Print

USAID: Lộ trình về Dinh dưỡng, sức khỏe bà mẹ và trẻ em đến năm 2030

Thứ Tư, 15 /02/2023 11:01

USAID gần đây đã công bố Lộ trình về Dinh dưỡng, sức khỏe bà mẹ và trẻ em đến năm 2030, nhằm giúp các quốc gia đạt được thời hạn hoàn thành một phần Mục tiêu Phát triển Bền vững 3 (SDG 3) vào năm 2023.

Lộ trình đến năm 2030 của USAID xác định một số lĩnh vực giúp các quốc gia có phương hướng đạt được một số mục tiêu nhất định để hoàn thành SDG 3, trong đó có nhiều mục tiêu về nghèo đói và khả năng tiếp cận các nhu cầu cơ bản tác động trực tiếp.

Theo UNICEF, trên toàn cầu, tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi (U5MR) có xu hướng giảm, tính đến năm 2021 là 38 ca tử vong trên 1.000 ca sinh. Trong khi một số “quốc gia mục tiêu” của USAID đã đạt được những tiến bộ to lớn về sức khỏe bà mẹ, trẻ em và hiện đang trên đà đạt được một số Mục tiêu Phát triển Bền vững 3 (SDG 3) của họ vào năm 2030, thì nhiều quốc gia khác lại chưa đạt được.

Để đạt được các mục tiêu SDG 3, các quốc gia phải đáp ứng 4 tiêu chí vào năm 2030 theo USAID, đó là: Dự báo tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi (U5MR) là ≤25; Tỷ lệ tử vong bà mẹ dự báo cụ thể cho từng quốc gia (MMR); Tỷ lệ tử vong sơ sinh dự kiến (NMR) là ≤12; Tỷ lệ tử vong sau sinh dự kiến (PNMR) là 13 đối với trẻ em dưới 5 tuổi.

Trên thực tế, hiện rất ít quốc gia đang đi đúng hướng để đạt được các tiêu chí này. Trong số 24 quốc gia mục tiêu, chỉ có 6 quốc gia đang trên đà đạt được mục tiêu U5MR và dự đoán, sẽ có 3 quốc gia đạt được mục tiêu MMR cụ thể; 3 quốc gia đạt được mục tiêu NMR và 12 quốc gia đạt được mục tiêu PNMR. Do đó, Lộ trình đến năm 2030 của USAID giúp các quốc gia mục tiêu đi đúng hướng để đáp ứng mục tiêu SDG 3, đồng thời, để “cứu sống, giảm tỷ lệ mắc bệnh và khuyết tật, nâng cao tiềm năng của phụ nữ, trẻ sơ sinh, trẻ em, gia đình và cộng đồng để phát triển”. Qua đó, đạt được một số điều sau đây liên quan đến sức khỏe bà mẹ và trẻ em:

Cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc trước và sau khi sinh, cũng như dịch vụ chăm sóc trẻ em;

Cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe và khả năng cung cấp dịch vụ chăm sóc chất lượng cao;

Tiếp tục cải thiện tình trạng dinh dưỡng của phụ nữ, trẻ em, đồng thời tăng khả năng tiếp cận với nước sạch, điều kiện vệ sinh tiêu chuẩn.

Một khó khăn khác là trong khi các quốc gia trên thế giới đã đạt được tiến bộ đáng kể về SDG 3, hướng đến “đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh, thúc đẩy hạnh phúc cho mọi người ở mọi lứa tuổi”, thì đại dịch Covid-19 bùng phát, đem đến nguy cơ kéo lùi “hàng thập kỷ tiến bộ”. Theo số liệu của LHQ, hậu quả của đại dịch là 22,7 triệu trẻ em không được tiêm vắc-xin cơ bản vào năm 2020, khiến trẻ có nguy cơ cao bị nhiễm trùng hoặc tử vong do các bệnh có thể phòng ngừa được.

Do nhiều quốc gia có nguy cơ không đạt được một số mục tiêu trong SDG 3, Lộ trình đến năm 2030 của USAID đã xác định 3 lĩnh vực:

Thứ nhất, tăng cường các phương pháp tiếp cận chăm sóc sức khỏe ban đầu, vì đại dịch Covid-19 “đã nhấn mạnh sự cần thiết của các hệ thống linh hoạt hơn”. Ngoài hàng triệu trẻ em đã bỏ lỡ các mũi tiêm chủng thiết yếu, USAID dự đoán 3,6 triệu trẻ em sẽ bị chậm phát triển do sự gián đoạn đối với hệ thống lương thực toàn cầu vào năm 2022 do hậu quả lâu dài của đại dịch.

Thứ hai và thứ ba là nội địa hóa và sự tham gia của khu vực tư nhân, cả hai lĩnh vực này cần sự tham gia, vào cuộc nhiều hơn của địa phương, để đảm bảo tiến trình đạt được các mục tiêu thuận lợi hơn.

Sự bùng phát của Covid-19 rõ ràng đã bộc lộ những sai sót trong một số cách tiếp cận nhằm chống lại tác động của nghèo đói đối với sức khỏe bà mẹ, trẻ em, Lộ trình đến năm 2030 của USAID xác định và điều chỉnh các cách tiếp cận nhằm tiếp tục hạn chế vấn đề này. Với việc đẩy lùi đại dịch, Lộ trình của USAID rất cần thiết đối với vấn đề sức khỏe bà mẹ, trẻ em; hơn nữa, thể hiện nỗ lực đưa các quốc gia trở lại đúng hướng, đạt được SDG 3 vào năm 2030.

Tùng Anh (Theo USAID)