Print

Trung Quốc lên kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu để đối phó với dân số già

Thứ Ba, 14 /03/2023 14:57

Tăng tuổi nghỉ hưu dần dần và theo từng giai đoạn đang được Trung Quốc lên kế hoạch để đối phó với tình trạng dân số già đi nhanh chóng.

Đại diện Viện Khoa học Lao động và An sinh xã hội Trung Quốc cho biết, đang nghiên cứu, đề xuất các phương thức “tiến bộ, linh hoạt và khác biệt” để nâng tuổi nghỉ hưu. Theo lộ trình, người gần đến tuổi nghỉ hưu sẽ chỉ phải kéo dài thời điểm nghỉ hưu trong vài tháng. Người trẻ tuổi có thể phải làm việc thêm vài năm so với tuổi nghỉ hưu hiện tại, song sẽ có một giai đoạn thích ứng và chuyển tiếp lâu dài. Đặc điểm quan trọng nhất của cải cách tuổi nghỉ hưu là cơ bản cho phép NLĐ lựa chọn thời điểm nghỉ hưu, tùy theo hoàn cảnh và điều kiện kinh tế của họ".

Trung Quốc vẫn chưa thông báo chính thức về việc tăng tuổi nghỉ hưu, hiện quốc gia này vốn có tuổi nghỉ hưu thuộc hàng sớm nhất thế giới: 60 tuổi đối với nam giới; 55 tuổi đối với nữ giới làm việc ở khu vực văn phòng và 50 tuổi đối với nữ giới làm việc trong khu vực có điều kiện lao động độc hại. Trong khi đó, dân số 1,4 tỷ người của Trung Quốc đang giảm và già hóa, một phần là do chính sách hạn chế mỗi cặp vợ chồng chỉ được sinh một con áp dụng từ năm 1980 đến năm 2015. Già hóa dân số làm ngân sách lương hưu đang gặp áp lực lớn, khiến Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách phải nỗ lực, khẩn trương giải quyết tình hình.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc dự đoán, nhóm người từ 60 tuổi trở lên sẽ tăng từ 280 triệu người lên hơn 400 triệu người vào năm 2035- bằng toàn bộ dân số hiện tại của Vương quốc Anh và Mỹ cộng lại. Tuổi thọ người Trung Quốc đã tăng từ khoảng 44 tuổi vào năm 1960 lên 78 tuổi vào năm 2021, cao hơn Mỹ và dự kiến sẽ vượt quá 80 tuổi vào năm 2050. Hiện tại, mỗi người về hưu được hỗ trợ bởi sự đóng góp của 5 NLĐ. Tỷ lệ này chỉ bằng một nửa so với một thập kỷ trước và đang mang nha xu hướng là 4 trên 1 vào năm 2030 và 2 trên 1 vào năm 2050.

Một số nghiên cứu của các nhà khoa học, nhân khẩu học và kinh tế cho thấy, hệ thống hưu trí của Trung Quốc- vốn dựa vào lực lượng lao động đang hoạt động trên thị trường lao động- đang ngày càng thu hẹp và không bền vững, do lương hưu của số người về hưu ngày càng tăng; do đó, cần được cải cách. Dữ liệu của Bộ Tài chính Trung Quốc cũng thông tin, 11/31 khu vực pháp lý cấp tỉnh của Trung Quốc đang bị thâm hụt ngân sách lương hưu. Thậm chí, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (do Nhà nước điều hành) dự báo, hệ thống hưu trí Trung Quốc sẽ cạn tiền vào năm 2035.

Dân số già của Trung Quốc được dự đoán sẽ tăng lên khoảng 400 triệu người vào năm 2033 và vô số tác động kinh tế, cơ sở hạ tầng và xã hội liên quan sẽ ngày càng rõ rệt trong những thập kỷ tới như đặt ra gánh nặng ngày càng lớn đối với nhóm dân số trong độ tuổi lao động trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế hay phát triển cơ sở hạ tầng để kịp thời đáp ứng các nhu cầu của người cao tuổi. Già hóa dân số chắc chắn sẽ không giảm đi trong tương lai gần, song việc nghiên cứu, áp dụng các giải pháp hiệu quả có thể giúp quản lý vấn đề và thậm chí hưởng lợi từ sự gia tăng số lượng người cao tuổi ở Trung Quốc.

Tùng Anh (Theo The Global Times)