Print

Đoàn Giám sát chuyên đề của Quốc hội làm việc với các Bộ và BHXH Việt Nam

Thứ Ba, 14 /03/2023 15:16

Ngày 14/3, Đoàn Giám sát chuyên đề của Quốc hội về Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng đã làm việc với các Bộ Y tế, Tài chính, Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư và BHXH Việt Nam.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Nghị quyết 20/NQ-TW đã nêu “Y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng”, nếu làm tốt được hai khâu này thì ngành Y tế sẽ hoạt động hiệu quả và làm tốt hơn công tác chăm sóc sư khỏe Nhân dân. Những năm qua y tế cơ sở, y tế dự phòng ở Việt Nam có nhiều thành tựu, đóng góp quan trọng vào công cuộc chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Trải qua đợt dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, y tế cơ sở, y tế dự phòng đã trải qua đợt “thử thách” chưa từng có, đây là dịp để đánh giá những lợi thế cũng như bất cập của y tế cơ sở và y tế dự phòng.

Báo cáo với Đoàn giám sát, bà Nguyễn Thị Liên Hương- Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về y tế cơ sở tương đối đầy đủ, các văn bản được ban hành đã bảo đảm tính phù hợp, khả thi và đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Các chính sách về y tế cơ sở liên quan đến tổ chức bộ máy và chức năng nhiệm vụ cũng như chế độ đãi ngộ để thu hút và duy trì nhân lực cho y tế cơ sở đã được triển khai kịp thời. Đến nay, mạng lưới y tế cơ sở bao phủ rộng khắp, tất cả các huyện đều có trung tâm y tế huyện/bệnh viện huyện đóng trên địa bàn, 100% xã có trạm y tế xã. Trên 80% trạm y tế xã trên toàn quốc đã có bác sỹ làm việc tại trạm. “Y tế cơ sở đóng vai trò quan trọng trong KCB ban đầu; trên 80% người dân có thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại các cơ sở y tế tuyến xã và huyện. Tỷ lệ người dân KCB tại bệnh viện huyện và xã chiếm tỷ lệ cao trong tổng số lượt bệnh nhân KCB ở tất cả các tuyến (trên 70%). Việc triển khai KCB BHYT tại trạm y tế xã làm tăng tính tiếp cận dịch vụ y tế của người dân ngay tại tuyến cơ sở. Đáng chú ý, cơ cấu chi KCB BHYT cho tuyến y tế cơ sở (gồm các cơ sở y tế tuyến huyện và trạm y tế xã) trên tổng số chi KCB BHYT chiếm tỷ lệ khoảng 32%; Năm 2021, tỷ lệ bệnh nhân KCB BHYT tại trạm y tế xã chiếm 20,9% lượt KCB của các tuyến với chi phí gần là 83.850 đồng”- bà Hương khẳng định.

Liên quan đến việc thực hiện KCB BHYT tại y tế cơ sở, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa khẳng định, y tế cơ sở chiếm đến 95% tổng số cơ sở KCB BHYT toàn quốc; 50,3% số thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại các cơ sở y tế tuyến huyện; 34,4% số thẻ BHYT ở tuyến xã. Thống kê cho thấy, năm 2018 có khoảng 411 dịch vụ/862 dịch vụ có giá có phát sinh chi phí tại tuyến xã; năm 2022 là 478 dịch vụ. Tuy vậy, tỷ lệ thực hiện và đề nghị thanh toán theo chế độ BHYT đối với các kỹ thuật này tại tuyến xã vẫn không cao như dịch vụ đỡ đẻ thường ngôi chỏm; dịch vụ nhổ răng sữa... “Năm 2022, tỷ lệ KCB BHYT tại tuyến huyện trung bình toàn quốc là 60,5%, tuy nhiên tại nhiều địa phương có tỷ lệ KCB cao hơn bình quân toàn quốc như Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước và tại một số địa phương có tỷ lệ KCB tại tuyến huyện thấp hơn bình quân toàn quốc như Lai Châu, Hà Nội, Kon Tum. Tỷ lệ chi KCB BHYT cao nhất là tại tuyến tỉnh với 45,8% cao hơn nhiều so với tỷ lệ chi tại tuyến y tế cơ sở (tuyến xã + tuyến huyện là 33,2%). Nguyên nhân là do chính sách “thông tuyến nội trú tuyến tỉnh” theo quy định tại khoản 6 Điều 22 Luật BHYT. Năm 2022, chi phí bình quân/lượt KCB tại trạm y tế khoảng 84.000 đồng, tuy nhiên tại một số địa phương chi phí bình quân/lượt KCB thấp như Hưng Yên (khoảng 55.300 đồng/lượt), Thái Bình (khoảng 56.400 đồng/lượt), Bến Tre (khoảng 57.700 đồng/lượt),… Ngược lại nhiều tỉnh có tỷ lệ lượt KCB tại xã cao như Lai Châu (khoảng 153.700 đồng/lượt), Sơn La (khoảng 116.200 đồng/lượt), Hà Giang (khoảng 105.600 đồng/lượt), Cao Bằng (khoảng 102.100 đồng/lượt), Lạng Sơn (khoảng 103.100 đồng/lượt)…”- ông Hòa phân tích.

Cho ý kiến tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hoàng Mai- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội khẳng định, qua giám sát tại địa phương cho thấy, y tế cơ sở chưa thực sự được quan tâm vì đầu tư còn hạn chế và thiếu hướng dẫn hoạt động cụ thể; vai trò của y tế xã, phường ngày càng tụt lùi, nhất là vai trò KCB. Một trong những nguyên nhân là những chính sách được ban hành chưa thực sự khuyến khích hoạt động KCB ở tuyến xã; việc cung ứng thuốc đến tuyến xã không được bảo đảm. Do đó, Bộ Y tế nghiên cứu mô hình y tế cơ sở là cánh tay nối dài của tuyến huyện, định kỳ cử bác sỹ tuyến huyện xuống KCB nhưng để làm được điều này cần gỡ cơ chế thanh toán BHYT.

Cũng theo Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa, việc thực hiện KCB BHYT tại y tế cơ sở vẫn còn những khó khăn về chính sách cũng như tổ chức thực hiện. Theo đó, một số cơ sở KCB là bệnh viện tuyến được xếp tuyến huyện nhưng được phê duyệt hạng 2, hạng 1 không phù hợp với vị trí là tuyến y tế cơ sở. Chính sách KCB thông tuyến làm giảm số lượng người bệnh đến KCB tại y tế tuyến xã. Một số các bệnh viện tuyến huyện phải áp dụng cơ chế tự chủ dẫn đến việc tăng chỉ định DVKT, thuốc quá mức cần thiết so với tình trạng bệnh, kéo dài ngày điều trị, hạn chế gây khó khăn trong vấn đề chuyển tuyến để giữ bệnh nhân. Đặc biệt, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế ở tuyến xã còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu KCB ban đầu của người dân… Chính vì vậy, cần đánh giá sơ kết, tổng kết mô hình Trạm y tế xã, nguyên lý y học gia đình nhất là một số mô hình quản lý. Quy định cụ thể danh mục dịch vụ kỹ thuật được thực hiện/danh mục bệnh được khám, theo dõi, quản lý ở tuyến y tế cơ sở/ các bệnh được đến thẳng cơ sở KCB chuyên khoa; có chế tài để không khuyến khích người bệnh đi KCB vượt tuyến. Tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở phải đồng thời cả 3 lĩnh vực: chuyên môn, cơ sở vật chất, máy móc trang thiết bị y tế cần có theo danh mục. Xây dựng các phác đồ hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, quản lý, theo dõi bệnh, tiêu chuẩn nhập viện điều trị nội trú đầy đủ và phù hợp với từng cấp KCB. Đặc biệt, Bộ Y tế xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng KCB cơ bản…

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định ghi nhận các ý kiến đóng góp trách nhiệm của thành viên Đoàn giám sát; báo cáo của các bộ cơ bản đáp ứng yêu cầu của Đoàn giám sát. Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, y tế cơ sở và y tế dự phòng đóng góp quan trọng vào công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Song hiện nay, hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng vẫn còn tồn tại, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu như mong muốn.

V.Thu