Print

Thuốc chống thải ghép Tacrolimus

Thứ Năm, 09 /03/2023 11:12

Thông tư số 20/2022/TT-BYT ngày 31/12/2022 của Bộ Y tế ban hành danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT, có hiệu lực từ ngày 1/3/2023 để thay thế Thông tư số 30/2018/TT-BYT, Thông tư số 01/2020/TT-BYT và Thông tư 20/2020/TT-BYT.

Thông tư 20/2022/TT-BYT đã khắc phục một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến danh mục và các quy định về thanh toán thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT; cũng như đã mở rộng thuốc cho y tế cơ sở để nâng cao quyền lợi và tăng cường tiếp cận thuốc BHYT cho người bệnh. Đáng chú ý, trong số đó có thuốc chống thải ghép Tacrolimus. Các thuốc dùng trong chống thải ghép có nhiều loại và nhận được sự quan tâm rất lớn của người bệnh, vì đây là nhóm thuốc có chi phí khá cao, là sự lo lắng không nhỏ của người bệnh khi bắt buộc phải sử dụng trong điều trị.

Tacrolimus là thuốc ức chế miễn dịch mạnh thường được sử dụng trong chống thải ghép. Thuốc Tacrolimus có tác dụng trong việc ngăn ngừa thải ghép thận, ghép gan hoặc tim. Tacrolimus hoạt động theo cơ chế làm suy yếu hệ thống miễn dịch của cơ thể, giúp cơ thể bạn chấp nhận cơ quan được ghép vào cơ thể. Ngoài ra, thuốc còn được bào chế dưới dạng thuốc mỡ Tacrolimus 0,03% để điều trị viêm da dị ứng vừa và nặng- khi các liệu pháp điều trị truyền thống không thích hợp hoặc bệnh nhân đáp ứng không đầy đủ.

Về bản chất, Tacrolimus là một Macrolid (Macrolactam) chiết xuất từ nấm Streptomyces tsukubaensis, có tác dụng ức chế miễn dịch mạnh, nên nó được chỉ định để dự phòng thải ghép sau khi ghép tạng. Tacrolimus có tác dụng ức chế hoạt hóa tế bào Lympho T, do gắn vào một Protein nội bào là FKBP-12, sau đó hình thành phức hợp Tacrolimus- FKBP12- Canxi, Calmodulin và Calcineurin, từ đó ức chế hoạt tính Phosphatase của Calcineurin.

Tác dụng này ngăn cản quá trình Dephosphoryl hoá và sự vận chuyển yếu tố trong nhân của tế bào T hoạt hóa (NFAT)- thành phần có tác dụng khởi động sự sao chép gen để tạo thành các Lymphokin (như Interleukin-2). Tacrolimus cũng ức chế sự sao chép các gen có mã IL-3, IL-4, IL-5, GM-CSF, và TNF-(alpha)- đây là các gen trong giai đoạn đầu hoạt hoá tế bào T. Ngoài ra, Tacrolimus cũng có thể ức chế giải phóng các chất trung gian hoá học từ tế bào mast và tế bào ưa base của da.

Thuốc Tacrolimus được sử dụng bằng đường tiêm vào tĩnh mạch hoặc dạng viên nén đường uống. Dạng tiêm của thuốc Tacrolimus được sử dụng trong trường hợp bệnh nhân không thể dùng thuốc bằng đường uống. Liều lượng thuốc sẽ phụ thuộc vào cân nặng, tình trạng sức khỏe, kết quả xét nghiệm máu như nồng độ đáy của Tacrolimus và phản ứng với điều trị của từng cá thể trong thực tế lâm sàng.

Tuyệt đối không được tự ý tăng liều lượng thuốc hay lạm dụng thuốc trong thời gian lâu hơn phác đồ điều trị để tránh làm tăng nguy cơ mắc phải các tác dụng không mong muốn, có hại (ADR) của thuốc.

Tacrolimus có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn và tương tác bất lợi với các thuốc dùng đồng thời. Vì vậy, người bệnh cần thông báo với thầy thuốc những loại thuốc đang sử dụng để giảm nguy cơ mắc tác dụng phụ và tăng hiệu quả cho quá trình điều trị. Thuốc này nên chỉ dùng tại BV có điều kiện bảo quản tốt và giám sát chặt chẽ về liều lượng, cách sử dụng.

Một số tác dụng không mong muốn có thể xảy ra khi sử dụng thuốc Tacrolimus như: Run, nhức đầu, tiêu chảy, buồn nôn và nôn, đau bụng, chán ăn, khó ngủ, tê ngứa bàn tay hoặc bàn chân…Tại vị trí tiêm có thể gây sưng, nóng, đỏ, đau... Tác dụng phụ nghiêm trọng bao gồm: Các vấn đề về thận như thay đổi lượng nước tiểu bài tiết trong ngày; về tinh thần như lo âu, trầm cảm; các triệu chứng của suy tim như khó thở, sưng mắt cá chân, mệt mỏi bất thường, tăng cân đột ngột…

Do vậy, hãy nhận sự trợ giúp y tế ngay lập tức, nếu xảy ra bất kỳ tác dụng phụ hiếm gặp như vụng về, mất phối hợp, suy nhược cơ thể, thay đổi đột ngột trong suy nghĩ như nhầm lẫn hoặc khó tập trung, khó cử động cơ, các vấn đề về giọng nói, co giật, thay đổi tầm nhìn. Luôn luôn cân nhắc lợi ích và nguy cơ khi sử dụng thuốc Tacrolimus. Khi thấy xuất hiện những dấu hiệu bất thường, đặc biệt là khi xảy ra phản ứng dị ứng với những triệu chứng kèm theo như: Khó thở, chóng mặt nghiêm trọng, phát ban, ngứa hoặc sưng vùng mặt, lưỡi, cổ họng... thì người bệnh cần thông báo ngay cho nhân viên y tế để được can thiệp ngay lập tức.

ThS.Lê Quốc Thịnh