Print

Thí điểm Chương trình thúc đẩy tăng năng suất lao động để nhân rộng trong toàn bộ nền kinh tế

Thứ Hai, 06 /02/2023 11:50

Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản trả lời chất vấn của ĐBQH Tô Thị Bích Châu và Đoàn ĐBQH TP.HCM về năng suất lao động xã hội.

Gửi chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, ĐB Tô Thị Bích Châu (Đoàn ĐBQH TP.HCM) đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết giải pháp để tăng năng suất lao động thời gian tới. Cụ thể, ĐB Châu cho rằng, dù gặp nhiều khó khăn từ tác động bất lợi bên ngoài, nhưng với nỗ lực và quyết tâm, chúng ta đã đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, chỉ tiêu quan trọng về tốc độ tăng năng suất lao động xã hội (kế hoạch là 5,5%) Chính phủ không thể hoàn thành?

Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết: Năng suất lao động có ý nghĩa rất quan trọng về nhiều mặt đời sống xã hội và sự phát triển của đất nước, là một trong những chỉ tiêu quan trọng thể hiện trình độ phát triển và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Thời gian qua, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, các cấp, các ngành đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp tăng năng suất lao động và đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm thu nhập và đời sống cho NLĐ.

Tuy nhiên, so với mục tiêu đề ra năm 2022 (khoảng 5,5%), chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt thấp hơn (khoảng 4,7-5,2%) như Chính phủ đã báo cáo Quốc hội. Việc này do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có một số nguyên nhân chủ yêu:

Dịch Covid-19 với diễn biến phức tạp đã tác động tiêu cực đến thị trường lao động, việc làm và thu nhập của NLĐ. Sau khi kiểm soát được dịch bệnh và thực hiện mở cửa nền kinh tế từ giữa tháng 3/2022, thị trường lao động phục hồi mạnh. Tính chung năm 2022, tổng số lao động tăng trên 1,5 triệu người so với năm 2021 và cao hơn nhiều so với mức dự toán ban đầu (thực tế tăng 3,1% so với dự báo chỉ 0,5-1%). Đồng thời, có một số yếu tố khác tác động đến tốc độ tăng năng suất lao động xã hội như: Số lao động có việc làm tăng nhanh nhưng tăng nhiều ở lao động phi chính thức; tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng giảm nhưng vẫn còn ở mức cao…

Quá trình cơ cấu lại các ngành kinh tế còn chậm; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại trong sản xuất còn hạn chế, nhất là trong sản xuất nông nghiệp; chưa khai thác tốt lợi thế cạnh tranh của các ngành công nghiệp theo phân bố không gian; công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn ở các công đoạn có giá trị gia tăng thấp trong chuỗi giá trị, sử dụng nhiều tài nguyên, lao động, tiếp nhận chuyển giao công nghệ còn hạn chế; hạ tầng cho phát triển dịch vụ hiện đại chưa phát triển tương xứng.

Trong năm 2022 có sự chuyển dịch lao động giữa các ngành kinh tế. Tuy nhiên, việc chuyển dịch lao động từ khu vực có năng suất lao động thấp sang khu vực có năng suất lao động cao còn chậm so với yêu cầu phát triển, lao động di chuyển ra khỏi khu vực nông nghiệp chủ yếu để làm việc trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có năng suất thấp hay các ngành dịch vụ có thu nhập thấp. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn thấp, cơ cấu đào tạo thiếu hợp lý, thiếu lao động có tay nghề cao, khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động còn lớn; các chương trình giáo dục, đào tạo chưa thích ứng với các yêu cầu mới, đặc biệt là yêu cầu tận dụng cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0 và khai thác tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của từng vùng, từng địa phương.

Những yếu tố nêu trên đã dẫn đến tình trạng mặc dù thị trường lao động phục hồi mạnh, tổng số lao động tăng nhanh nhưng chưa tạo ra được tốc độ tăng tương ứng của tổng sản phẩm trong nước. Vì vậy, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội (được tính bằng GDP/tổng số lao động) chưa đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra.

Thủ tướng cũng cho biết, hiện nay Chính phủ đang tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động xã hội theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, nhất là Nghị quyết số 31/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm tạo chuyển biến thực chất, rõ nét về năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, nhất là ở những ngành, lĩnh vực kinh tế chủ lực của đất nước.

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả chủ trương xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất và hiệu quả. Đồng thời, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo khẩn trương xây dựng, hoàn thiện và sớm ban hành Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động với nhiều nhiệm vụ, giải pháp tổng thể thúc đẩy tăng năng suất lao động xã hội, trong đó tập trung thực hiện một số nội dung chủ yếu sau đây:

Tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ, tri thức, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao để tạo nền tảng ổn định, bền vững cho tăng năng suất lao động xã hội.

Xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, hoàn thiện khung khổ pháp luật, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy DN phát triển, khởi nghiệp trong từng ngành, lĩnh vực phù hợp với yêu cầu của phát triển kinh tế số, xã hội số; phấn đấu nâng tỷ lệ hoạt động trực tuyến chiếm tối thiểu 50% các hoạt động trong mỗi cơ quan, tổ chức, ngành, lĩnh vực. Hỗ trợ, khuyến khích sự ra đời các hoạt động kinh tế, lĩnh vực mới, mô hình sản xuất kinh doanh mới.

Thúc đẩy mạnh mẽ phong trào tăng năng suất lao động quốc gia, trong đó lựa chọn một số lĩnh vực, một số địa phương thực hiện thí điểm Chương trình thúc đẩy tăng năng suất lao động, từ đó nhân rộng ra toàn bộ nền kinh tế; nghiên cứu thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia trên cơ sở tổng hợp, đúc kết kinh nghiệm quốc tế và bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện chất lượng giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó tập trung xây dựng, thực hiện Chiến lược phát triển nguồn nhân lực Việt Nam đến năm 2030, đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số.

Thúc đẩy mạnh mẽ nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, trong đó chú trọng lồng ghép các giải pháp tăng năng suất lao động vào các chương trình, cơ chế, chính sách về xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số.

Thúc đẩy cơ cấu lại, nâng cao năng lực cạnh tranh nội ngành và giữa các ngành; phát huy tiềm năng, thế mạnh, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cả bên trong và bên ngoài cho phát triển đất nước. Đặc biệt, khẩn trương nghiên cứu, xây dựng chính sách phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo cấp vùng; thúc đẩy liên kết vùng hiệu quả; hình thành không gian phát triển phù hợp trong từng vùng kinh tế-xã hội để kết nối phát triển, phát huy lợi thế cạnh tranh và tăng năng suất lao động ở các vùng và từng địa phương trong vùng, qua đó góp phần tạo nền tảng tăng năng suất lao động xã hội của cả nước trung và dài hạn.

PV