Print

Nhiều điểm mới có lợi cho NLĐ khi sửa đổi Luật Việc làm

Thứ Sáu, 03 /02/2023 08:38

Tại Phiên họp chuyên đề xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, ông Đào Ngọc Dung- Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, cùng với Bộ luật Lao động, Luật BHXH, Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ góp phần thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc làm, đẩy mạnh hỗ trợ NLĐ, xây dựng mạng lưới an sinh xã hội bao trùm, bền vững.

Trên cơ sở giải trình, tiếp thu ý kiến của thành viên Chính phủ và kết luận của Thường trực Chính phủ (Báo cáo số 13/BC-LĐTBXH ngày 1/2/2023), Bộ LĐ-TB&XH trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi). Trong đó, tập trung vào 4 nhóm chính sách như: Mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BH thất nghiệp, phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm bền vững.

Tiếp nhận hồ sơ giải quyết chế độ cho NLĐ

Nhóm chính sách 1- quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập: Luật sửa đổi nhằm mục tiêu hỗ trợ phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập, có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước. Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động đồng bộ, thống nhất; nâng cao năng lực thu thập, phân tích, dự báo thị trường lao động; nâng cao chất lượng dịch vụ việc làm (công và tư); quản lý nguồn lao động, xây dựng CSDL về NLĐ đồng bộ, thống nhất, tập trung, chia sẻ và kết nối với các CSDL quốc gia.

Nhóm chính sách 2- hoàn thiện chính sách BH thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động: Luật sửa đổi, bổ sung sẽ mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BH thất nghiệp, hỗ trợ DN, bảo đảm việc làm cho NLĐ, phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp. Tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề, khắc phục tình trạng NLĐ chỉ nhận trợ cấp thất nghiệp. Sửa đổi, bổ sung điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp (bổ sung trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp; sửa đổi quy định liên quan chưa tìm được việc làm sau 15 ngày).

Nhóm chính sách 3- phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Mục tiêu của việc sửa đổi nhằm phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; tạo thuận lợi cho NLĐ học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp gắn với đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Đặc biệt, lần sửa đổi này quy định đảm bảo đồng bộ, thống nhất khung trình độ quốc gia với khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia; tăng cường sự tham gia của các bên (Nhà nước, NLĐ, chủ SDLĐ, cơ sở đào tạo) trong phát triển kỹ năng nghề và đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; tạo điều kiện thuận lợi cho việc đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ nghề quốc gia, tăng tính mở và linh hoạt trong việc nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho NLĐ; quy định nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển kỹ năng nghề.

Nhóm chính sách 4- thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững: Mục tiêu nhóm chính sách này hướng tới là thúc đẩy tạo việc làm theo hướng chủ động, bền vững, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, nhất là cho các nhóm lao động phi chính thức, lao động yếu thế. Chính sách này quy định chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm theo hướng tạo cơ hội tiếp cận cho mọi NLĐ có nhu cầu; hỗ trợ việc làm theo hướng chủ động, bao phủ cả nhóm lao động phi chính thức, lao động không có giao kết HĐLĐ; hỗ trợ tạo việc làm cho một số nhóm lao động yếu thế, đặc thù.

Cũng theo ông Đào Ngọc Dung, Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ mở rộng độ bao phủ, điều chỉnh các chính sách lao động, việc làm đến toàn bộ lực lượng lao động (đối tượng lao động có giao kết HĐLĐ và không có giao kết HĐLĐ). Luật cũng là cơ sở quan trọng để xây dựng các chính sách hỗ trợ NLĐ, đặc biệt có nhóm lao động yếu thế, lao động nghèo, lao động nông thôn, người thất nghiệp và tăng cường cơ hội việc làm cho lao động khu vực phi chính thức.

Đặc biệt, Luật Việc làm với nhiều ưu tiên, hỗ trợ cho hệ thống Trung tâm DVVL phủ khắp hầu hết các địa phương trên cả nước, giúp lao động tìm việc làm, tiếp cận thông tin việc làm, nghề nghiệp... một cách dễ dàng, thuận tiện. Đồng thời, các chính sách hỗ trợ học nghề, giải quyết chính sách BH thất nghiệp... thông qua các Trung tâm DVVL cũng giúp cho hàng triệu NLĐ trên cả nước được thụ hưởng chính sách.

“Bên cạnh đó, việc kết nối cung-cầu lao động ngày càng hoàn thiện thông qua các Phiên GDVL cả trực tuyến và trực tiếp. Mô hình này không chỉ hỗ trợ lao động tìm việc, quay lại thị trường lao động, mà còn giúp hàng chục nghìn DN tuyển dụng được lao động phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh”- ông Dung khẳng định.

Nguyệt Hà