Print

Mối liên hệ giữa biết chữ và tỷ lệ tử vong ở trẻ em

Thứ Sáu, 24 /02/2023 12:47

Mặc dù nhiều người có thể không nghĩ rằng có mối liên hệ giữa tỷ lệ tử vong ở trẻ em và việc biết chữ, nhưng chắc chắn là có. Trên thực tế, phụ nữ càng có trình độ học vấn thì cơ hội sống sót của con cái càng cao.

Tỷ lệ tử vong ở trẻ em là số trẻ em chết trước 5 tuổi trên 1.000 ca sinh. Việc này phổ biến ở một mức độ nào đó ở mọi khu vực, quốc gia trên thế giới nhưng có một số khu vực, quốc gia có tỷ lệ trẻ em tử vong cao hơn hẳn. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ tử vong ở trẻ em toàn cầu đã được cải thiện đáng kể, giảm từ 93 ca sinh trên 1.000 ca sinh (năm 1990) xuống còn 37 ca sinh vào năm 2020.

Tỷ lệ biết chữ toàn cầu hiện là là 87%, so với 12% vào năm 1820. Tuy nhiên, vẫn tồn tại sự chênh lệch lớn giữa các khu vực, quốc gia trên thế giới; trong đó, các quốc gia ở châu Phi cận Sahara có tỷ lệ biết chữ thấp nhất. Ví dụ, ở Mali, tỷ lệ biết chữ giảm xuống còn 31% vào năm 2020 do các cuộc xung đột, nội chiến; ở Nam Sudan là 35% và Afghanistan là 37%.

Theo nghiên cứu của Trường Harvard Kennedy, khi một phụ nữ biết chữ, con cái có cơ hội sống qua 5 tuổi cao hơn 36% so với trường hợp mù chữ. Khi phụ nữ hoàn thành giáo dục cơ bản (tốt nghiệp Tiểu học), tỷ lệ tử vong ở con cái giảm 68%. Ở chiều ngược lại, khi phụ nữ mù chữ, 38,5% số này phải đối mặt với sự tử vong của con cái. Nhưng trên thế giới không phải trẻ em gái, phụ nữ nào cũng được thụ hưởng quyền lợi được tiếp cận giáo dục. Hoặc được cắp sách đến trường nhưng chất lượng giáo dục còn bỏ ngỏ do nhiều nguyên nhân như thiếu kinh phí để nâng đội ngũ giáo viên; chưa có đầy đủ tài liệu giáo dục chất lượng; kinh tế hộ gia đình khó khăn dẫn đến trẻ em học hành không đến nơi đến chốn…

Trong nhiều năm qua, việc trao quyền cho phụ nữ, trẻ em gái bằng cách cung cấp cơ hội giáo dục cho họ là một lựa chọn sáng suốt của các Chính phủ, tổ chức phi chính phủ, tổ chức kinh tế-xã hội… Bên cạnh đó, cần lưu tâm cả việc xây dựng mạng lưới ASXH, trong đó có y tế, “bao phủ” họ. Một phụ nữ có trình độ học vấn, có kiến thức chăm sóc sức khỏe cho bản thân và thai nhi trong thời kỳ mang thai, biết cách phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo biến chứng để có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia chăm sóc sức khỏe… sẽ giúp hạn chế tình huống xấu nhất đối với con cái họ. Hơn nữa, được giáo dục đầy đủ cũng làm tăng cơ hội tìm kiếm việc làm ngoài xã hội, tăng khả năng thương lượng của phụ nữ, trẻ em gái trong chính ngôi nhà của họ, từ đó làm giảm nguy cơ bạo lực gia đình, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống.

Tùng Anh (Theo WHO)