Print

Phát triển thị trường lao động: Cần linh hoạt và bền vững

Thứ Sáu, 03 /02/2023 08:30

Ngày 10/1/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 06/NQ-CP về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế-xã hội. PGS-TS.Mạc Văn Tiến- Viện trường Viện Khoa học Giáo dục và Quản lý kinh tế đã có những trao đổi, phân tích, bình luận về các định hướng chỉ đạo của Chính phủ trong nghị quyết trên.

* PV: Trong bối cảnh hiện nay, nhất là trước những diễn biến của thị trường lao động nói riêng và tình hình phát triển kinh tế-xã hội nói chung, theo ông, việc Chính phủ ban hành một nghị quyết riêng về thị trường lao động có ý nghĩa gì?

- PGS-TS.Mạc Văn Tiến: Trước hết, cần phải khẳng định, trước khi có nghị quyết này, thị trường lao động nước ta đã được hình thành, phát triển trong một thời gian dài, kể khi chuyển nền kinh tế từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Bởi, thị trường lao động là một trong những thị trường cơ bản, có tính tất yếu của nền kinh tế thị trường.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc hình thành và phát triển thị trường lao động là một bước tiến dài cả về tư duy, nhận thức và hành động, nhằm phát huy mọi tiềm năng của con người. Từ chỗ không công nhận sức lao động là hàng hóa đến chỗ khẳng định sức lao động là hàng hóa, có thể thỏa thuận, trao đổi được trên thị trường. Từ chỗ cho rằng nền kinh tế tập trung không có thất nghiệp, đến chỗ thừa nhận thất nghiệp là một phần tất yếu của nền kinh tế thị trường… Đây thực sự là một bước tiến dài trong tư duy phát triển kinh tế ở Việt Nam.

Trở lại với câu hỏi tại sao Chính phủ lại phải ban hành một nghị quyết về phát triển thị trường lao động? Điều này xuất phát từ thực tế phát triển kinh tế-xã hội nước ta hiện nay và yêu cầu khách quan của quá trình hội nhập. Trước khi có Nghị quyết số 06/NQ-CP, ngày 5/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 176/QĐ-TTg về ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030, trong đó đã nêu ra vấn đề phát triển thị trường lao động toàn diện, bền vững theo hướng hiện đại, hiệu quả.

Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, kinh tế của nhiều nước bị suy thoái nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế nước ta, nhất là cuối năm 2021 và cả năm 2022. Thực tế này khiến hàng triệu lao động bị thất nghiệp hoặc bị gián đoạn công việc. Hơn nữa, các hoạt động cung-cầu trong thị trường nước ta chưa thực sự “khớp”, chưa thực sự tương thích cả về quy mô và cơ cấu; thể chế thị trường chưa thực sự hiện đại, chưa thích ứng được sự thay đổi của khoa học công nghệ, nhất là cách mạng công nghiệp.

Chính điều này đòi hỏi Chính phủ phải ban hành nghị quyết về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập, nhằm phục hồi nhanh kinh tế-xã hội. Và, theo quan điểm của cá nhân tôi, việc ban hành Nghị quyết 06/NQ-CP vào thời điểm này là thực sự cần thiết, phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội nước ta trong giai đoạn hiện nay.