Print

Cảnh giác thủ đoạn làm giả giấy chứng nhận nằm viện để kêu gọi từ thiện

Thứ Tư, 08 /02/2023 16:38

Thời gian gần đây, liên tục xuất hiện các đối tượng trục lợi bằng cách làm giả giấy tờ của BV, sau đó đăng tải lên mạng xã hội để quyên góp tiền từ thiện chữa bệnh…

Mới đây, BVĐK tỉnh Kon Tum đã có công văn trình báo và đề nghị cơ quan Công an vào cuộc điều tra hành vi mạo danh giấy xác nhận nằm viện rồi tung lên Facebook để kêu gọi từ thiện nhằm trục lợi. Qua xác minh, từ ngày 1/2 đến nay, liên tục có các Fanpage hội, nhóm thông tin về trường hợp ca bệnh điều trị tại BVĐK tỉnh Kon Tum lâm vào khó khăn tài chính, kêu gọi hỗ trợ chi phí điều trị.

BVĐK tỉnh Kon Tum phát đi thông báo cảnh báo lừa đảo

Cụ thể, tài khoản Facebook có tên T.C đã đăng vào Fanpage Chợ Kon Tum với nội dung: "Em chào cô chú, anh chị trong nhóm. Mong cô chú, anh chị giúp đỡ em trong lúc này với ạ, em ở Ngọc Hồi, Kon Tum. Sự việc con em bị tai nạn mới nhập viện ở BVĐK tỉnh Kon Tum cấp cứu do bị té xe nên trong não có máu bầm. Giờ bác sĩ yêu cầu phải mổ gấp. Tổng chi phí là 20 triệu, em chỉ mới đóng trước 15 triệu tạm ứng. Giờ còn thiếu 5 triệu nữa, gia đình em hết khả năng, nên em mới đăng bài mong được sự giúp đỡ của cô chú và anh chị để con em được phẫu thuật".

Để thuận tiện cho việc quyên góp, người này đã ghi cụ thể số điện thoại và số tài khoản ngân hàng để nhận tiền. Điều đáng nói là, nội dung kêu gọi nêu trên đăng kèm hình ảnh chụp giấy xác nhận nằm viện với chữ ký của BSCKII.Đoàn Thị Tuần- Phó Giám đốc BV và con dấu của BVĐK tỉnh.

Trước thông tin trên, phía BVĐK tỉnh Kon Tum đã phát đi thông báo: “Nội dung và hình ảnh đăng tải này hoàn toàn sai sự thật. BVĐK tỉnh Kon Tum không có trường hợp bệnh nhân nào như bài đăng và không thực hiện xác nhận nằm viện tương tự như hình ảnh. Vì vậy, BV thông báo để mọi người biết, tránh bị lợi dụng vì mục đích trục lợi cá nhân”.

Cùng thời điểm trên, các hội nhóm mạng xã hội của tỉnh Quảng Ngãi cũng lan truyền giấy xác nhận nằm viện giả mạo có nội dung: "BVĐK tỉnh xác nhận, bệnh nhân tên Hoàng Trọng Hiếu (sinh năm 2015) ở thôn Trung Sơn, xã Phổ Khánh, TX.Đức Phổ nhập viện vào ngày 1-2-2023, chẩn đoán máu bầm trong não, hôn mê lúc nhập viện. Phương pháp điều trị: Phẫu thuật mổ lấy máu bầm. Chi phí phẫu thuật 20 triệu đồng, đã đóng trước tạm ứng 15 triệu đồng, chi phí thanh toán còn lại 5 triệu đồng".

Đáng nói, giấy xác nhận nằm viện này có chữ ký của BS.Huỳnh Giới và dấu mộc đỏ của BVĐK tỉnh Quảng Ngãi và ghi ngày 1/2/2023. Tuy nhiên, qua trao đổi, BS.Huỳnh Giới khẳng định thông tin và giấy xác nhận trên hoàn toàn là giả mạo, bởi ông đã nghỉ hưu từ ngày 1/8/2022.

Vừa qua, trên một số Fanpage và hội nhóm mạng xã hội facebook tại Điện Biên cũng đăng tải thông tin kêu gọi sự chung tay của cộng đồng để quyên góp từ thiện. Nội dung thể hiện bệnh nhân 8 tuổi do bị té xe nên trong não có máu bầm, giờ bác sĩ yêu cầu phải mổ gấp. Thậm chí, tài khoản này còn đăng tải hình ảnh giấy xác nhận nằm viện thể hiện do BVĐK tỉnh Điện Biên cấp.

Đến ngày 4/2, thông tin từ Phòng Công tác xã hội (BVĐK tỉnh Điện Biên) cho biết, toàn bộ nội dung và hình ảnh của bệnh nhân tên Hoàng Trọng Hiếu được đăng tải trên mạng xã hội những ngày qua là không có thật. BV cũng không có bác sĩ nào tên là Huỳnh Minh Thu như giấy xác nhận tình trạng bệnh và số tiền còn thiếu để phẫu thuật.

"Việc ủng hộ cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn là việc làm rất tốt, mang nhiều tính nhân văn, có thể giúp người bệnh có thêm điều kiện để được chăm sóc y tế một cách tốt nhất. Tuy nhiên, để lòng tốt đặt đúng chỗ, người dân và các nhà hảo tâm cần thận trọng tìm hiểu, xác minh, kiểm chứng kỹ nội dung thông tin để hỗ trợ đến đúng người"- đại diện BVĐK tỉnh Điện Biên khuyến cáo.

Trước đó, một số BV phía Nam cũng phát đi thông tin cảnh báo tình trạng mượn danh BV để lừa gạt qua mạng xã hội. Những đối tượng này liên tục đưa thông tin về các trường hợp bệnh nhân đang lâm vào cảnh ngặt nghèo, nhất là trẻ em, đang điều trị tại BV để kêu gọi quyên góp. Nội dung bài viết thương tâm, còn đính kèm hình ảnh bệnh nhi, giấy nhập viện, giấy báo chi phí phẫu thuật, biên lai thu tiền tạm ứng và thông tin cụ thể về số tài khoản nhận tiền hỗ trợ. Tuy nhiên, qua xác minh của BV, toàn bộ nội dung và hình ảnh của bệnh nhân được đăng tải là giả. Đồng thời, hình ảnh các hóa đơn, chứng từ trong bài viết kêu gọi quyên góp cũng không đúng sự thật.

Theo cảnh báo từ phía cơ quan Công an, trên mạng xã hội hiện vẫn tồn tại rất nhiều dạng lừa đảo thông qua hoạt động từ thiện tương tự các vụ việc nêu trên. Để tránh đặt lòng tốt không đúng chỗ, người dân cần nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn kêu gọi ủng hộ từ thiện trên các trang mạng xã hội, không để các đối tượng xấu lợi dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các nhà hảo tâm nên liên hệ với chính quyền địa phương và BV nơi họ điều trị để xác định chính xác thông tin hoặc ủng hộ, đóng góp tiền, vật chất tại các quỹ, chương trình từ thiện do Nhà nước, tổ chức, đoàn thể, quỹ xã hội được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đứng ra tổ chức. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Thanh Hằng