Print

Bảo vệ quyền lợi cho NLĐ nghèo làm việc trong ngành thời trang

Thứ Năm, 02 /02/2023 15:31

Ngành thời trang có giá trị toàn cầu ước tính năm 2019 là 2,5 nghìn tỷ USD, song mức lương tối thiểu của một bộ phận NLĐ ngành này vô cùng rẻ mạt.

Khi đưa ra lựa chọn mua sắm thời trang, người tiêu dùng thường chỉ quan tâm đến kiểu dáng, giá tiền, thương hiệu… chứ không mấy khi quan tâm đến những người góp phần làm nên sản phẩm. Một bộ phận lao động trong ngành công nghiệp thời trang khắp thế giới vì thế phải đối mặt với tình trạng bất bình đẳng thu nhập, thậm chí bị bóc lột, vi phạm nhân quyền và tất cả những điều này có thể đẩy họ vào hoàn cảnh nghèo đói- mặc dù ngành thời trang có giá trị toàn cầu ước tính lên tới 2,5 nghìn tỷ USD (số liệu năm 2019).

Cũng giống như một số ngành công nghiệp khác, để thu được tối đa lợi nhuận, các thương hiệu lớn thường khai thác và tận dụng nguồn nhân công giá rẻ của NLĐ thuộc các quốc gia đang phát triển. Điều đáng buồn là mức lương tối thiểu trả cho NLĐ diện này thường không tương xứng với công sức của họ. Nhiều NLĐ phải làm việc 14- 16 giờ/ngày, 7/7 ngày trong tuần, trong điều kiện làm việc thực tế kém (hóa chất độc hại, bụi mịn từ vải sợi trong không khí, không có hệ thống thông gió, cấu trúc nhà xưởng không an toàn…) nhưng thu nhập chỉ đủ để trang trải một phần chi phí sinh hoạt. Một số NLĐ thậm chí còn không được đảm bảo mức lương tối thiểu theo quy định. Năm 2018, theo LHQ, phần lớn trong số 75 triệu công nhân may mặc là phụ nữ từ 18 đến 35 tuổi phải đối mặt với những bất lợi do bất bình đẳng giới mang lại.

Trong khi đó, ước tính ngành thời trang, trong đó có “thời trang nhanh” (fast fashion, dòng thời trang phân khúc giá rẻ, cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm thời trang xu hướng mới nhất với mức giá phải chăng), đang có xu hướng tăng trưởng mạnh, đã mức 5,91% và doanh thu 1.652,73 tỷ USD vào năm 2020. Ước tính năm 2030, ngành công nghiệp tỷ USD này có thể mang lại khoản lợi nhuận 192 tỷ USD. Đi đôi với sự phát triển của ngành thời trang, rất nhiều Chính phủ, tổ chức phi chính phủ đang quan tâm hơn đến đời sống của NLĐ thuộc ngành, mà Tổ chức Pura Utz là một ví dụ cụ thể.

Tổ chức Pura Utz thành lập vào năm 2018, hiện có hơn 50 NLĐ là phụ nữ, làm việc toàn thời gian (full-time) ở Guatemala. Tôn chỉ của Tổ chức là chú trọng vào việc trao quyền cho phụ nữ và phá vỡ chu trình nghèo đói bằng cách tuyển dụng phụ nữ thuộc hộ nghèo vào các xưởng may mặc, chế tác trang sức thủ công trong điều kiện lao động an toàn và với mức lương đủ sống. Số liệu cho thấy, NLĐ của Pura Utz được trả lương gấp 4 lần mức lương tối thiểu ở Guatemala và được nhận tiền thưởng 2 lần/năm. Thông thường họ làm việc từ thứ 2 đến thứ 6, từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều; đặc biệt, được thụ hưởng quyền lợi giờ làm việc linh hoạt, có thể làm việc tại nhà, điều này đặc biệt hữu ích đối với phụ nữ làm công việc nội trợ.

Tùng Anh (Theo CNA)