Print

Người làm báo phải thực sự sáng tạo để làm chủ AI

Thứ Bảy, 18 /03/2023 15:28

Ngày 18/3/2023, trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Hội thảo Trí tuệ nhân tạo AI và quản trị sáng tạo nội dung trong Tòa soạn.

Hội thảo có sự tham dự của ông Lê Quốc Minh- Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cùng đông đảo các chuyên gia, nhà báo, lãnh đạo một số cơ quan báo chí.

Công cụ hỗ trợ người làm báo

Phát biểu đề dẫn mở đầu hội thảo, ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong mọi lĩnh vực và báo chí đang chủ động nắm bắt để có thể đi tiên phong trong xu thế này. Thể hiện rõ nhất điều này chính việc báo chí thế giới đã và đang ứng dụng mạnh mẽ trí tuệ nhân tạo AI trong trong quy trình hoạt động sáng tạo nội dung và quản trị Tòa soạn. Thực tế hoạt động ứng dụng trí tuệ nhân tạo đã có từ 2015 và bùng nổ mạnh mẽ từ cuối năm 2022 đến nay.

Lợi ích rất nhiều song cũng tiềm ẩn nhiều hệ lụy đáng lo ngại. Đặc biệt là vấn đề chịu trách nhiệm, tính đúng- sai trong các sản phẩm nội dung được sản xuất từ AI. Nguy cơ xuất hiện các nội dung xấu, độc hại, giả mạo giọng nói thậm chí cả hình ảnh là rất lớn. Nguồn thu của báo chí cũng sẽ bị đe dọa nghiêm trọng từ sự bùng nổ của AI khi phương thức tìm kiếm thông tin của công chúng thay đổi, khác với các công cụ tìm kiếm như hiện nay. “Dù vậy, đầu tư vào trí tuệ nhân tạo AI để ứng dụng trong hoạt động báo chí là vô cùng cần thiết và nên có góc nhìn rộng hơn để ứng dụng AI với nhiều hoạt động khác nhau”, ông Lê Quốc Minh khẳng định.

Đơn cử như việc có thể sử dụng AI để thiết lập các công cụ nắm bắt hành vi của người dùng, từ đó cá nhân hóa nội dung, giúp tiếp cận, lôi cuốn công chúng một cách hiệu quả hơn rất nhiều so với phương thức truyền thống. “AI sẽ hỗ trợ hoạt động báo chí rất nhiều, nhất là các hoạt động mang tính lặp đi lặp lại, qua đó giải phóng sức lao động. Nhưng các nội dung mang tính chuyên sâu, chuyên biệt vẫn cần đến tư duy trí tuệ của con người”, ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho rằng từ sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo AI, cần đặt câu hỏi về những công việc lặp đi lại chúng ta đang làm hàng ngày; giá trị gia tăng, chất xám sáng tạo tạo thực sự của những công việc đó là gì? “Với AI, chúng ta có cơ hội loại bỏ những công việc dư thừa, không cần phải đầu tư trí tuệ của con người; mạnh dạn gạt bỏ những công việc mang tính thừa thãi, không mang lại nhiều giá trị. Cần chú trọng vào những sản phẩm mang tính độc đáo, duy nhất, thực sự mang tính bản thể của người sáng tạo. Phải để công nghệ thực sự là công cụ của con người”, Thứ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh.

Từ quá trình thử nghiệm ứng dụng trợ lý ảo AI trong sáng tạo nội dung và quản trị tòa soạn, ThS.Trần Lệ Thùy– học giả nghiên cứu báo chí Đại học Oxford, cũng nhận định: AI sẽ hỗ trợ hữu ích cho hoạt động thường nhật của nhà báo. Dù vậy, khi dùng AI cũng phải rất cẩn trọng, rất dễ gặp phải tình trạng thông tin giả (fake news). AI sẽ chỉ đóng vai trò hỗ trợ bước đầu, là công cụ tham khảo trong quá trình nghiên cứu xây dựng ý tưởng; giảm bớt các công việc cơ bản, từ đó, nhà báo sẽ có nhiều thời gian hơn để đi sâu vào sáng tạo nội dung chuyên sâu, chất lượng.

Chi tiết hơn, nhà báo Ngô Trần Thịnh, đại diện nhóm nghiên cứu ứng dụng ChatGPT Đài Truyền hình TP.HCM đã có những chia sẻ về quá trình trải nghiệm thực tế sử dụng ChatGPT để viết một kịch bản phóng sự truyền hình. Theo đó, ưu điểm có thể thấy được là kịch bản được viết bởi ChatGPT có bố cục hoàn chỉnh, tương đương với một phóng viên, biên tập viên có kinh nghiệm 1-2 năm. Thời gian để hoàn thành kịch bản trong khoảng 8 phút, trong khi một người bình thường viết sẽ cần khoảng 1 tiếng đồng hồ làm việc tập trung liên tục.

Tuy nhiên, theo đánh giá, chất lượng nội dung kịch bản không quá tốt; giọng văn “đều đều” với các thông tin mang tính chung chung, không có điểm nhấn thu hút. Bên cạnh đó là nhiều từ ngữ chưa phù hợp với đặc thù của thể loại phóng sự truyền hình. “Phải hỏi qua 8 câu hỏi để dẫn dắt cho ChatGPT thực sự hiểu được yêu cầu đặt ra. Kết quả thu được rõ ràng là chưa có yếu tố mang tính điểm nhấn, thiếu tính tính sáng tạo. Đặc biệt, việc xác nhận, kiểm chứng thông tin từ ChatGPT đưa ra rất khó và mất nhiều thời gian”, nhà báo Ngô Trần Thịnh chia sẻ.

Chủ động nắm bắt thay vì lo sợ hay né tránh

Theo các ý kiến chia sẻ tại hội thảo, mặc dù vẫn còn những hạn chế nhất định, song không thể phủ nhận những những giá trị mà trí tuệ nhân tạo AI có thể hỗ trợ cho hoạt động báo chí.

Sự hỗ trợ này có thể nhìn nhận khái quát ở 3 nhóm ứng dụng cơ bản, bao gồm: hỗ trợ phát hành, tiếp cận công chúng hiệu quả hơn; hỗ trợ sáng tạo thiết kế đồ họa, hình ảnh; hỗ trợ hoạt động nghiệp vụ viết/biên tập tác phẩm, loại bỏ những công việc có tính chất lặp lại, giải phóng sức lao động, giúp phóng viên, biên tập viên tập trung vào sáng tạo chiều sâu.

Một số ý kiến cũng đặc biệt lưu ý các Tòa soạn báo chí cần xác định rõ quy tắc, quy chuẩn tác nghiệp để đảm bảo không vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Đặc biệt là cần có công cụ để kiểm soát một cách hết sức cẩn trọng những sản phẩm trong quá trình ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI; cốt lõi vẫn phải là tôn trọng sự thật khách quan để gia tăng niềm tin của công chúng với báo chí.

Từ những chia sẻ tại Hội thảo cho thấy, một số cơ quan báo chí của Việt Nam đã và đang rất chủ động để nắm bắt trí tuệ nhân tạo AI để hỗ trợ cho hoạt động nghiệp vụ thường ngày. Ngoài những thành tựu của báo điện tử VietnamPlus (thuộc Thông Tấn xã Việt Nam) hay Báo Tuổi trẻ, còn phải kể đến Báo Tuyên Quang- đơn vị đã chủ động tổ chức riêng một hội thảo về lĩnh vực này.

Trí tuệ nhân tạo vẫn đang không ngừng phát triển và hoàn thiện các tính năng. Hơn bao giờ hết, các cơ quan báo chí phải chủ động nắm bắt và có phương án chiến lược ứng dụng hiệu quả công cụ này trong quy trình hoạt động sáng tạo báo chí.

Đúng như như nghiên cứu của Bộ TT&TT về tác động của trí tuệ nhân tạo AI với báo chí Việt Nam đã đưa ra nhận định: Báo chí truyền thống sẽ chuyển đổi mạnh mẽ thành báo chí thích ứng và sáng tạo. Sẽ chỉ còn chỗ cho những nhà báo chân chính, biết cách phân tích dữ liệu sâu, kể chuyện hấp dẫn, biết những câu chuyện thật, những trải nghiệm thật, cảm nhận đích thực.

Minh Đức