Print

Singapore: Nhiều hỗ trợ của Chính phủ được triển khai cho hộ gia đình khó khăn

Thứ Năm, 16 /03/2023 15:55

Bộ Phát triển Gia đình và Xã hội Singapore công bố, để hỗ trợ hộ gia đình khó khăn, Chính phủ sẽ áp dụng một số giải pháp.

Đầu tiên có thể kể đến Chương trình Liên kết cộng đồng (ComLink), hỗ trợ trẻ em thuộc hộ gia đình khó khăn sinh sống trong căn hộ cho thuê. Sẽ có nhân viên dịch vụ xã hội, tình nguyện viên đến tận nhà để giúp hộ gia đình đăng ký một số chương trình liên kết như KidStart, Mạng Cộng đồng Uplift và Project Dian@M3 với các nội dung khóa học đánh vần, toán học cho trẻ em; các hội thảo, khóa học về thể thao, công nghệ thông tin và tài chính cho thanh thiếu niên; các khóa học nghề, các dịch vụ y tế cho người lớn… ComLink đang có 760 tình nguyện viên, đang hỗ trợ khoảng 3.500 hộ gia đình. Kể từ tháng 8/2022, 60 hộ gia đình thuộc diện ComLink ở Jalan Besar đã được hưởng lợi từ Chương trình; sau khi đánh giá hiệu quả, Chương trình dần dần được triển khai mở rộng ra nhiều hộ gia đình hơn.

Cô Fatin Nabilah Omar, một bà mẹ đơn thân, cho biết đã nhận được sự giúp đỡ từ ComLink để hoàn thành khóa học điều dưỡng, đồng thời, được hỗ trợ tìm việc làm từ Viện Việc làm. Đây là cơ hội tốt để cải thiện đời sống của cô Fatin, người đang sống cùng 3 con (3 tuổi, 12 tuổi và 14 tuổi) trong một căn hộ thuê có 2 phòng ở Boon Lay: “Tôi hiện làm công việc bán thời gian là phục vụ tại các đám cưới theo yêu cầu đặc biệt. Và nhờ ComLink, tôi đang đợi kết quả phỏng vấn cho một công việc bán thời gian khác trong lĩnh vực bán lẻ. Tôi hy vọng sẽ được làm việc trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống (F&B), sau đó sẽ bắt đầu kinh doanh F&B khi tích lũy đủ kinh nghiệm”.

Bên cạnh đó, từ ngày 1/1/2023, Cơ quan Phát triển Trẻ em (ECDA) đã làm việc với một số trường mầm non để ưu tiên cho trẻ em thuộc hộ gia đình có tổng thu nhập hằng tháng từ 3.000 SGD trở xuống được đăng ký nhập học. Hộ gia đình có thu nhập từ 3.001- 6.000 SGD cũng được hưởng ưu đãi này. Trong 2 năm tới, Singapore dự kiến sẽ tạo thêm 22.000 suất học mầm non cả ngày, bao gồm 7.000 suất dành cho trẻ sơ sinh. KidStart, hiện đã hỗ trợ hơn 6.200 trẻ em thuộc hộ gia đình khó khăn từ 6 tuổi trở xuống, sẽ được mở rộng đến Jalan Besar, Toa Payoh, Sengkang, Hougang và Serangoon trong năm 2024. Đây là Chương trình được ra mắt vào năm 2016, nhằm hướng dẫn phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn chăm sóc trẻ em, ngay từ thời kỳ vẫn nằm trong bụng mẹ.

Ngoài ra, từ ngày 1/7/2023, ECDA sẽ giới hạn số tiền tối đa mà hộ gia đình khó khăn phải trả cho Chương trình PPIP. Theo đó, một hộ gia đình có thu nhập trung bình phải trả khoảng 190 SGD mỗi tháng cho PPIP sau khi được trợ cấp, mức này chưa bằng một nửa so với 450 SGD mà họ đang phải trả hiện nay. Vào năm 2026, Chương trình Hỗ trợ hòa nhập mầm non nâng mức bao phủ lên tỷ lệ 80% (hiện tại là 20%), nhằm hỗ trợ trẻ em từ 3 đến 6 tuổi cần được “can thiệp sớm” (chẳng hạn, mắc bệnh tự kỷ) được nhập học trường mầm non. Cô Jenny (không phải tên thật) nhận thấy con trai 3 tuổi của mình bị bệnh tự kỷ khi các giáo viên mầm non nói rằng cậu bé thường chơi một mình và không tương tác với những đứa trẻ khác. Tuy cậu bé có tên trong danh sách chờ của Chương trình Eipic, song cô Jenny quyết định đăng ký cho cậu bé vào Trung tâm Skilt, một trung tâm can thiệp sớm tư nhân, do thời gian chờ đợi ngắn hơn. 6 tháng sau, cậu bé đã học được các kỹ năng xã hội như giao tiếp bằng mắt, chào hỏi và tương tác các bạn cùng trang lứa.

Bộ trưởng Phát triển Gia đình và Xã hội Singapore Masagos Zulkifli cho biết: “Chính phủ Singapore sẽ không để ai bị bỏ lại phía sau. Chúng tôi muốn tất cả hộ gia đình trong cả nước đạt được 3 chữ S: Stability (Ổn định)- Self-reliance (Tự lực) và Social Mobility (Năng động xã hội). Một xã hội mà tất cả hộ gia đình vững mạnh, có đủ bệ phóng để vượt qua những thăng trầm trong cuộc sống, có ý thức mạnh mẽ vươn lên và mong muốn con cái họ có một tương lai tốt đẹp hơn sẽ là một xã hội phồn vinh”.

Tùng Anh (Theo The Straits Times)