Print

Ai Cập dùng kim tự tháp làm bối cảnh biểu diễn thời trang, âm nhạc và nghệ thuật

Thứ Ba, 07 /02/2023 16:21

Ai Cập đã và đang sử dụng sự hùng vĩ cổ xưa của các kim tự tháp làm bối cảnh biểu diễn thời trang, âm nhạc, nghệ thuật với hy vọng nâng cao hình ảnh quốc gia, góp phần phát triển du lịch và quảng bá những thương hiệu xa xỉ được giới thượng lưu thế giới yêu thích.

Từ lâu đã là một cường quốc văn hóa trong thế giới Ả Rập, với ca sĩ và ngôi sao điện ảnh cực kỳ nổi tiếng, đặc biệt là vào thời kỳ hoàng kim vào những năm 1950-70, Ai Cập đã đặt mục tiêu vào di sản cổ xưa của mình để một lần nữa thu hút sự chú ý toàn cầu. Bắt đầu là "cuộc diễu hành vàng" hoành tráng theo phong cách lễ hội vào năm ngoái của 22 Pharaoh đi qua xuyên Cairo từ một bảo tàng cũ đến một bảo tàng mới. Sau đó, nhà thiết kế người Italia Stefano Ricci tổ chức một buổi trình diễn tại Đền thờ Pharaoh Hatshepsut vào tháng 10. Thương hiệu thời trang cao cấp Dior ra mắt BST mới nhất vào ngày 3/12 tại quần thể kim tự tháp Giza. Các nhóm nhạc nổi tiếng toàn cầu là Maroon 5 và Black Eyed Peas có show diễn tại Giza Necropolis, nơi nghệ thuật đương đại cũng vừa được trưng bày tại Triển lãm Art d'Egypte mới nhất.

Người mẫu trình diễn BTS của Stefano Ricci, nhà mốt mang tính biểu tượng của Italine, tại Đền thờ Pharaoh Hatshepsut được xây dựng từ thời Ai Cập cổ đại

“Cú hích” văn hóa hiện đại giao thoa với văn hóa cổ xưa là một hướng đi mới để Ai Cập xây dựng hình ảnh quốc gia. Đó là một phần trong nỗ lực của Chính phủ Ai Cập nhằm hồi sinh du lịch, ngành chiếm 10% GDP và khoảng 2 triệu việc làm nhưng mấy năm gần đây bị hạn chế bởi tình trạng bất ổn chính trị, biến động kinh tế và đại dịch Covid-19. Nhà sử học, nghệ thuật gia Bahia Shehab nhận định, việc giới thiệu di sản của Ai Cập trong một bối cảnh mới "sẽ khuyến khích các thương hiệu xa xỉ, các nhân vật văn hóa quốc tế đến với Ai Cập". Nhiếp ảnh gia thời trang Mohsen Othman đồng ý rằng những sự kiện quyến rũ khán giả như vậy là "sống còn" đối với kinh tế- xã hội Ai Cập, bởi các thương hiệu lớn như Dior sẽ đến Ai Cập với “ngân sách khổng lồ, thu hút du khách quốc tế, giúp tạo việc làm cho DN, cá nhân địa phương và xa hơn là hỗ trợ lớp NTK trẻ để tương lai có thể đưa Ai Cập lên bản đồ thời trang toàn cầu".

Theo Ngân hàng Credit Suisse, lĩnh vực hàng xa xỉ của Ai Cập vẫn phát triển dù nhiều năm nay, bất ổn kinh tế khiến đồng bảng Anh mất một nửa giá trị trong đợt phá giá tiền tệ năm 2016. Ai Cập- quốc gia đông dân nhất thế giới Ả Rập, vẫn là nơi sinh sống của 86.000 triệu phú, mà “1% người giàu nhất cũng đủ để tạo ra nhu cầu về mọi mặt”. Tuy nhiên, việc "quảng bá văn hóa và hình ảnh đất nước" vẫn được Ai Cập ưu tiên hàng đầu.

Bà Shehab, nhà sử học, nghệ thuật gia, cho biết: “Ai Cập được biết đến với những công trình kiến trúc vượt thời gian trên sa mạc nhưng đã đến lúc cần phải thể hiện một hình ảnh mới dựa trên nền tảng cũ. Ngày càng có nhiều người nhận thức được về “quyền lực mềm” và “văn hóa đại diện” cho đất nước, tuy nhiên, chúng tôi cho rằng Ai Cập vẫn cần cơ sở hạ tầng tốt hơn nữa để hiện thực hóa điều này. Ai Cập cũng có thể thu hút các tác phẩm điện ảnh của Hollywood, nếu xem xét việc cấp phép, bởi các quốc gia lân cận như Marocco, Jordan hoặc Ả Rập Xê Út đều đã nhiều lần trở thành bối cảnh phim. Gần đây nhất, Hiệp Sĩ Mặt Trăng (Moon Knight)- một bộ phim truyền hình ngắn tập (miniseries) của Marvel Comics, chiếu trên nền tảng Disney+ TV, có chủ đề về Ai Cập nhưng bối cảnh thành phố Cairo lại được xây dựng ở… Budapest (Hungaria). Theo tôi, đó quả thật là điều vô cùng đáng tiếc”.

Tùng Anh (Theo AFP)