Print

Cần làm rõ vướng mắc về thực hiện chính sách tài khóa trong phòng, chống dịch

Thứ Hai, 13 /03/2023 14:45

Trong 2 ngày 13-14/3, Đoàn Giám sát chuyên đề của Quốc hội về Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng làm việc với các bộ, ngành và cơ quan liên quan để làm rõ hơn một số nội dung giám sát.

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, theo chương trình trong 2 ngày 13 và 14/3, Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội làm việc với các Bộ, ngành liên quan. Đây không phải là buổi làm việc mà là cuộc giám sát trực tiếp, vì vậy các thành viên Đoàn giám sát và các Bộ, ngành cần xác định những vấn đề chưa rõ, nêu lên các bất cập, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới.

Thời gian qua, các đoàn công tác của Đoàn giám sát đã thực hiện giám sát trực tiếp tại 10 tỉnh, thành phố cho thấy bức tranh về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; đồng thời phát hiện những vấn đề nổi lên, trong đó có nhiều nội dung được địa phương kiến nghị các Bộ, ngành tháo gỡ vướng mắc…

Báo cáo của Bộ Y tế về Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng đã nêu rõ, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và người dân đã tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả công tác huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19; cân đối và sử dụng các nguồn tài chính (Trung ương, địa phương), huy động mọi nguồn lực của xã hội cho công tác phòng, chống dịch trong đó có sự hỗ trợ, đóng góp của Chính phủ các nước, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; ban hành các cơ chế, chính sách để phòng, chống dịch, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN và người dân gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19.

Bộ Y tế cũng đề xuất giải pháp hoàn thiện thể chế như: Nghiên cứu ban hành tiêu chuẩn, định mức vật tư, hóa chất, trang thiết bị y tế phục vụ cho công tác phòng, chống dịch, bảo đảm đủ dự phòng và phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực hiện có. Hướng dẫn cụ thể để áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với mặt hàng trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch. Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Luật Dược; Luật Đấu thầu liên quan đến việc đăng ký lưu hành thuốc điều trị; chứng nhận lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc; có cơ chế đặc thù trong mua sắm, huy động nguồn lực trong ứng phó tình trạng khẩn cấp như: đại dịch, thiên tai, thảm họa. Đồng thời, cũng kiến nghị Chính phủ hỗ trợ kịp thời, bảo đảm nguồn tài chính cho phòng, chống dịch. Thực hiện các chính sách hỗ trợ tài chính bảo đảm ASXH; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. NSNN hỗ trợ chi phí y tế cho đối tượng chính sách, người nghèo, người yếu thế.

Cho phép các cơ sở KCB được điều chuyển được điều chuyển thuốc, vật tư, sinh phẩm đã mua từ nguồn NSNN để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 sang nguồn thu dịch vụ KCB. Cho phép tiếp tục thực hiện cơ chế hỗ trợ chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập thu không đủ chi do tác động của dịch Covid-19 trong năm 2022…

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn Giám sát đã đánh giá cao trách nhiệm, sự tích cực của các bộ, ngành trong việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời đề nghị đại diện các bộ, ngành tiếp tục làm rõ một số nội dung.

Về huy động nguồn lực, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh cho biết, khó khăn của những địa phương chưa tự cân đối ngân sách nên thiếu chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Đối với việc huy động nguồn lực xã hội hóa cũng bộc lộ nhiều bài học cần rút kinh nghiệm như chất lượng, nguồn gốc, giá trị, xác lập quyền sở hữu tài sản… Nhiều cơ quan, tổ chức, nhiều cấp, nhiều ngành huy động xã hội nhưng liệu việc huy động đã gắn với nhu cầu thực sự hay chưa, nguồn lực huy động đã đến tay các đối tượng cần hỗ trợ, chất lượng của các sản phẩm được hỗ trợ như thế nào?

Tại buổi làm việc, thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo rõ hơn về việc thực hiện một số chính sách nêu trong Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội (cho vay hỗ trợ trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất và hỗ trợ 2% lãi suất ngân hàng), trong đó làm rõ hơn khó khăn, vướng mắc cụ thể; các giải pháp nêu ra chưa gắn với chức năng của Ngân hàng Nhà nước… Một số ý kiến băn khoăn về nguồn lực huy động trên 186.000 tỷ đồng từ tăng thu, tiết kiệm chi phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 là rất lớn nhưng chưa báo cáo rõ việc chuyển nguồn đối với số tiền chưa sử dụng.

Ngoài ra, các thành viên cũng đề nghị Bộ Y tế báo cáo về việc sử dụng nguồn vật tư, y tế hóa chất, thuốc chuyển sang chữa bệnh thông thường đã có sự chỉ đạo thống nhất trong cả nước hay chưa. Mặc dù nội dung này đã được quy định trong Nghị quyết số 80/2023/QH15 của Quốc hội: Về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024 của Quốc hội, nếu chậm trễ có thể sẽ hết hạn.

Nguyệt Hà