Print

Bất bình đẳng tiền lương đối với người khuyết tật ở Vương quốc Anh

Thứ Hai, 06 /02/2023 18:13

Những năm gần đây, vấn đề bất bình đẳng về tiền lương và cơ hội tìm kiếm việc làm được các quốc gia ngày càng quan tâm; tuy nhiên, dường như mới dừng lại ở đối tượng phụ nữ, người da màu, còn người khuyết tật chưa được quan tâm đúng mức.

Ở Vương quốc Anh, NLĐ khuyết tật kiếm được ít hơn 14,1% so với NLĐ bình thường. Cùng đối tượng người khuyết tật, song phụ nữ yếu thế hơn so với nam giới; giai đoạn từ năm 1997- 2014, khoảng cách chi trả cho người khuyết tật nam là 13%, nữ là 7%. Bên cạnh đó, người khuyết tật về tinh thần và người khuyết tật về thể chất cũng chênh lệch về tiền lương. Ví dụ, nam giới mắc chứng rối loạn tâm thần (trầm cảm, lo lắng) có mức chênh lệch lương là 30%, trong khi phụ nữ mắc các bệnh tâm thần tương tự có mức chênh lệch lương là 10%. Người khuyết tật nam không có trình độ học vấn kiếm được ít hơn khoảng 60% so với NLĐ bình thường.

Chênh lệch tiền lương là một trong những biểu hiện của bất bình đẳng. Vì tình trạng sức khỏe của mình, nhiều NLĐ khuyết tật phải đối mặt với sự phân biệt đối xử, nhất là trong cơ hội việc làm. Nguyên nhân chính là do thị trường lao động nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Vương quốc Anh, mặc định NLĐ khuyết tật ít có khả năng làm việc toàn thời gian (full-time); không làm việc được với cường độ cao; không phải ngành, nghề nào cũng phù hợp và đảm nhận được. Việc làm bấp bênh, thu nhập thấp hơn đáng kể so với NLĐ bình thường, nên NLĐ khuyết tật dễ rơi vào cảnh nghèo đói. Trên thực tế, gần một nửa số người sống trong cảnh nghèo đói ở Vương quốc Anh là người khuyết tật.

Chênh lệch tiền lương giữa NLĐ bình thường và NLĐ khuyết tật làm trầm trọng thêm tỷ lệ nghèo đói đối với NLĐ khuyết tật, vì bên cạnh chi phí sinh hoạt thông thường, họ còn phải chi trả cho KCB, thuốc thang, thiết bị đặc biệt hỗ trợ tình trạng thương tật. Cơ hội học tập của họ cũng thấp hơn NLĐ bình thường, khiến bên cạnh thất nghiệp và nghèo đói, họ còn có xu hướng tiếp cận giáo dục hạn chế hơn. Ví dụ, ở Hoa Kỳ, cứ 5 người khuyết tật thì có một người chưa học hết cấp III, tỷ lệ này cao hơn gấp đôi so với người bình thường; chỉ 19% người khuyết tật trưởng thành có bằng Đại học, con số này ở người bình thường là hơn 35%.

Bất chấp những rào cản to lớn mà NLĐ khuyết tật phải đối mặt, các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ ở Vương quốc Anh đang tìm mọi cách hỗ trợ đối tượng này. Trong đó, Jobcentre Plus Support for Schools, được đưa ra lần đầu tiên vào năm 2016, là một Chương trình Tư vấn và Hỗ trợ nghề nghiệp cho người khuyết tật trẻ; từ khi khởi động, Chương trình đã hợp tác với hơn 1.400 trường học/cơ sở đào tạo để thực hiện tôn chỉ của mình. Hoặc Gói Hỗ trợ cá nhân (The Personal Support Package), áp dụng năm 2017, giới thiệu việc làm cho người khuyết tật của Chính phủ Vương quốc Anh.

Tóm lại, người khuyết tật trên thế giới nói chung, Vương quốc Anh nói riêng, phải đối mặt với tỷ lệ nghèo đói cao hơn rất nhiều NLĐ bình thường. Nhưng có một thực tế là đối tượng này chưa được quan tâm một cách thấu đáo trong các phiên thảo luận về nghèo đói toàn cầu. Tuy nhiên, phải ghi nhận rằng, các Chính phủ, tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ đã và đang nỗ lực để tháo gỡ vướng mắc, đề xuất và áp dụng ngày càng nhiều biện pháp hỗ trợ người khuyết tật, nên tỷ lệ nghèo đói trong đối tượng này đang cơ bản giảm dần.

Tùng Anh (Theo The Guardian)