Print

Uganda: Phát triển trung tâm dạy nghề để hỗ trợ phụ nữ, trẻ em gái

Thứ Ba, 28 /02/2023 18:23

Uganda là một quốc gia Đông Phi, có hàng chục nhóm dân tộc sinh sống. Trong vài thập kỷ qua, Chính phủ Uganda đã có nhiều nỗ lực nhằm cải thiện cuộc sống của phụ nữ, trẻ em gái (chiếm 50,71% dân số). Trong đó, có việc phát triển Trung tâm dạy nghề, thiết thực hỗ trợ phụ nữ, trẻ em gái.

Căn cứ Công ước Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW); Nghị định thư Hiến chương châu Phi về quyền con người và quyền của người dân đối với quyền của phụ nữ ở châu Phi (hay còn gọi là Nghị định thư Maputo)… Chính phủ Uganda có các điều luật bảo vệ quyền của phụ nữ, trẻ em gái trong Hiến pháp năm 1995 của quốc gia này. Tuy nhiên, trên thực tế, còn không ít phụ nữ, trẻ em gái Uganda, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, chưa thực sự được đối xử bình đẳng với nam giới. Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 bùng phát những năm qua cũng tác động tiêu cực đến quyền của phụ nữ, trẻ em gái ở Uganda cả về kinh tế và xã hội; thậm chí, khoảng 90.000 trẻ em gái dưới 18 tuổi đã mang thai trong hơn 3 năm qua.

Theo Cơ quan Thống kê Uganda, phụ nữ, trẻ em gái trên 15 tuổi ở Uganda dành 14,6% thời gian cho công việc chăm sóc gia đình/ nội trợ không được trả lương, con số này ở nam giới là 8,8%. Trẻ em gái không được tiếp cận quyền giáo dục thuận lợi như nam giới. Trong giáo dục Tiểu học và tiền Tiểu học, trẻ em gái và trẻ em trai đi học với tỷ lệ tương tự nhau; tuy nhiên, khi đến tuổi học Trung học (từ 13 đến 18 tuổi), số lượng trẻ em gái đi học thấp hơn hẳn so với trẻ em trai. Ở độ tuổi Đại học, độ chênh lệch còn nhiều hơn nữa.

Đối với nhiều trẻ em gái, kết hôn sớm và làm mẹ đồng nghĩa với việc chấm dứt việc học hành của họ. Phụ nữ trong độ tuổi 15-49, độ tuổi sinh sản điển hình ở Uganda, thường gặp phải những rào cản trong chăm sóc sức khỏe sinh sản và không được tiếp cận giáo dục sức khỏe tình dục. Hủ tục cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ vẫn là một thách thức lớn đối với phụ nữ, trẻ em gái Uganda. Lúc này, các Trung tâm đào tạo nghề ở Uganda có thể mang đến cho phụ nữ, trẻ em gái một tương lai khác.

Theo LHQ, việc trang bị cho phụ nữ, trẻ em gái Uganda những kỹ năng thực tế có thể mang tính chuyển đổi trong việc giúp họ tự chủ hơn về tài chính. Ở Uganda, 38,5% phụ nữ sống dưới chuẩn nghèo quốc tế; con số này ở nam giới chỉ là 33,9%. Vậy, việc thành lập các trung tâm đào tạo nghề ở Uganda sẽ mang lại một tương lai tươi sáng hơn cho phụ nữ, trẻ em gái như thế nào? Hãy tham khảo hoạt động của Tổ chức Resilient Women Uganda.

Đối tượng của Tổ chức là phụ nữ, trẻ em gái nghèo, độ tuổi từ 10 đến 20 tuổi, thông qua việc xây dựng các trung tâm đào tạo nghề, tập trung vào cắt may, đan lát, sử dụng máy tính, học tiếng Anh, làm tóc... Bên cạnh đó, còn có sứ mệnh giúp đỡ trẻ em gái đã bỏ học trở lại trường học. Resilient Women Uganda do 2 phụ nữ thành lập vào năm 2016; đến nay, đã tiếp xúc, hỗ trợ 9.504 thanh thiếu niên và giúp 359 phụ nữ tìm được việc làm. Như vậy, mục tiêu vì một tương lai tươi sáng hơn cho phụ nữ, trẻ em gái Uganda đang từ từ hiện thực hóa; qua đó, góp phần xóa đói giảm nghèo bằng cách cải thiện mức sống và tăng cường quyền của phái nữ.

Tùng Anh (Theo LHQ)