Print

Đầu hè, cẩn trọng với virus Adeno lây bệnh ở người

Thứ Tư, 15 /03/2023 11:32

Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, virus Adeno gây bệnh ở người (Human Adenovirus, HadV) thường xảy ra vào mùa đông, xuân và đầu hè, tuy nhiên bệnh có thể xảy ra quanh năm. Virus lây truyền trực tiếp từ người sang người qua đường hô hấp trong phạm vi gần, hoặc gián tiếp qua tiếp xúc với dịch cơ thể có chứa virus.

Đây là virus có cấu trúc DNA sợi kép, không có vỏ, kháng cồn, kháng ether. Virus Adeno gây bệnh ở người (HadV) có 7 nhóm (A-G) và hơn 50 subtype. Các loại huyết thanh khác nhau gây ra các bệnh lý khác nhau, có thể gây nhiễm trùng tiềm ẩn hay dai dẳng. Bệnh thường nhẹ, tự giới hạn, trừ một số trường hợp diễn biến nặng khi có bệnh kèm theo như suy giảm miễn dịch, bệnh phổi mạn, bệnh tim bẩm sinh, ung thư, ghép tạng...

HadV lây truyền trực tiếp từ người sang người qua đường hô hấp trong phạm vi gần, hoặc gián tiếp qua tiếp xúc với dịch cơ thể có chứa virus. Nguy cơ lây nhiễm giống như một số vi rút cảm lạnh thông thường (rhinovirus), á cúm (parainfluenza) nhưng thấp hơn virus hợp bào hô hấp (RSV), cúm mùa, SARS-CoV-2. Virus gây dịch ở nơi có điều kiện sống kém, đông đúc, có thể do nhiễm trùng BV qua bàn tay người chăm sóc, dụng cụ thăm khám- chăm sóc, đặc biệt ở khoa hồi sức, sơ sinh, đơn vị ghép tạng. Bệnh bắt đầu lây truyền vào cuối thời kỳ ủ bệnh và kéo dài đến 14 ngày sau khi phát bệnh hoặc có thể lâu hơn. HadV có thể tồn tại trong vài tuần đến vài tháng, cư trú trong mô bạch huyết, nhu mô thận hay các mô khác thậm chí vài năm.
Thời gian ủ bệnh của HadV khoảng từ 2 - 12 ngày, trung bình là 8 ngày, nhưng cũng có thể dài hơn 12 ngày. Giải pháp điều trị chính là điều trị triệu chứng, điều trị theo sinh lý bệnh, có một số liệu pháp điều trị kháng vi rút nhưng vẫn đang là các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, có thể cá thể hoá điều trị ở một số trường hợp bệnh nặng và nguy kịch. Dự phòng bệnh chủ yếu là các giải pháp phòng, ngừa lây nhiễm chuẩn.

Về triệu chứng lâm sàng của HAdV rất đa dạng, sau thời gian ủ bệnh, người bệnh có thể xuất hiện một hay nhiều triệu chứng như sốt, đau đầu, ho khan, đau họng, nghẹt mũi/sổ mũi, buồn nôn, đau bụng. Giai đoạn toàn phát, tùy theo các nhóm (type) HAdV khác nhau mà bệnh biểu hiện có các thể khác nhau, như thể sốt viêm họng- kết mạc; thể viêm kết mạc 2 bên; thể viêm đường hô hấp cấp; thể viêm dạ dày- ruột; ngoài ra, còn có thể bệnh ít gặp bao gồm các triệu chứng của tiểu khó, tiểu rắt, tiểu máu trong viêm bàng quang xuất huyết, rối loạn chức năng thận và thể rất hiếm gặp như viêm mô ống thận hoại tử, suy thận, viêm não - màng não, viêm cơ tim, viêm gan cấp, viêm túi mật và viêm tụy cấp...

Với trẻ em, nếu như nhiễm HAdV, bệnh mức độ nhẹ sẽ điều trị triệu chứng tại nhà, theo dõi và phát hiện dấu hiệu nặng để đưa trẻ đến viện kịp thời. Điều trị bệnh mức độ trung bình cần kết hợp theo dõi sát các dấu hiệu sinh tồn, phát hiện sớm các dấu hiệu nặng; dùng kháng sinh theo phác đồ hướng dẫn sử dụng kháng sinh. Với bệnh ở mức độ nặng, cần nhập viện để tiến hành kịp thời các biện pháp hỗ trợ hô hấp; có thể chỉ định IVIG trong một số trường hợp như giảm nồng độ IgG máu, người bệnh suy giảm miễn dịch kết hợp nặng (SCID), hoặc có kèm theo bệnh nền, bệnh phối hợp khác có chỉ định sử dụng IVIG, trường hợp nhiễm virus Adeno có bão cytokin hoặc tăng phản ứng viêm không đặc hiệu, cân nhắc chỉ định IVIG tùy theo từng trường hợp cụ thể; dùng kháng sinh khi viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, khi trên lâm sàng và xét nghiệm có bằng chứng bội nhiễm vi khuẩn (CRP > 10 mg/dl hoặc tốt hơn dựa vào procalcitonin 0,5 ng/ml); lựa chọn kháng sinh theo phác đồ hướng dẫn sử dụng kháng sinh.

Cục Y tế Dự phòng cũng hướng dẫn phòng lây nhiễm tại cơ sở KCB; trong đó, cần sàng lọc, tiếp nhận và cách ly điều trị người bệnh nhiễm HAdV; tổ chức phòng cách ly, điều trị người bệnh nhiễm HAdV; quản lý người bệnh nội trú phơi nhiễm HAdV; xử lý dụng cụ sau sử dụng cho người bệnh nhiễm HAdV và vệ sinh môi trường bề mặt phòng cách ly vì HAdV kháng lại nhiều chất sát khuẩn thông thường và có thể tồn tại trong thời gian dài trên bề mặt môi trường, dụng cụ; phân loại, thu gom và vận chuyển chất thải rắn từ phòng cách ly để xử lý theo hướng dẫn áp dụng cho chất thải nguy hại, lây nhiễm; sử dụng phương tiện phòng hộ (nhân viên y tế đội mũ, đeo khẩu trang y tế, mang găng sạch (nếu có chỉ định) trong các thao tác chăm sóc, điều trị, thực hiện vệ sinh tay trước và sau khi rời khỏi khu vực cách ly) và xử lý thi hài người bệnh nhiễm HAdV tử vong theo quy định.

Tùng Anh