Print

ĐB Sông Hồng: Đến năm 2030, phấn đấu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 7%

Thứ Năm, 09 /02/2023 12:53

Chính phủ vừa ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nhằm xây dựng Đồng bằng Sông Hồng là vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái; là trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới; trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hóa, giáo dục- đào tạo, khoa học- công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, xã hội số, y tế và chăm sóc sức khỏe Nhân dân; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đồng bộ, hiện đại, thông minh; hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới, thông minh xanh, bền vững phù hợp với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước… Chính phủ vừa ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, phấn đấu đạt các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030:

- Tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 9%/năm. Đến năm 2030, GRDP vùng tăng khoảng 3 lần so với năm 2020 (giá hiện hành), trong đó nông, lâm và thủy sản chiếm khoảng 3,5%, công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 47%, dịch vụ chiếm khoảng 41%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm khoảng 8,5%. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 274 triệu đồng/người/năm. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 7%. Đóng góp bình quân của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng giai đoạn 2021-2030 đạt 55%. Kinh tế số đạt khoảng 35% GRDP. Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 55%. 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

- Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia: Mầm non đạt 76%, Tiểu học đạt 95%, THCS đạt 90%, THPT đạt 68%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 48 - 52%, tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức dưới 3%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm khoảng 1,5%/năm. Đạt 32 giường bệnh/vạn dân và 11 bác sỹ/vạn dân. Tỷ lệ tham gia BHYT đạt trên 95% dân số.

- Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch theo quy chuẩn ở thành thị đạt 100%, ở nông thôn đạt 85%; 100% KCN, KCX đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 95%; tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý theo quy định đạt 98%. Giảm ít nhất 9% lượng phát thải khí nhà kính.

Riêng về ASXH, một số giải pháp cơ bản được đặt ra như sau:

Phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng là trung tâm hàng đầu cả nước về giáo dục, đào tạo, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao theo hướng đổi mới toàn diện cả về năng lực, kỹ năng, phẩm chất, hài hòa đức, trí, thể, mỹ; phát huy tốt nhất tiềm năng nguồn nhân lực của vùng đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Tập trung đầu tư và thu hút mọi nguồn lực xã hội để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng tâm là đào tạo nghề; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho một số ngành, nghề mũi nhọn đạt trình độ khu vực, thế giới để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Chuẩn hóa và nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông cả trí tuệ, thể chất; phân luồng, định hướng tiếp cận nghề nghiệp cho HSSV, góp phần hình thành đội ngũ nhân lực theo quy mô, cơ cấu nghề nghiệp, trình độ đào tạo… Rà soát, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tăng cường hợp tác, liên kết với DN; tập trung ưu tiên đầu tư trường trọng điểm để thực hiện chức năng trung tâm quốc gia và trung tâm vùng đào tạo, thực hành nghề chất lượng cao.

Phát triển thị trường lao động hiện đại, linh hoạt và hội nhập, tăng cường kết nối cung - cầu lao động nội vùng và liên vùng, có sự kiểm soát, quản lý, điều tiết của Nhà nước để chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng dự báo thị trường lao động. Thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các chính sách BHXH, BH thất nghiệp cho người lao động. Xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động, cơ sở dữ liệu quản lý lao động đồng bộ, hiện đại, kết nối với cơ sở dữ liệu chuyên ngành liên quan như BHXH, dân cư, thuế.
Kết hợp phát triển kinh tế gắn với bảo đảm ASXH, giảm nghèo bền vững, nhất là giảm nghèo đô thị, tạo việc làm. Thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia; các chính sách về ưu đãi người có công, trợ giúp xã hội; các chính sách dân tộc, tôn giáo; làm tốt công tác chăm sóc trẻ em, người cao tuổi, thúc đẩy bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.

Xây dựng hệ thống y tế của vùng hiệu quả và hội nhập, có dịch vụ chuyên sâu chất lượng cao dẫn đầu cả nước, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ; bảo đảm mọi người dân có cơ hội tiếp cận bình đẳng dịch vụ y tế có chất lượng, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế toàn dân. Phát huy thế mạnh về nguồn nhân lực y tế của vùng, tăng cường đầu tư các cơ sở đào tạo Đại học và cao đẳng về y tế để đào tạo đội ngũ cán bộ y tế đủ về số lượng, chất lượng cung cấp nhân lực cho ngành y tế; rà soát, ban hành các cơ chế nhằm thu hút, đào tạo, đãi ngộ hợp lý đội ngũ thầy thuốc, chuyên gia giỏi. Hoàn thành quy hoạch mạng lưới y tế cơ sở thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có tích hợp các cơ sở y tế mang tính liên vùng, liên tỉnh của vùng đồng bằng Sông Hồng.

Tùng Anh