài trời; Thực hiện nguyên tắc 20 - 20 – 20, đó là nhìn gần 20 phút, nhìn xa 20 giây ở khoảng cách 20 feet (tương đương với 6m); Tổ chức kiểm tra, đo thị lực mắt tối thiểu 1 lần/năm, riêng trẻ có tật khúc xạ kiểm tra thị lực mắt tối thiểu 6 tháng/lần; khi ngồi tập vẽ, tập tô, giáo viên hướng dẫn giúp đỡ trẻ ngồi thẳng lưng, ngay ngắn, không cúi sát mặt xuống bàn, khoảng cách từ mắt đến mặt bàn khoảng một khuỷu tay trẻ; Cần đảm bảo đủ ánh sáng trong lớp học; Đối với trẻ học bán trú, đảm bảo thực đơn đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt bổ sung đầy đủ vitamin A; Giáo viên hướng dẫn và giúp trẻ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đảm bảo mỗi trẻ có khăn mặt riêng, rửa mặt bằng nước sạch, rửa tay bằng nước sạch với xà phòng, không dùng tay dụi vào mắt; Không để trẻ chơi với các đồ vật sắc nhọn.

Về phía gia đình, cho trẻ tăng cường các hoạt động vui chơi ngoài trời; Không cho trẻ xem tivi, điện thoại ở khoảng cách gần, liên tục và quá lâu, quá nhiều; Phối hợp với Nhà trường cho trẻ đi kiểm tra thị lực hàng năm; Khi trẻ ngồi tập tô, tập vẽ giúp đỡ và hướng dẫn trẻ ngồi thẳng lưng, ngay ngắn, không cúi sát mặt xuống bàn và đảm bảo đủ ánh sáng, khoảng cách từ mắt đến mặt bàn khoảng một khuỷu tay trẻ; Cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt bổ sung đầy đủ Vitamin A (trứng, thịt, cá, rau, củ, quả có màu đỏ); Cha mẹ trẻ hướng dẫn và giúp trẻ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa mặt cho trẻ bằng nước sạch, rửa tay bằng nước sạch với xà phòng, không dùng tay dụi vào mắt; Không để trẻ chơi với các đồ vặt sắc nhọn; Khi có dị vật vào mắt phải đến cơ sở y tế khám ngay; Không nhỏ bất cứ thuốc gì vào mắt khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa mắt.

Bộ Y tế cũng hướng dẫn cụ thể về nhiệm vụ của nhân viên y tế trường học trong công tác chăm sóc mắt và phòng, chống suy giảm thị lực cho trẻ em tại các cơ sở giáo dục mầm non. Theo đó, nhiệm vụ của nhân viên y tế trường học gồm 2 nhiệm vụ chính:

- Tổ chức các hoạt động quản lý, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe trẻ em trong Nhà trường:

Phối hợp với cơ sở y tế có chuyên môn về mắt kiểm tra sức khỏe vào đầu năm học để đánh giá tình trạng thị lực của trẻ; Thường xuyên theo dõi sức khỏe của trẻ, phát hiện suy giảm thị lực và các bệnh tật khác để xử trí, chuyển đến cơ sở KCB theo quy định và áp dụng chế độ học tập, rèn luyện phù hợp với tình trạng sức khỏe; Phối hợp với các cơ sở y tế có đủ điều kiện để tổ chức khám, điều trị các bệnh, tật và các vấn đề về mắt cho trẻ.

Sơ cứu, cấp cứu ban đầu các chấn thương về mắt theo quy định hiện hành của Bộ Y tế; Tư vấn cho giáo viên, cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ về các vấn đề liên quan đến bệnh, tật về mắt của trẻ; hướng dẫn cho trẻ biết tự chăm sóc đôi mắt; Hướng dẫn nhà trường tổ chức bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, đa dạng thực phẩm, phù hợp với đối tượng và lứa tuổi; Phối hợp với cơ sở y tế địa phương trong việc tổ chức các chiến dịch uống vitamin A và truyền thông khác về mắt.

Thông báo định kỳ tối thiểu 1 lần/năm học và khi cần thiết về tình hình sức khoẻ nói chung, tình trạng thị lực của trẻ cho cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ; Nhân viên y tế trường học đánh giá tình trạng sức khỏe và mắt của trẻ vào cuối mỗi cấp học để làm căn cứ theo dõi sức khỏe ở cấp học tiếp theo; Lập và ghi chép vào sổ khám bệnh, sổ theo dõi sức khỏe của trẻ, sổ theo dõi tổng hợp tình trạng sức khỏe và mắt của trẻ; Thường xuyên kiểm tra, giám sát các điều kiện học tập về ánh sáng, vệ sinh trường lớp, an toàn thực phẩm, cung cấp nước uống, xà phòng rửa tay; Thường xuyên kiểm tra, giám sát để đảm bảo cung cấp nước sạch cho trường học phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt; Kiến nghị với Ban Giám hiệu, đơn vị có liên quan về các điều kiện phòng học, bàn ghế, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, trang thiết bị phòng y tế, bếp ăn, nhà vệ sinh không đảm bảo theo quy định và đề xuất Ban giám hiệu, đơn vị có liên quan sửa chữa, thay thế, khắc phục.

- Tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe:

Tham gia biên soạn, sử dụng các tài liệu truyền thông giáo dục sức khỏe, truyền thông các bệnh, tật về mắt với nội dung phù hợp với từng nhóm đối tượng và điều kiện cụ thể của từng địa phương; Tổ chức và phối hợp tổ chức truyền thông, giáo dục sức khỏe cho trẻ và cha mẹ hoặc người giám hộ về các biện pháp phòng chống các bệnh về mắt, phòng, chống tai nạn thương tích và các chiến dịch truyền thông, giáo dục khác liên quan đến công tác y tế trường học do Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động; Đề xuất lồng ghép các nội dung giáo dục sức khỏe, phòng chống các bệnh tật về mắt trong các giờ giảng; Tổ chức cho trẻ thực hành các hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, phòng chống các bệnh về mắt; phòng chống tai nạn thương tích thông qua các hình thức, mô hình phù hợp.

Tùng Anh