Print

Cần có giải pháp cụ thể xử lý tình trạng chậm, trốn đóng BHXH

Thứ Tư, 01 /02/2023 12:59

Sáng 1/2, tại Hà Nội, diễn ra Hội nghị đánh giá việc thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với Tổng LĐLĐ Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đồng chủ trì Hội nghị.

Dự Hội nghị có các đại biểu là lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương; Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Tổng LĐLĐ Việt Nam; BHXH Việt Nam; các ban, bộ, ngành Trung ương.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, công tác phối hợp giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam rất quan trọng, giúp hoạt động Công đoàn ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả, thiết thực, góp phần nâng cao quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, NLĐ. Tại hội nghị này, Thủ tướng mong muốn hai bên đánh giá một cách khách quan, trung thực kết quả thực hiện công tác phối hợp trong năm 2022, đưa ra nhiệm vụ giải pháp 2023 một cách thiết thực, hiệu quả.

Nhấn mạnh cần chọn một số việc làm cụ thể, trọng tâm, thiết thực để hoàn thành dứt điểm, mang lại hiệu quả, Thủ tướng gợi ý công tác phối hợp cần tập trung vào vấn đề đảm bảo việc làm, nâng cao tay nghề của NLĐ. Bên cạnh đó, đối với CNLĐ, có an cư mới lạc nghiệp, vì vậy, cần phải ưu tiên giải quyết vấn đề nhà ở của CNLĐ, ưu tiên giải quyết bằng các công cụ pháp luật đã có, nếu chưa có thì cần đề xuất.

Cùng với đó, bên cạnh đời sống vật chất, cần quan tâm đến đời sống tinh thần của NLĐ... Thủ tướng tin tưởng công tác phối hợp trong thời gian tới giữa hai bên sẽ đáp ứng được sự mong mỏi của các cấp Công đoàn, đoàn viên, CNLĐ; góp phần thực hiện đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước một cách hiệu quả nhất.

Báo cáo tóm tắt Kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam, ông Nguyễn Đình Khang- Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khẳng định: Năm 2022, Chính phủ và Tổng Liên đoàn đã phối hợp chặt chẽ, thiết thực, đóng góp vào nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ.

Các nội dung phối hợp được triển khai khá toàn diện, thiết thực và hướng vào giải quyết những vấn đề cấp thiết liên quan tới việc làm, thu nhập, đời sống của CNLĐ, phát triển kinh tế- xã hội, đưa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII vào cuộc sống, xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, xây dựng Công đoàn Việt Nam và Chính phủ trong sạch, vững mạnh.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã tích cực phối hợp với Tổng Liên đoàn trong xây dựng, hoàn thiện và tuyên truyền chính sách pháp luật, đặc biệt là các chính sách liên quan đến NLĐ; cải thiện điều kiện làm việc và phòng ngừa TNLĐ; đề xuất, kiến nghị và giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của NLĐ, nhất là về việc làm, thu nhập, nhà ở; đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, trường học, trạm y tế, nhu cầu về văn hóa, nơi vui chơi giải trí của CNLĐ...

Tổng LĐLĐ Việt Nam kiến nghị 10 nhóm vấn đề lớn để chăm lo, bảo vệ tốt hơn cho NLĐ

Việc phối hợp thực hiện các kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại các buổi làm việc với Tổng LĐLĐ Việt Nam đã được các bộ, ngành, cơ quan cơ bản thực hiện kịp thời, hiệu quả, trách nhiệm. Tổng Liên đoàn đã phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tổ chức giám sát về tình hình thực hiện HĐLĐ, tiền lương, BHXH, BHYT, BHXH tự nguyện cho NLĐ tại DN, thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ và các chính sách hỗ trợ liên quan khác; từ đó kiến nghị nhiều chính sách quan trọng.

Đáng chú ý, Tổng Liên đoàn đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ trong nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật nổi bật là Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Nghị định 38 về Tiền lương tối thiểu vùng, Công điện số 1170 về các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống NLĐ; tạo mọi điều kiện để NLĐ phát huy quyền làm chủ, tham gia có hiệu quả vào việc quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, xã hội, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước kết hợp với phương thức vận động, tập hợp nhân dân…

Dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã ban hành Kế hoạch chăm lo Tết với chủ đề Tết Sum vầy- Xuân Gắn kết với các hoạt động chủ yếu: Tổ chức thành công 22 Chương trình Chợ Tết Công đoàn; phối hợp tham mưu các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương đi thăm, chúc Tết và tặng gần 18 nghìn suất quà tới đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn tại 63 tỉnh, thành phố với tổng số tiền gần 23,7 tỷ đồng; chăm lo hỗ trợ cho hơn 8,4 triệu lượt đoàn viên, NLĐ với tổng nguồn kinh phí là trên 5.185 tỷ đồng.

Tại buổi làm việc với Thủ tướng, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã kiến nghị 10 nhóm vấn đề lớn liên quan đến thể chế, chính sách có tác động lớn đến CNLĐ. Cụ thể, để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho NLĐ, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị Chính phủ giao Bộ LĐ-TB-XH chủ trì, phối hợp với BHXH Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổng hợp báo cáo tình hình DN nợ, trốn đóng BHXH của NLĐ, có giải pháp cụ thể xử lý con số hơn 200.000 NLĐ đang là nạn nhân của tình trạng chậm, trốn đóng BHXH, khiến họ không được hưởng các chế độ, kể cả lương hưu, để báo cáo Bộ Chính trị và trình Quốc hội phương án giải quyết đảm bảo quyền lợi của NLĐ.

Tổng Liên đoàn cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo chính quyền địa phương, các bộ, ngành liên quan tiếp tục tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án Đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại các KCN-KCX; coi chăm lo phúc lợi xã hội về nhà ở cho CNLĐ là một yêu cầu cấp thiết cần được quy định thành chế định riêng trong luật cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Bên cạnh huy động nguồn lực của DN, cần bố trí thêm ngân sách nhà nước để chăm lo về nhà ở, nhà trẻ, nơi vui chơi, sinh hoạt văn hóa thể thao cho NLĐ tại các KCN-KCX; có cơ chế cho phép DN đông CNLĐ được phép mua hoặc thuê mua đối với các dự án nhà ở để cho chính CNLĐ của DN đó mua hoặc thuê mua, góp phần "an cư lạc nghiệp".

Muốn làm được, Công đoàn đề nghị Chính phủ giao các bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ xem xét trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật, gồm: Luật Nhà ở (Điều 49, Điều 53, Điều 57, Điều 62, Điều 80, Điều 81), Luật kinh doanh bất động sản (Điều 10), Luật đất đai (Điều 54), Luật đầu tư công (Điều 5), Luật quản lý tài sản công (Điều 106)… theo các kiến nghị cụ thể do Tổng Liên đoàn đã gửi tới Chính phủ và các bộ, ngành.

Trước mắt, trong khi chưa sửa đổi các luật, đề nghị Chính phủ giao Tổng Liên đoàn và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, trình Chính phủ đề xuất với Quốc hội ban hành nghị quyết về chính sách xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho CNLĐ để giải quyết kịp thời các bức xúc hiện nay do các vướng mắc liên quan đến chồng chéo, khoảng trống của pháp luật…

Thanh Hằng