Print

Pháp: Đình công phản đối cải cách lương hưu

Thứ Năm, 02 /02/2023 07:43

Cuộc đình công lần thứ hai diễn trên toàn nước Pháp nhằm phản đối kế hoạch cải cách lương hưu của Tổng thống Emmanuel Macron đã gây ra tình trạng gián đoạn hoạt động giao thông công cộng, trường học cũng như giao hàng của nhà máy lọc dầu ở quốc gia này.

Đình công diễn ra rầm rộ ở một loạt thành phố, phản đối kế hoạch cải cách lương hưu của chính phủ Pháp, trong đó có tăng tuổi nghỉ hưu thêm 2 năm lên 64 tuổi. Ở mạng lưới đường sắt, chỉ có 1 trong 3 tàu cao tốc hoạt động và rất ít chuyến tàu địa phương vẫn chạy theo lịch trình. Điều này đã ảnh hưởng mạnh đến các dịch vụ trên hệ thống tàu điện ngầm ở thành phố Paris.

Tại vùng Lot-et-Garonne, nghiệp đoàn CGT địa phương đã cắt điện một số camera bắn tốc độ và vô hiệu hóa đồng hồ đo điện thông minh. Trong khi đó, nguồn cung điện của Pháp đã giảm 4,5% hay 3 gigawatt (GW) do công nhân tại các lò phản ứng hạt nhân và nhà máy nhiệt điện cũng hưởng ứng đình công. Theo hãng TotalEnergies, hoạt động giao các sản phẩm xăng dầu từ các địa điểm tại Pháp đã bị tạm dừng.

Theo các nghiệp đoàn, một nửa số giáo viên tiểu học và 55% công nhân của hãng TotalEnergies đã nghỉ việc để tham gia đình công. Thách thức hiện nay đối với các nghiệp đoàn sẽ là duy trì phòng trào đình công vào thời điểm lạm phát cao đang làm giảm tiền lương.

Các cuộc thăm dò trước đó cho thấy đa số cử tri Pháp phản đối kế hoạch cải cách lương hưu, bao gồm đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 tuổi và tăng các khoản đóng góp cần thiết để được hưởng lương hưu đầy đủ. Sau cuộc đình công quy mô lớn với hơn 1 triệu người lao động tham gia hôm 19/1, chính phủ Pháp đã phát đi tín hiệu cho thấy có thể điều chỉnh một số biện pháp, bao gồm các ưu đãi đặc biệt dành cho những người bắt đầu làm việc từ khi còn rất trẻ, tăng hỗ trợ dành cho những bà mẹ phải nghỉ việc để chăm con hoặc những người mong muốn nâng cao trình độ học vấn. Tuy nhiên, điều khoản về nâng độ tuổi nghỉ hưu không được đưa ra thảo luận.

Thủ tướng Elisabeth Borne khẳng định kế hoạch tăng độ tuổi nghỉ hưu là vấn đề "không thể thương lượng được nữa". Bà lập luận rằng việc nghỉ hưu ở tuổi 64 và kéo dài số năm cần thiết để được hưởng lương hưu đầy đủ "là thỏa hiệp mà chúng tôi đề xuất sau khi lắng nghe các tổ chức và công đoàn của người sử dụng lao động".

Theo lời giải thích của Thủ tướng Borne, chính phủ Pháp nhận thấy việc thay đổi độ tuổi nghỉ hưu là cần thiết để giữ cho hệ thống lương hưu có khả năng thanh toán khi tuổi thọ của Pháp tăng lên và tỷ lệ sinh giảm. "Mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo rằng vào năm 2030, chúng ta có một hệ thống cân bằng về tài chính ", bà nhấn mạnh.

Theo ước tính của Bộ Lao động Pháp, cải cách hệ thống lương hưu sẽ mang lại cho nước này thêm 17,7 tỷ Euro (19,18 tỷ USD) đóng góp lương hưu hằng năm. Tuy nhiên, các nghiệp đoàn cho rằng có nhiều cách khác để tăng doanh thu, như đánh thuế người siêu giàu hoặc yêu cầu người sử dụng lao động hoặc người hưu trí khá giả đóng góp nhiều hơn. 

Nỗ lực gần nhất của Tổng thống Macron nhằm cải cách lương hưu diễn ra trong năm 2019 nhưng đã bị hủy bỏ một năm sau đó khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại châu Âu. 

Giới quan sát nhận định cuộc đình công lần này như một phép thử đối với khả năng tiến hành cải cách và giữ chi tiêu công trong tầm kiểm soát của chính quyền ông Macron. Còn đối với các tổ chức công đoàn, cuộc đình công mang ý nghĩa quan trọng khi được kỳ vọng sẽ giúp gây ảnh hưởng và dẫn đến những điều chỉnh trong bối cảnh điều kiện làm việc và lương hưu không theo kịp tác động lạm phát.

Hoàng Dương