Việc xây dựng pháp luật phải tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế
Bộ LĐ-TB&XH và Ủy ban Xã hội của Quốc hội vừa có buổi làm việc về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, dự kiến việc phê chuẩn các điều ước quốc tế năm 2023 và đến hết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Nhiều dự án luật tạo sự đồng thuận cao
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thúy Anh- Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, giai đoạn 2020-2022, hai cơ quan phối hợp trong nhiều công việc với khối lượng lớn, nội dung khó, phức tạp với thời gian ngắn, được Quốc hội đánh giá rất cao. Đơn cử như: Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài hay các chính sách hỗ trợ người dân, NLĐ vượt qua dịch Covid-19. “Năm 2023 cho đến hết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Bộ LĐ-TB&XH và Ủy ban Xã hội của Quốc hội sẽ có rất nhiều việc cần phối hợp”- bà Thúy Anh khẳng định.
Báo cáo về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, việc phê chuẩn các điều ước quốc tế năm 2023 và đến hết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, ông Lê Văn Thanh- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, dự kiến sẽ xây dựng 2 dự án luật và nghiên cứu, đề xuất gia nhập 3 công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) trong giai đoạn 2023-2026, bao gồm: Luật BHXH (sửa đổi), Luật Việc làm (sửa đổi), Công ước số 87 về tự do liên kết và bảo vệ quyền tổ chức, Công ước số 131 về ấn định tiền lương tối thiểu, Công ước 102 về quy phạm tối thiểu về an toàn xã hội.
Trong đó, dự kiến trong tháng 6/2023, sẽ trình Chính phủ dự án Luật BHXH (sửa đổi) và đến tháng 10/2023 trình Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật BHXH (sửa đổi). Bộ LĐ-TB&XH cũng sẽ phối hợp với Ủy ban Xã hội và Ủy ban Pháp luật hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) và xây dựng hồ sơ dự án Luật Việc làm (sửa đổi) sau khi được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
“Một số dự án luật khác của Bộ LĐ-TB&XH như: Luật Bình đẳng giới, Luật Người khuyết tật, Luật ATVSLĐ, Luật Người cao tuổi và Luật Phòng chống mại dâm cũng đang trong quá trình tổng kết, đánh giá thực tiễn thi hành, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung trong giai đoạn sau năm 2025”- ông Thanh thông tin thêm.
Đối với dự án Luật BHXH (sửa đổi), ông Lê Văn Thanh cho biết, trong tháng 2/2023, Bộ LĐ-TB&XH lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương; đăng tải dự thảo luật trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ và của Bộ LĐ-TB&XH. Tháng 4/2023, gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự án Luật BHXH (sửa đổi). Tháng 5/2023, tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp; hoàn thiện các tài liệu trong hồ sơ dự án để trình Chính phủ. Tháng 6/2023, trình Chính phủ dự án Luật BHXH (sửa đổi). Tháng 7/2023, gửi dự án luật đến Ủy ban Xã hội của Quốc hội để thẩm tra. Tháng 8/2023, tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm tra của Ủy ban Xã hội, chỉnh lý dự án luật để báo cáo Ủy ban TVQH xem xét, cho ý kiến. Tháng 9-10/2023, trình Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật BHXH (sửa đổi).
Thông tin thêm về nội dung dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), ông Phạm Trường Giang- Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) cho hay, hiện nay chính sách BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện đều đã bao phủ toàn bộ đối tượng trong độ tuổi lao động. Nghị quyết 28-NQ/TW nêu thời gian tới cần thể chế hóa để mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bao gồm: Đối tượng làm việc không hưởng lương, người làm việc không trọn thời gian… và dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã thể hiện nội dung này.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng mở rộng diện bao phủ diện đối tượng thụ hưởng chính sách BHXH, tăng thêm sự liên kết giữa các nhóm tham gia BHXH với nhau, nhằm bảo đảm quyền lợi cho NLĐ... Đáng chú ý, về BHXH một lần, Bộ LĐ-TB&XH đã tổng kết, đánh giá toàn diện Nghị quyết số 93/2015/QH13 của Quốc hội về nhận BHXH một lần, qua đó đảm bảo tinh thần thể chế hóa tuyệt đối nội dung mà Nghị quyết số 28-NQ/TW đã chỉ rõ là tăng quyền lợi nếu người tham gia BHXH bảo lưu và giảm quyền lợi nếu hưởng một lần.
Liên quan đến chính sách BHXH một lần, ông Bùi Sỹ Lợi- Chuyên gia cao cấp (Bộ LĐ-TB&XH) nhấn mạnh, từ bài học phát triển BHYT, chúng ta xây dựng chính sách phải chú trọng hình thành hệ thống BHXH toàn dân, BHXH bắt buộc, trong đó việc đầu tiên cần làm là mở rộng đối tượng tham gia vào hệ thống BHXH. Do đó, cơ quan chuyên môn cần nghiên cứu làm sao để khuyến khích người dân không rút BHXH một lần, mà có thể chốt sổ BHXH, bảo lưu khoản đóng cho đến khi đủ điều kiện thì mới được rút ra.
“Có thể thiết kế quy định để NLĐ có thể rút 8% (phần NLĐ đóng- PV), còn 14% (phần chủ SDLĐ đóng) để sau này sẽ phân phối lại khi người đó nghỉ hưu. Về Luật Việc làm, vấn đề quản trị nguồn nhân lực quốc gia là quan trọng nhất. Còn hệ thống trung tâm DVVL, khu vực tư nhân phải chiếm đa số so với hệ thống nhà nước. Tiếp đó, luật phải giải quyết việc thúc đẩy chuyển dịch lao động từ phi chính thức sang chính thức và tập trung chính thức hóa thị trường lao động khu vực phi chính thức. Tập trung xây dựng luật là một vấn đề, nhưng đảm bảo chính sách cho NLĐ còn quan trọng hơn”- ông Lợi lưu ý.
Tìm ra cái mới, thiết thực nhất
Tại buổi làm việc, ông Đào Ngọc Dung- Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH khẳng định, hai cơ quan phối hợp với nhau nhịp nhàng, ăn ý, luôn đồng hành cùng nhau. Đơn cử: Bộ luật Lao động, Pháp lệnh Ưu đãi người có công dù khó khăn, có những lúc tưởng chừng bế tắc, nhưng cuối cùng hai cơ quan vẫn tìm ra hướng giải quyết. Nghị định số 75/2021/NĐ-CP, Nghị định số 131/2021/NĐ-CP là những chính sách rất cụ thể.
Cũng theo ông Đào Ngọc Dung, trước và sau Tết, Bộ LĐ-TB&XH đã tập trung để đảm bảo tốt các chính sách xã hội, nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều lo lắng về thị trường lao động, nhất là vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng. Tuy vậy, đến nay, với các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, các vấn đề này đều được đảm bảo, duy trì sự ổn định. Đặc biệt, khởi đầu là Nghị quyết số 30 của Quốc hội đã mở ra một hướng rất tốt... Do đó, để vượt qua thách thức, bên cạnh quyết tâm chính trị cao, cần phải “tìm ra cái mới, tìm ra cái thích hợp nhất, làm sao vừa đáp ứng yêu cầu của đất nước, vừa tiệm cận với quy chuẩn quốc tế.
Đối với các dự án luật, pháp lệnh, các điều ước quốc tế dự kiến phê chuẩn năm 2023 và đến hết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, ông Đào Ngọc Dung tiếp thu góp ý của các đại biểu; đồng thời nêu rõ quyết tâm đẩy nhanh tiến độ theo hướng "luật nào cơ bản “chín” rồi thì trình sớm, theo đó các luật khác sẽ đẩy tiến độ theo". Đơn cử: Luật Việc làm (sửa đổi), phấn đấu của Chính phủ và Bộ LĐ-TB&XH đặt ra trong tháng 5/2023 (sẽ trình Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Vũ Thu