Print

Singapore: Túi dùng 1 lần từ siêu thị sẽ bị tính phí từ giữa năm 2023

Thứ Hai, 20 /02/2023 14:47

Bộ Môi trường và Bền vững (MSE), Cơ quan Môi trường Quốc gia (NEA) Singapore thông tin, phần lớn siêu thị của đảo quốc này, bao gồm NTUC FairPrice, Cold Storage, Giant, Sheng Siong và Prime, sẽ áp dụng tính phí đối với túi dùng một lần, bao gồm cả túi nilon, túi giấy.

Theo số liệu năm 2021, Singapore thải ra 817.000 tấn rác thực phẩm nhưng chỉ có 19% số đó được tái chế. Vì vậy việc áp dụng tính phí đối với túi dùng một lần (túi nilon, túi giấy) từ giữa năm 2023 vừa để bảo vệ môi trường, vừa để giảm lãng phí bao bì và thực phẩm. Trước đó, năm 2022, một chuỗi thương hiệu như The Body Shop, Cheers, FairPrice Xpress… bắt đầu tính phí 10 xu Singapore cho túi nilon dùng 1 lần cho mỗi giao dịch. “Mức phí được giữ ở mức thấp để giảm bớt tác động chi phí đối với người tiêu dùng, song vẫn khuyến khích họ lưu ý đến việc hạn chế số lượng túi nilon dùng 1 lần và mang theo túi vải, túi có chất liệu dùng được nhiều lần”- đại diện Cơ quan Môi trường Quốc gia (NEA) giải thích.

Singapore cũng quy định, các siêu thị, cửa hàng phải có trách nhiệm giải trình minh bạch số tiền thu được từ phí túi dùng 1 lần, cụ thể là công bố thông tin chi tiết về số lượng túi dùng 1 lần phát ra trong tháng; số lượng túi vải, túi có chất liệu dùng được nhiều lần mà người tiêu dùng mang đến siêu thị, cửa hàng; tổng số tiền thu được từ phí túi dùng 1 lần; mục đích sử dụng số tiền thu được từ phí túi dùng 1 lần (chẳng hạn, hỗ trợ các hoạt động từ thiện hoặc bảo vệ môi trường)...

Bên cạnh đó, để tăng tốc độ tái chế chai, lon đồ uống/đồ hộp vào giữa năm 2024, Singapore dự kiến sẽ áp mức phí từ 10 xu đến 20 xu Singapore cho mỗi loại đồ uống. Khoản tiền này có thể được hoàn lại khi người tiêu dùng trả lại chai, lon đã qua sử dụng cho cửa hàng, siêu thị, thông qua hình thức tiền mặt hoặc chuyển khoản tại các điểm thu sẽ được thiết lập tại tất cả các siêu thị có diện tích lớn hơn 200m2.

Bộ Môi trường và Bền vững (MSE), Cơ quan Môi trường Quốc gia (NEA) Singapore đặt kỳ vọng động thái này bên cạnh bảo vệ môi trường, hạn chế lãng phí, còn giúp phát triển hiệu quả ngành công nghiệp tái chế. Ngoài ra, trong nỗ lực xử lý rác thải thực phẩm của Chính phủ, các cơ sở công nghiệp, cơ sở thương mại sẽ được yêu cầu phân loại rác thải thực phẩm theo quy định chặt chẽ; theo dõi và báo cáo số lượng rác thải thực phẩm theo kỳ hạn… bắt đầu từ năm 2024 bởi đây là nguồn thải ra khoảng 40% lượng rác thải thực phẩm được tạo ra mỗi năm ở Singapore.

Tùng Anh (Theo The Straits Times)