Print

Hà Nội: Hướng tới mục tiêu chăm sóc toàn diện, nâng cao sức khỏe nhân dân

Thứ Tư, 08 /02/2023 14:20

Năm 2023, ngành y tế Hà Nội sẽ tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, sử dụng thiết bị y tế công nghệ cao, CNTT trong quản lý, điều hành và KCB. Qua đó, nâng cao chất lượng điều trị, góp phần tích cực trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

100% cơ sở KCB đã triển khai KCB bằng VssID

Trên tinh thần “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, thời gian qua, ngành y tế Hà Nội đã đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh tại cộng đồng, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 và dịch bệnh sốt xuất huyết, bệnh đậu mùa khỉ, chân tay miệng, bệnh dại, bệnh liên cầu lợn... Đồng thời, đẩy mạnh công tác tiêm chủng mở rộng, tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân đảm bảo an toàn, hiệu quả; triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống HIV hướng tới mục tiêu 90-90-90; tăng cường các hoạt động phòng chống bệnh không lây nhiễm; đẩy mạnh công tác đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ và các chương trình y tế khác.

Người dân xếp hàng lấy số thứ tự KCB tại BV Xanh Pôn

Cùng với công tác phòng chống dịch bệnh, công tác KCB năm 2022 đều tăng so với cùng kỳ. Tổng số lượt KCB tăng 17,51%; tổng lượt điều trị nội trú tăng 14,41%; tổng xét nghiệm máu tăng 18,46%; chẩn đoán hình ảnh tăng 17,17%. Các BV đã xây dựng và triển khai các kế hoạch giảm chuyển tuyến với nhiều biện pháp như: Phát triển chuyên môn, đáp ứng công tác KCB theo danh mục kỹ thuật chuyên môn theo phân tuyến BV, đào tạo nhân lực, ký kết hợp đồng chuyển gửi xét nghiệm, hợp tác chuyên môn...

Đáng chú ý, đến nay, 100% cơ sở KCB trên địa bàn Hà Nội đã triển khai KCB BHYT bằng ứng dụng VssID. Năm 2022, BHXH TP.Hà Nội đã ký hợp đồng KCB BHYT với 186 cơ sở KCB từ tuyến Trung ương đến tuyến cơ sở. Toàn thành phố đã có 10,7 triệu lượt KCB BHYT, số chi KCB BHYT là 19.169,5 tỷ đồng, chi phí bình quân BHYT thanh toán một đợt điều trị nội trú là 8,1 triệu đồng, ngoại trú là 596.000 đồng. Đặc biệt, trong năm, quỹ BHYT đã chi trả cho rất nhiều bệnh nhân mắc các bệnh nan y, mạn tính với chi phí lớn lên tới hàng tỷ đồng, giúp các bệnh nhân và gia đình giảm gánh nặng chi phí KCB, có thêm động lực để yên tâm điều trị bệnh.

Cùng với đó, ngành y tế Hà Nội cũng đã lắp đặt bổ sung các thiết bị đọc thẻ CCCD gắn chip. Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, tỷ lệ người dân sử dụng thẻ CCCD đi KCB khoảng 85%. Hiện các cơ sở KCB đang tiếp túc tăng cường công tác truyền thông, tiến tới đạt tỷ lệ 100%. Tỷ lệ chuyển tuyến của bệnh nhân BHYT là 4,48%, trong đó chuyển tuyến tới các BV Trung ương, bộ, ngành là 43.436 lượt, tương đương 34,48% lượt chuyển tuyến. Đến hết 30/11/2022, các BV chuyển 6.521 lượt bệnh nhi đến các BV Trung ương, bộ, ngành.

Đặc biệt, các chuyên khoa đầu ngành đã đăng ký phát triển danh mục kỹ thuật mới triển khai tại BV và dự kiến triển khai hỗ trợ, chuyển giao cho các đơn vị tuyến dưới. Chuyên khoa đầu ngành đã tổ chức 155 lượt đi tuyến, chuyển giao kỹ thuật tại các đơn vị. Ngành y tế Hà Nội đã không ngừng phát triển, triển khai nhiều kỹ thuật cao tại các đơn vị ECMO tại BV Thanh Nhàn, BVĐK Đức Giang; chuyên ngành gây mê hồi sức; chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh; chuyên ngành mắt; chuyên ngành răng hàm mặt; chuyên ngành ngoại khoa; chuyên ngành sản phụ khoa...

Để nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh, thời gian qua, các cơ sở KCB đã tăng cường ứng dụng CNTT, góp phần rút ngắn thời gian chờ khám của người bệnh. Đồng thời, quản lý được các thông tin, dữ liệu khám bệnh, khuyến khích các đơn vị đẩy nhanh tiến độ triển khai bệnh án điện tử, kê đơn thuốc điện tử theo Thông tư số 27/2021-TT-BYT. Đảm bảo các BV hoàn thiện phần mềm quản lý KCB HIS, LIS, PACK, kết nối liên thông kết quả các khoa phòng, hội chẩn liên khoa, báo động đỏ nội viện... Thành lập các nhóm Zalo sẵn sàng tiếp nhận, hội chẩn các ca bệnh khó từ xa...

Củng cố năng lực hệ thống giám sát dịch bệnh

Phát huy những kết quả đạt được, trong năm 2023, ngành y tế Hà Nội sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của Trung ương, thành phố và Bộ Y tế, chủ động triển khai kế hoạch phòng chống, không để xảy ra dịch lớn. Song song với đó, củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế các tuyến; tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế, ưu tiên phát triển mạng lưới y tế cơ sở; phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ KCB. Thực hiện hiệu quả các hoạt động chương trình mục tiêu y tế-dân số, đảm bảo an toàn thực phẩm. Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, sử dụng thiết bị y tế công nghệ cao, CNTT trong quản lý điều hành và KCB nhằm nâng cao chất lượng điều trị, góp phần tích cực trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Trong năm 2023, ngành y tế Hà Nội tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực của hệ thống giám sát, trong đó tăng cường năng lực xét nghiệm, chẩn đoán tác nhân gây bệnh tại các tuyến. Theo Kế hoạch số 32/KH-SYT về phòng chống dịch năm 2023, ngành y tế Hà Nội xác định tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực của hệ thống giám sát, bao gồm: Nâng cao năng lực của các cán bộ y tế tham gia hệ thống. Tăng cường năng lực xét nghiệm chẩn đoán tác nhân gây bệnh tại các tuyến; trang bị phương tiện phục vụ hoạt động giám sát dịch từ thành phố đến cơ sở với mục tiêu phát hiện sớm, điều tra, khoanh vùng và xử lý kịp thời dịch bệnh, không để dịch lan rộng.

Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng nhấn mạnh đến vai trò của mạng lưới y tế cơ sở, y tế tư nhân, y tế cơ quan, trường học, đặc biệt là mạng lưới cộng tác viên y tế-dân số trong việc phát hiện, thông tin, báo cáo kịp thời ca bệnh dịch để tổ chức xử lý dịch triệt để và huy động hiệu quả sự tham gia của cộng đồng trong công tác phòng chống dịch. Nhằm phát hiện sớm, áp dụng kịp thời các biện pháp phòng chống dịch phù hợp ngay từ ban đầu, hạn chế tối đa dịch phát tán ra cộng đồng, cũng cần tăng cường công tác kiểm dịch y tế tại cửa khẩu Nội Bài.

Riêng đối với dịch Covid-19, trong năm 2023, ngành y tế Hà Nội tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác kiểm soát, theo dõi sự biến đổi của virus SARS-CoV-2 và thường xuyên đánh giá nguy cơ dịch bệnh để có biện pháp đáp ứng phù hợp và kịp thời. Cùng với đó, tăng tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin Covid-19, bảo đảm trẻ em từ 5 đến dưới 18 tuổi, người trên 18 tuổi được tiêm các mũi cơ bản và nhắc lại theo hướng dẫn và phân bổ vắc-xin của Bộ Y tế.

Hà Hùng