Print

Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ BHXH toàn dân

Thứ Hai, 06 /02/2023 16:11

Ông Mohammed Azman được bầu giữ chức Chủ tịch Hiệp hội An sinh xã hội quốc tế (ISSA) từ tháng 10/2022. Mới đây, ông đã có những chia sẻ về định hướng triển khai các hoạt động thúc đẩy an sinh xã hội toàn dân trên thế giới trong giai đoạn sắp tới.

* PV: Điều gì đã thúc đẩy để ông ứng cử chức Chủ tịch ISSA?

- Ông Mohammed Azman:

Tôi tin tưởng rằng, với các giải pháp, nỗ lực tác động có tính hệ thống cùng sự đoàn kết hợp tác ở tầm quốc tế sẽ thúc đẩy rất tích cực tiềm năng, hiệu quả thực tế của các chính sách an sinh hoặc các sáng kiến mang tính nhân văn, đem lại lợi ích to lớn cho cộng đồng. Tôi đã có trải nghiệm và được chứng kiến điều này trong vai trò một bác sĩ nhân đạo thực hiện nhiệm vụ quốc tế ở Kosovo, Afghanistan và Indonesia khi còn trẻ.

Vì vậy, kể từ năm 2015- khi tôi trở thành Giám đốc điều hành Tổ chức An sinh xã hội của Malaysia (Pertubuhan Keselamatan Sosial- PERKESO), tôi luôn ưu tiên đóng góp vào các hoạt động chung của ISSA. Cũng từ đó, chúng tôi nhận thấy vai trò của cộng đồng ISSA mang nhiều ý nghĩa tích cực với sự phát triển của hệ thống an sinh xã hội Malaysia, đặc biệt là trong giai đoạn phục hồi và phát triển hậu Covid-19.

Theo định hướng này, tôi nhận thức được vai trò của Chủ tịch ISSA. Đây là cơ hội để thúc đẩy việc triển khai các giải pháp phát triển an sinh xã hội bền vững ở các quốc gia trên khắp thế giới. Với vai trò này, tôi sẽ được cống hiến nhiều hơn, toàn diện hơn, góp phần thay đổi cuộc sống của nhiều người dân trên toàn cầu.

* Với tư cách là Chủ tịch ISSA, đâu sẽ là nhóm giải pháp được ông tập trung triển khai trong thời gian tới?

- Với tư cách là Chủ tịch ISSA, tầm nhìn của tôi là tập trung vào các vấn đề hậu đại dịch toàn cầu Covid-19, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa BHXH toàn dân và củng cố tính bền vững của chính sách này- bảo đảm an sinh cho con người kể từ khi sinh ra cho đến khi chết.

Mong muốn nhân rộng hơn nữa thành công mở rộng diện bao phủ BHXH ở Malaysia; hỗ trợ tất cả các tổ chức thành viên của ISSA; cũng như thúc đẩy khuyến nghị các bên liên quan nhận thức được vai trò quan trọng của an sinh xã hội toàn dân.

Tiếp tục thúc đẩy phát triển các chính sách an sinh xã hội theo xu hướng linh hoạt hơn, nhưng không đánh mất nền tảng vững chắc do các Chủ tịch ISSA tiền nhiệm đã vun đắp, nhất là những kết quả dưới thời Chủ tịch Joachim Breuer.

Đơn cử như, chúng tôi sẽ tiếp tục các hoạt động của ISSA với các diễn dàn toàn cầu quan trọng như BRICS hay G20. Để thúc đẩy chương trình nghị sự về an sinh xã hội, chúng tôi cũng sẽ đặt mục tiêu tăng cường quan hệ với các đối tác hiện có như: Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Ngân hàng Thế giới (WB).

Điều quan trọng đối với chúng tôi là lan tỏa các thành tựu về an sinh xã hội, mở rộng mạng lưới của ISSA tới nhiều hơn các quốc gia, kết nạp thêm các thành viên. Từ nỗ lực chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, khuyến nghị chính sách của ISSA, chúng ta có thể thúc đẩy sự tiến bộ ở nhiều tổ chức an sinh xã hội tại các quốc gia, qua đó giảm sự bất bình đẳng ở các khu vực trên toàn cầu.

* Ông đánh giá thế nào về các thách thức trong lĩnh vực an sinh xã hội trong giai đoạn 3 năm tới?

- Theo các mức độ khác nhau, đại dịch Covid-19 đã gây tác động nặng nền đến người dân trên toàn thế giới, làm trầm trọng thêm các “khoảng trống” về an sinh xã hội toàn cầu. Từ đây, chúng ta cần rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc, đó là vai trò của hệ thống an sinh xã hội của mỗi quốc gia là vô cùng quan trọng để giúp người dân vượt qua các cuộc khủng hoảng. Đây cũng là yếu tố để đảm bảo công bằng xã hội và duy trì việc làm bền vững.

Để vượt qua những thách thức này, chúng ta có thể thấy, các nhà quản lý về an sinh xã hội sẽ nhanh chóng đẩy mạnh ứng dụng CNTT cũng như tăng cường tính chất chia sẻ, nhân văn trong quá trình xây dựng chính sách.

Thông qua các hoạt động của Ủy ban Kỹ thuật ISSA về CNTT và truyền thông (ICT) cũng như Ủy ban Kỹ thuật ISSA về tổ chức, quản lý và đổi mới (OMI), tôi tin tưởng rằng ISSA sẽ giúp các thành viên có được các khuyến nghị, sự hỗ trợ tích cực nhất, đáp ứng yêu cầu đang đặt ra từ thực tế.

Cũng từ đại dịch, các quá trình cải cách hệ thống an sinh xã hội sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn, tập trung vào các vấn đề hạn chế đã được thấy rõ. Bên cạnh đó là các mục tiêu phát triển mới, nhất là việc gia tăng diện bao phủ, đảm bảo quyền lợi cho người dân, phát triển các quỹ an sinh mang tính bền vững, tạo nền tảng sẵn sàng cho các cuộc khủng hoảng có thể có tiếp theo.

* ISSA sẽ đóng vai trò như thế nào để hỗ trợ tổ chức an sinh xã hội ở các quốc gia?

- ISSA sẵn sàng hỗ trợ các cơ quan quản lý và cơ quan tổ chức thực hiện bằng 3 nhóm sáng kiến quan trọng: Bồi dưỡng tri thức; tạo nền tảng kết nối, chia sẻ gữa các thành viên và hỗ trợ triển khai các chính sách an sinh xã hội.

Hiện nay, ISSA có 322 tổ chức thành viên từ 164 quốc gia. Đây là một mạng lưới rộng lớn để các thành viên có thể trao đổi, chia sẻ các bài học kinh nghiệm giàu giá trị thực tiễn trong lĩnh vực an sinh xã hội. Tham gia ISSA, các tổ chức thành viên được trang bị mạng lưới hỗ trợ và các nguồn thông tin, kiến thức tham khảo giúp cho quá trình xây dựng chính sách cũng như cụ thể hóa các mục tiêu phát triển trong tương lai.

Để nâng cấp các hoạt động hỗ trợ của ISSA, chúng tôi cũng dự định triển khai dự án thí điểm theo hướng đổi mới trên cơ sở các giải pháp, khuyến nghị đã được đề xuất. Đây là cơ sở để đảm bảo tính khả thi, tính thực tiễn của các khuyến nghị chính sách cũng như giải pháp hỗ trợ. Như vậy, các hoạt động hỗ trợ của ISSA sẽ cho thấy tính linh động, phù hợp hơn với bối cảnh ở từng khu vực cũng như từng quốc gia.

* Trân trọng cám ơn ông!

Minh Đức (Thực hiện)