Print

Cờ vua trong khu ổ chuột: Góp phần giảm bớt trẻ em nghèo ở Nigeria

Thứ Tư, 22 /02/2023 18:30

Ngân hàng Thế giới (WB) thông tin, năm 2019, Nigeria đứng thứ 2 trong số 5 quốc gia có số người nghèo cùng cực cao nhất thế giới. Cuộc khảo sát về Chỉ số Nghèo đa chiều (MPI) năm 2022 của Nigeria cũng cho biết, 63% dân số và 67,5% trẻ em Nigeria thuộc diện nghèo đa chiều.

Điều kiện tiếp cận giáo dục kém làm tăng nguy cơ nghèo đói ở trẻ em và người trưởng thành. Vì vậy, tăng cường và cải thiện giáo dục là một trong những chiến lược hiệu quả để chống nghèo. Ở Nigeria, việc những đứa trẻ xuất thân ở khu ổ chuột không được đến trường nhưng được hướng dẫn chơi cờ vua- một môn thể thao trí tuệ- cũng đang góp phần xóa đói giảm nghèo.

Theo ước tính của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), năm 2020, khoảng 10,5 triệu trẻ em Nigeria từ 5 đến 14 tuổi không được đến trường. Năm 2022, con số đó tăng lên 18,5 triệu do 2 nguyên nhân chính là bất ổn chính trị và ảnh hưởng của Covid-19. Khoảng 60% học sinh bỏ học là trẻ em gái. Chỉ có 35% trẻ em Nigeria theo học các lớp mầm non, 61% trẻ em từ 6 đến 1 tuổi đi học Tiểu học. Trong khi, giáo dục Tiểu học là bắt buộc và hoàn toàn miễn phí ở Nigeria.

Một bộ phận trẻ em bỏ học phải đi ăn xin. Một số khác mồ côi hoặc là trẻ lang thang cơ nhỡ. Những đứa trẻ này thường được gọi là "Agberos", một từ tiếng Yoruba có nghĩa là "côn đồ", "lưu manh" hoặc "trẻ đường phố"… sự gia tăng của "Agberos" làm nghiêm trọng hơn tình trạng tội phạm và mất an ninh trật tự xã hội- đây là một trong những hậu quả của tình trạng nghèo đói ở Nigeria.

Anh Babatunde Onakoya đã thành lập Tổ chức Chess in Slums Africa (CISA) vào năm 2018. Mục tiêu của tổ chức phi lợi nhuận này là hướng dẫn trẻ em nghèo chơi cờ để giúp chúng tránh xa cuộc sống đường phố. Giống như quân Tốt trên bàn cờ có thể nhờ vận hội mà trở thành quân Hậu, nếu chăm chỉ học tập, những đứa trẻ kém may mắn cũng có thể cải thiện vận mệnh của mình.

Xuất thân từ một trong những khu ổ chuột ở Nigeria, anh Onakoya có sự đồng cảm sâu sắc với trẻ em nghèo không được đến trường. Cha mẹ anh khi ấy không đủ khả năng chi trả học phí nên anh suýt nữa không được học cấp 2. Rất may mắn là một năm sau, mẹ anh có cơ hội nhận công việc tại một trường học, mẹ anh đã làm việc không lương để đổi lấy cơ hội học tập cho anh. Từ nhỏ, anh Onakoya đã học chơi cờ từ một người bạn vong niên làm nghề cắt tóc. Anh bộc lộ năng khiếu, giành nhiều huy chương trong các giải đấu, vào đội tuyển cờ vua của trường Đại học và cuối cùng trở thành một HLV chuyên nghiệp.

Khi anh Onakoya tốt nghiệp Đại học và chưa có việc làm, anh và một số người bạn bắt đầu dạy cờ vua cho trẻ em nghèo trong cộng đồng Majidun ở Lagos. Sau đó, họ thành lập CISA để mở lớp, hình thức đào tạo theo 3 giai đoạn là sơ cấp, trung cấp và cao cấp. “Đối với tôi, cờ vua cũng giống như giáo dục, giúp trẻ em có năng lực tư duy và suy nghĩ độc lập”- anh Onakoya chia sẻ- “Đó là lý do tại sao chúng tôi dạy trẻ em nghèo chơi cờ vua, vì ngoài đi theo con đường chuyên nghiệp, các em có thể học cách tự suy nghĩ, tự phân tích, tự đưa ra giải pháp cho các vấn đề khác trong cuộc sống”.

Trong một cuộc phỏng vấn với Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC), anh Onakoya cho biết thêm: “Quá trình học cờ vua cần kiên trì, việc suy nghĩ để đi những nước cờ hay, sẽ giúp con người nâng cao năng lực tinh thần theo thời gian. Nhiều đứa trẻ khi đến CISA không hề biết bất kỳ từ tiếng Anh nào, song theo thời gian, chúng sử dụng những từ, cụm từ tiếng Anh một cách thành thạo, thậm chí còn đủ vốn từ để tranh luận hay phân tích nhóm. Điều này chứng minh rằng cờ vua là một trong những trò chơi hoàn hảo cho sự phát triển tinh thần”.

CISA hiện đang hoạt động tại một số tỉnh, thành ở Nigeria. Ngoài các lớp học lưu động, họ đã thành lập một học viện cờ vua ở Burkino Faso. Đến nay, CISA có hơn 1.000 trẻ em theo học, trong đó 500 em đã đạt trình độ Trung cấp. Nhờ cờ vua, học sinh, sinh viên theo học đã kiếm được 200 học bổng trị giá 400.000 USD. Các mục tiêu trong tương lai của CISA là tuyển sinh được 5.000 học sinh; quyên góp 1 triệu USD để hỗ trợ 1.000 USD học phí cho mỗi học sinh đi học và lan tỏa các chương trình, lớp học cờ vua trên khắp Châu Phi.

Tùng Anh (Theo WB)