Print

An Giang lên kế hoạch phát triển BHXH, BHYT giai đoạn 2023-2025

Thứ Tư, 08 /03/2023 08:43

UBND tỉnh An Giang đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 25,13% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH và 95% dân số tham gia BHYT.

Sáng 8/3, ông Đặng Hồng Tuấn- Giám đốc BHXH tỉnh An Giang cho biết, UBND tỉnh An Giang vừa ban hành Kế hoạch số 149/KH-UBND về thực hiện chính sách BHXH, BHYT giai đoạn 2023-2025. Theo đó, UBND tỉnh giao chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH bắt buộc tăng bình quân gần 2% lực lượng lao động; BHXH tự nguyện tăng bình quân 2,56% lực lượng lao động phi chính thức; BH thất nghiệp đảm bảo số người tham gia hằng năm tăng so với năm trước. Phấn đấu đến năm 2025 có 25,13% lực lượng lao động tham gia BHXH và 95% dân số tham gia BHYT. Cụ thể: Tỷ lệ tham gia BHXH năm 2023 là 19,34%, năm 2024 là 21,94% và năm 2025 là 25,13%. Tỷ lệ tham gia BHYT năm 2023 là 92,75%, năm 2024 là 94% và năm 2025 là 95%.

Một cuộc họp của UBND tỉnh An Giang về thực hiện chính sách BHXH, BHYT

Để thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu quan trọng này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước yêu cầu Sở LĐ-TB&XH chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định hỗ trợ kinh phí đóng BHYT cho người cao tuổi từ đủ 60 tuổi đến dưới 80 tuổi thuộc hộ gia đình, hộ nông- lâm- ngư nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025 và giai đoạn đến năm 2030.

Giao Sở Y tế chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ một phần mức đóng BHYT cho 4 nhóm đối tượng: Nhóm đối tượng thuộc hộ nghèo đa chiều không thiếu hụt BHYT; nhóm đối tượng thuộc hộ cận nghèo; nhóm đối tượng thuộc hộ nông- lâm- ngư nghiệp có mức sống trung bình; nhóm HSSV.

Các đơn vị như: Cục Thuế, Sở KH-ĐT, Công an tỉnh… tăng cường công tác phối hợp liên thông, kết nối, chia sẻ dữ liệu về DN, hộ kinh doanh, NLĐ để khai thác, phát triển người tham gia BHXH, BHYT; chia sẻ, đồng bộ dữ liệu người tham gia BHXH, BHYT với dữ liệu trên CCCD gắn chip theo Đề án 06…

BHXH tỉnh chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong việc triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác BHXH, BHYT trên địa bàn; phối hợp với các sở, ban ngành, tổ chức chính trị-xã hội đề xuất các giải pháp phát triển người tham gia BHXH, BHYT thông qua các hoạt động truyền thông, triển khai mạng lưới tổ chức dịch vụ thu rộng khắp; chú trọng cải cách TTHC; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, nhất là thanh tra chuyên ngành đóng BHXH...

UBND các huyện, thị xã, thành phố kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT cấp huyện, xã; căn cứ chỉ tiêu UBND tỉnh giao để xây dựng kế hoạch và đề ra các giải pháp thực hiện chỉ tiêu được giao. Đồng thời, giao chỉ tiêu cụ thể cho các xã, phường, thị trấn; định kỳ báo cáo đánh giá và đưa kết quả thực hiện vào chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Đặc biệt các cấp ủy Đảng, chính quyền cần đôn đốc, chỉ đạo, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT; tăng cường vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

Ngoài ra, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng kế hoạch, tập trung thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp nhằm tăng nhanh diện bao phủ BHXH, BHYT trên địa bàn. Các sở, ban ngành là thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, định kỳ báo cáo sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm; tổ chức khen thưởng những tập thể, cá nhân tiêu biểu, kịp thời kiến nghị để giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện, nhằm giúp các địa phương hoàn thành và đạt chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT theo kế hoạch.

Phạm Thọ