Print

Chuyển đổi số để người dân tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tư pháp

Thứ Hai, 20 /03/2023 16:10

Ngày 20/3, tại Hà Nội, Diễn đàn Pháp luật thường niên 2023 được tổ chức với chủ đề “Chuyển đổi số trong ngành Tư pháp”. Diễn đàn tập trung vào cách thức chuyển đổi số, góp phần tăng cường tính nhất quán của hệ thống pháp luật, nâng cao nhận thức về các quyền hợp pháp và cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ tư pháp của các cộng đồng dễ bị tổn thương.

Diễn đàn do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, Đại sứ- Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam Giorgio Aliberty, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) tại Việt Nam Ramla Khalidi đồng chủ trì.

Diễn đàn Pháp luật thường niên là sự kiện quan trọng nhất trong năm của Nhóm quan hệ đối tác pháp luật, được tổ chức nhằm cập nhật và chia sẻ thông tin về những thành tựu, nội dung, yêu cầu, nhiệm vụ ưu tiên của các cơ quan, tổ chức Việt Nam trong tiến trình cải cách tư pháp, cải cách pháp luật hiện nay. Từ đó, tạo tiền đề, cơ sở cho việc thúc đẩy các quan hệ hợp tác, mở ra các cơ hội hợp tác mới về các lĩnh vực, nội dung trao đổi tại Diễn đàn. Diễn đàn thường niên này được tổ chức trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (Dự án EU JULE) do Liên minh Châu Âu, UNDP và UNICEF đồng tài trợ.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, chuyển đổi số là một trong những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước trước yêu cầu và sự phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạnh khoa học công nghệ. Ngành Tư pháp xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và đã có nhiều nỗ lực đẩy mạnh triển khai ứng dụng CNTT, từng bước chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số đáp ứng các yêu cầu đề ra trong các kế hoạch, chương trình hành động của Chính phủ về chuyển đổi số và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận...

“Bộ Tư pháp đã ban hành các chương trình, kế hoạch chuyển đổi số và đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ để thực hiện các chính sách, chương trình chuyển đổi số của Chính phủ, Cổng DVC của Bộ Tư pháp thường xuyên được hoàn thiện, đầu tư nâng cấp. Cho đến nay, toàn bộ các TTHC thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp đã được đưa lên Cổng DVC quốc gia, các DVC thiết yếu thuộc lĩnh vực quản lý của ngành Tư pháp như: Đăng ký khai sinh, kết hôn, khai tử, cấp phiếu lý lịch tư pháp cũng được 63 địa phương trên cả nước cung cấp qua Cổng DVC. CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc từng bước hình thành”- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh chia sẻ.

Tuy nhiên, cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh, chuyển đổi số là vấn đề còn mới đối với nhiều cơ quan, tổ chức và người dân. Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác chuyển đổi số của ngành Tư pháp vẫn còn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức… đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực hơn nữa để thực hiện hiệu quả, đáp ứng kỳ vọng đề ra.

Nhấn mạnh vai trò của chuyển đổi số, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Ramla Khalidi cho rằng, chuyển đổi số có thể góp phần đạt được các mục tiêu xây dựng một hệ thống tư pháp hiện đại và chuyên nghiệp, minh bạch, có trách nhiệm giải trình và dễ dàng tiếp cận đối với tất cả mọi người. Những sáng kiến tư pháp điện tử được thiết kế tốt có thể giúp tăng cường tiếp cận công lý một cách hiệu quả cho người dân và cộng đồng dễ bị tổn thương.

Tại phiên thảo luận, ông Phạm Đức Dụ- Phó Cục trưởng Cục CNTT (Bộ Tư pháp) đã chỉ ra những điểm còn hạn chế trong quá trình triển khai chuyển đổi số hiện nay, đó là hạ tầng CNTT của Bộ chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển Chính phủ điện tử và yêu cầu chuyển đổi số của ngành Tư pháp. Nguồn nhân lực duy trì, vận hành, đảm bảo an toàn thông tin và khắc phục sự cố còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu. Bộ Tư pháp là đơn vị quản lý rất nhiều lĩnh vực, các hệ thống thông tin, CSDL thường có quy mô từ Trung ương đến địa phương (đến tận cấp xã), nhưng nguồn lực đầu tư mới chỉ bố trí ở mức tối thiểu. Đáng chú ý, các phần mềm được đầu tư nhỏ lẻ, không được nâng cấp, thay thế kịp thời, dẫn đến khó đảm bảo an toàn an ninh, đáp ứng các nghiệp vụ và dữ liệu phát sinh cũng như các yêu cầu của người sử dụng.

TS.Chu Thị Hoa- Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) cũng nhấn mạnh, để tăng cường hiệu quả của hoạt động xây dựng pháp luật, nên sử dụng sự hỗ trợ của công nghệ dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật trong quá trình thu thập thông tin, tài liệu; sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ quá trình đánh giá, phân tích chính sách, đánh giá tác động chính sách; thu thập, phân tích những kiến nghị từ cá nhân, tổ chức nhằm tăng cường hiệu quả cho công tác lấy ý kiến góp ý văn bản quy phạm pháp luật...

Chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi số lĩnh vực tư pháp, Đại sứ- Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam Giorgio Aliberty cho biết: “Cách tiếp cận của EU là sử dụng tốt hơn các công nghệ kỹ thuật số, hoàn toàn tôn trọng các quyền cơ bản. Tiếp cận công lý cần phải bắt kịp với sự phát triển của xã hội, bao gồm cả quá trình chuyển đổi kỹ thuật số. Bên cạnh đó, cần có những nỗ lực phối hợp để hưởng lợi đầy đủ từ các công nghệ kỹ thuật số trong thủ tục tố tụng tư pháp, bao gồm cả hợp tác tư pháp xuyên biên giới”.

Thái An