Print

Hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm ngăn chặn, phòng ngừa hành vi mua bán mô, bộ phận cơ thể người

Thứ Ba, 07 /02/2023 13:27

Hiện nay, nhu cầu ghép mô, bộ phận cơ thể người ở Việt Nam rất lớn, với hàng chục nghìn người cần ghép thận, ghép gan, tim... trong khi nguồn tạng hiến lại khan hiếm. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mua bán, môi giới mô, bộ phận cơ thể người, để lại hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.

Hơn 90% số ca ghép tạng đến từ người cho sống

Phát biểu tại Hội thảo khoa học về đăng ký hiến và phòng chống mua bán mô, bộ phận cơ thể người, ông Trần Văn Thuấn- Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Hiến tặng mô, bộ phận cơ thể để cứu người là một nghĩa cử cao đẹp, một món quà vô giá giúp kéo dài sự sống cho những người bệnh bị suy mô, tạng. Để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người cũng như hiến, lấy xác phục vụ cho nghiên cứu khoa học và giảng dạy, ngày 29/11/2006, Quốc hội đã thông qua Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2007. Tiếp đó, Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Tài chính đã ban hành các Nghị định, Quyết định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại Hội thảo

“Để Luật đi vào cuộc sống, công tác truyền thông, vận động, tôn vinh người hiến mô, bộ phận cơ thể người đã và đang được thực hiện thường xuyên, góp phần thay đổi nhận thức của người dân, tạo sức lan tỏa trong xã hội về nghĩa cử cao đẹp, tinh thần nhân văn, nhân ái. Từ đó, số lượng người đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể tăng dần”- Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết.

Tính đến ngày 31/12/2022, cả nước có 63.552 trường hợp đăng ký hiến sau khi chết, chết não và đã thực hiện ghép được 8 loại bộ phận cơ thể người với 7.297 ca ghép tạng. Những kết quả đăng ký hiến, ghép trong thời gian qua đã giúp cứu chữa, duy trì sự sống cho hàng nghìn bệnh nhân bị suy mô, tạng; góp phần nâng cao vị thế, vai trò của ngành y tế Việt Nam trong triển khai những kỹ thuật tiên tiến, chuyên sâu, phức tạp hàng đầu của y học hiện đại.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, bất cập trong công tác hiến mô, tạng thời gian qua. Theo đó, qua hơn 15 năm thi hành, nhiều quy định của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác hiện hành đã bộc lộ những bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn. Trong đó có quy định về đăng ký hiến và vấn đề phòng chống mua bán mô, bộ phận cơ thể người. Điều này đã ảnh hưởng đến hoạt động hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người ở nước ta và việc thực hiện quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác của người dân.

Bên cạnh đó, hiện nay, thực trạng nhu cầu ghép mô, bộ phận cơ thể người ở Việt Nam rất lớn, ước tính có hàng chục nghìn người cần ghép thận, ghép gan, ghép tim và các mô, bộ phận cơ thể khác, trong khi nguồn hiến lại khan hiếm. Nguồn tạng hiến từ người cho sống lại đang chiếm chủ yếu với hơn 90% tổng số ca ghép tạng, nên bên cạnh các hoạt động hợp pháp cũng đã nảy sinh các hành vi mua bán, môi giới mô, bộ phận cơ thể người, để lại hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Điều này đặt ra yêu cầu cần phải hoàn thiện thể chế pháp lý và các giải pháp tổ chức thực hiện, góp phần ngăn chặn, phòng ngừa hành vi mua bán mô, bộ phận cơ thể người ở nước ta trong thời gian tới.

Số lượng người đăng ký hiến tạng qua các năm

Bà Trần Thị Trang- Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cũng chỉ ra nhiều vấn đề bất cập dẫn đến thực trạng mua bán mô, bộ phân cơ thể người tại nước ta hiện nay. Theo đó, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người chưa có quy định cụ thể về hiến cùng huyết thống, hiến vô danh. Do đó, hiện chưa có quy định về việc nghiêm cấm người hiến, người nhận gặp nhau trong trường hợp hiến vô danh. Đồng thời, chưa ban hành được đầy đủ quy trình lấy, ghép bộ phận cơ thể người; chưa quy định về đơn vị độc lập kiểm soát về tiêu chuẩn để chỉ định ghép, tiêu chuẩn chỉ định hiến khi cập nhật lên hệ thống. Bên cạnh đó, hiện chưa có quy trình điều phối ghép tạng, chưa quy định độ tuổi người hiến chết não dưới 18 tuổi.

“Hiện nay, nhu cầu ghép mô, bộ phận cơ thể người ở Việt Nam là rất lớn. Trong khi số lượng người hiến rất ít, đặc biệt là hiến chết não đến nay mới có 139 trường hợp. Số lượng ca ghép từ người cho sống vẫn đang chiếm tỷ lệ rất cao, chiếm 94% trong tổng số ca ghép. Điều này dẫn đến tình trạng buôn bán tạng ở nước ta có chiều hướng gia tăng và diễn ra càng nghiêm trọng, dưới nhiều hình thức tinh vi khác nhau, nhiều đường dây dù đã bị xử lý nhưng vẫn còn tồn tại diễn biến khó lường”- bà Trang thông tin.

Nhằm giải quyết thực trạng trên, bà Trần Thị Trang đề xuất rà soát, bổ sung các hành vi nghiêm cấm liên quan đến mua bán mô, bộ phận cơ thể người trong Bộ luật Hình sự. Bên cạnh đó, gia tăng các nguồn hiến mô, bộ phận cơ thể người từ người cho chết não bằng cách không giới hạn độ tuổi với người chết não, tăng đội tuổi người hiến không cùng huyết thống. Cùng với đó, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước và phối hợp liên ngành trong phòng chống mua bán bộ phận cơ thể người; chỉnh sửa các tiêu chuẩn về chết não cho phù hợp quy trình, đảm bảo tính khả thi…

Đăng ký hiến tặng mô, tạng tích hợp trên bằng lái xe hoặc căn cước công dân

Chia sẻ về những hạn chế trong việc đăng ký và cấp thẻ hiến tặng mô, tạng, ông Nguyễn Hoàng Phúc- Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cho biết: Hiện nay, hệ thống chính sách, pháp luật chưa thật sự đồng bộ, nhiều vấn đề phát sinh chưa được điều chỉnh kịp thời. Hệ thống ứng dụng CNTT trong quản lý cấp thẻ đăng ký hiến tạng, điều phối lấy, ghép mô, tạng chưa phát huy hiệu quả nhiều trong thực tiễn.

“Quy định việc đăng ký hiến tạng đơn giản tạo điều kiện thuận lợi cho người đăng ký hiến tại bất kỳ cơ sở y tế nào… trên thực tiễn không khả thi. Bên cạnh đó, việc tiếp nhận đơn đăng ký hiến tặng mô, tạng hiện mới được triển khai ở một số cơ sở y tế, khó khăn cho người đăng ký hiến tạng. Hiện nay, mới chỉ có hình thức đăng ký hiến tạng bằng đơn trực tiếp (chưa có quy định hình thức đăng ký online). Chưa có quy định việc đăng ký hiến tặng tích hợp trên bằng lái xe hoặc căn cước công dân”- ông Phúc nhấn mạnh.

Số lượng ca ghép tạng tại Việt Nam qua các năm

Chia sẻ thêm về sáng kiến tích hợp đăng ký hiến tạng qua bằng lái xe hoặc căn cước công dân, ông Nguyễn Hoàng Phúc cho rằng, việc này giúp hầu hết công dân khi đến tuổi trưởng thành có thể đăng ký hiến tặng mô, tạng khi thi lấy bằng lái xe hoặc căn cước công dân. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả truyền thông, tăng lượng người đăng ký hiến tạng lên nhiều lần. Đồng thời, cũng mang đến nhiều thuận lợi trong việc xác định tâm nguyện người hiến tạng chết não (trong các trường hợp tai nạn giao thông hoặc các hoàn cảnh khác có liên quan...); góp phần tăng nguồn hiến tặng mô, tạng từ người chết não và hạn chế tệ nạn mua bán tạng từ người hiến sống.

Hội thảo khoa học về đăng ký hiến và phòng chống mua bán mô, bộ phận cơ thể người

Chia sẻ về các nhằm giải pháp tích hợp đăng ký hiến tặng mô, tạng vào bằng lái xe hoặc căn cước công dân, ông Phúc cho biết, cần sửa đổi, bổ sung Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (độ tuổi hiến tạng sống, chết não, trẻ em; đăng ký hiến tạng; quyền lợi người hiến tạng…). Đặc biệt, cần xác định rõ tạng hiến là "quà tặng sự sống", là tài sản quốc gia; đồng thời đưa chẩn đoán chết não vào chương trình giảng dạy của tất cả các trường y khoa tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần mở rộng đăng ký hiến tạng từ người chết não- dù trước đó người chết não không đăng ký hiến tạng- nhưng được gia đình xác thực là có tâm nguyện hiến tạng và không phản đối. Bổ sung hình thức đăng ký online hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não. Bổ sung hình thức đăng ký và cấp thẻ đăng ký hiến tặng mô, tạng tích hợp trên bằng lái xe hoặc căn cước công dân. Ngoài ra, cần nghiên cứu thay đổi hình thức đăng ký hiến tặng mô, tạng từ “chủ động” sang “suy đoán đồng ý hiến tạng”.

Hà Hùng