Print

Empagliflozin- thuốc điều trị tiểu đường với cơ chế mới

Thứ Sáu, 24 /02/2023 14:22

Empagliflozin là thuốc làm hạ đường huyết, HbA1c thuộc nhóm thuốc ức chế chất đồng vận chuyển Glucose- Natri 2 (SGLT-2). Các thuốc thuộc nhóm ức chế SGLT-2 đều hoạt động theo cơ chế loại bỏ Glucose dư thừa ra khỏi cơ thể thông qua đường nước tiểu. Empagliflozin được chỉ định cho người tiểu đường type 2 khi chế độ ăn uống và tập luyện không đủ để kiểm soát đường huyết. Thuốc có thể được sử dụng đơn độc (đơn trị liệu) hoặc kết hợp với các loại thuốc uống, thuốc tiêm Insulin khác.

Thuốc này được coi là một thuốc điều trị tiểu đường type 2 mới nhất hiện nay. Empagliflozin có cơ chế tác dụng hoàn toàn mới so với các thuốc hạ đường huyết trước đây, đó là khả năng tăng thải đường qua thận và hoàn toàn độc lập với Insulin của cơ thể. Chính điều này đã khiến nó có nhiều ưu điểm vượt trội trong điều trị tiểu đường type 2.

Thuốc có ưu điểm là giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả và lâu dài ở mọi giai đoạn của tiểu đường type 2. Trong thực tế lâm sàng cho thấy, thuốc phát huy tác dụng ổn định cả đường huyết trước và sau ăn rất sớm, chỉ sau một tuần sử dụng. Một ưu điểm khác của Empagliflozin là khả năng giảm đường huyết an toàn, không gây ra tác dụng phụ hạ đường huyết quá mức khi sử dụng đơn độc.

Tuy nhiên, nếu kết hợp với các thuốc khác thuộc nhóm Sulfornylureas hoặc thuốc tiêm Insulin, người bệnh vẫn cần cảnh giác với tác dụng phụ hạ đường huyết quá mức của các nhóm thuốc dùng kèm này. Với cơ chế tác dụng mới kiểm soát đường huyết bằng cách thải trừ Glucose qua nước tiểu, nhưng nó lại có tác dụng bảo vệ thận, độc lập với tác dụng kiểm soát đường huyết của loại thuốc này.

Theo các nghiên cứu, Empagliflozin có tác động làm giảm Albumin niệu và giảm đáng kể tiến triển của bệnh thận mạn. Thuốc còn làm giảm nguy cơ tử vong do bệnh thận và biến chứng thận tiểu đường.

Một số thuốc tiểu đường cũ thường chống chỉ định đối với bệnh nhân suy gan nặng, nhưng Empagliflozin thì không. Đây đang là thuốc nằm trong danh sách được các thầy thuốc lựa chọn, khuyến khích dùng trong các trường hợp điều trị tiểu đường ở bệnh nhân có bệnh lý nền liên quan tới gan.

Empagliflozin cùng với các thuốc khác thuộc nhóm ức chế SGLT-2 đã được chứng minh là giảm được các biến cố tim mạch ở bệnh nhân tiểu đường type 2. Nghiên cứu cho thấy, thuốc làm giảm tỷ lệ suy tim nặng lên, giảm tần suất nhập viện do suy tim tái phát, giảm nguy cơ tử vong do biến chứng tiểu đường trên tim mạch.

Liều khởi đầu của thuốc này trong thực tế lâm sàng được khuyến cáo là 10mg, dùng duy nhất một lần trong ngày, với phác đồ sử dụng đơn độc hoặc kết hợp với các thuốc khác. Trong trường hợp sử dụng liều 10mg không đạt được hiệu quả kiểm soát đường huyết, có thể cân nhắc sử dụng liều tối đa là 25mg/ngày.

Với liều đã được chỉ định bởi thầy thuốc chuyên khoa, người bệnh cần tuân thủ cách dùng và uống thuốc sau ăn bữa sáng. Đây được xem là thời điểm cơ thể hấp thu tốt nhất hoạt chất Empagliflozin. Không được bẻ hoặc nghiền viên thuốc, vì có thể ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc thông qua cách bào chế dạng viên nén bao film.

Empagliflozin giúp tăng thải đường Glucose qua nước tiểu, nên tác dụng phụ thường gặp nhất của loại thuốc này là tình trạng nhiễm trùng tiết niệu và sinh dục, gây nấm âm đạo, viêm âm đạo hoặc âm hộ, viêm bao quy đầu… Ngoài ra, bạn cũng có thể gặp các tình trạng tưa miệng, đau hoặc nóng rát khi tiểu, phát ban, ngứa da nhẹ…

Một số tác dụng phụ nghiêm trọng nhưng rất hiếm gặp (tỷ lệ 1/1000) là mất nước nặng và nhiễm toan Ceton. Nếu thấy biểu hiện bất thường trong cơ thể khi dùng thuốc, cần phản ảnh lại với thầy thuốc ngay. Nên kết hợp việc dùng thuốc với chế độ ăn uống, tập luyện khoa học, sống thoải mái, lành mạnh, sinh hoạt điều độ, là cách tốt nhất để chung sống với căn bệnh tiểu đường.

ThS.Lê Quốc Thịnh