Print

Bình Dương: Tái diễn cảnh tượng hàng trăm người chen nhau xin việc

Thứ Ba, 21 /03/2023 14:10

Ngày 20/3, mạng xã hội xuất hiện clip dài 16 giây ghi lại cảnh hàng trăm người đứng chen nhau để nộp hồ sơ xin việc vào một công ty trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí BHXH, clip nói trên được ghi lại trước cổng Công ty TNHH Showa Gloves Việt Nam (KCN VSIP I, TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương)- là DN 100% vốn Nhật Bản, chuyên sản xuất găng tay xuất khẩu. Dù cổng Công ty này đang đóng, nhưng dòng người vẫn nhốn nháo, trên tay cầm hồ sơ đứng chờ. Đoạn clip được đăng tải đã thu hút hàng ngàn lượt bình luận, chia sẻ trên nền tảng Tiktok. Nhiều người chia sẻ lo lắng cho cuộc sống của NLĐ trước bối cảnh nhiều DN ở Bình Dương thiếu đơn hàng, cắt giảm nhân công.

Theo đại diện Công ty TNHH Showa Gloves Việt Nam, sự việc trên đã diễn ra từ mấy tuần trước và từ đầu năm đến giờ Công ty chỉ tuyển khoảng 200 công nhân. Công ty không ngờ số lượng người đến xin việc quá đông. "Tiêu chí để vào Công ty cũng dễ, chỉ cần từ lớp 6 trở lên, hình thức phỏng vấn trực tiếp, nên ai đến nộp hồ sơ trước sẽ có cơ hội nhiều hơn. Trong quá trình tuyển dụng, Công ty cho NLĐ vào phỏng vấn và lựa chọn những người phù hợp với nhu cầu. Sau nhiều ngày tuyển dụng, đến nay Công ty đã tuyển được gần đủ số lượng cần”- lãnh đạo Công ty cho hay.

Được biết, Công ty TNHH Showa Gloves Việt Nam là DN có đơn hàng ổn định, các chế độ, chính sách cho NLĐ tại DN này rất tốt, nên ít có biến động về lao động. Đặc biệt, Công ty có ký túc xá miễn phí cho NLĐ ở, giúp họ tiết kiệm rất nhiều chi phí sinh hoạt.

Trước đó, ngày 14/2, tại một DN trong KCN VSIP I, hàng trăm NLĐ cũng chen chúc xin việc. Tuy nhiên, phía DN này thông tin chỉ tuyển 50 NLĐ. Theo tìm hiểu, clip trên được ghi lại vào sáng ngày 13/2 trước cổng Công ty TNHH Midea Consumer Electric Việt Nam (thuộc Tập đoàn Midea, trụ sở tại KCN VSIP I. Sau đó, đại diện Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Midea Consumer Electric Việt Nam cho hay, Công ty đã tuyển gần đủ NLĐ từ trước Tết, còn đợt này chỉ có nhu cầu tuyển khoảng 50 NLĐ. Do số NLĐ đến nộp hồ sơ rất đông, nên nhiều người phải mang hồ sơ về.

Cũng theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí BHXH, do chưa tìm được đơn hàng nên nhiều DN ở Bình Dương cho NLĐ làm cầm chừng để giữ chân. Không được tăng ca và công việc ngày làm, ngày nghỉ nên nhiều NLĐ bỏ việc và đi xin việc làm mới. Số lượng NLĐ cần việc nhiều, trong khi DN tuyển dụng ít, nên khi biết đơn vị nào cần tuyển thì NLĐ sẽ rủ nhau kéo đến tìm cơ hội việc làm.

Trước thực tế nhiều NLĐ cần việc làm, ông Trịnh Đức Tài- Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương cho biết: Sở đã chỉ đạo Trung tâm DVVL tỉnh tăng cường kết nối với DN có nhu cầu tuyển dụng để thông tin trên website, dán thông báo để NLĐ biết và nộp hồ sơ. Hiện nay, Trung tâm đang lấy dữ liệu từ app việc làm, tìm việc làm để kết nối, đồng bộ với Trung tâm Giám sát và điều hành thông minh (IOC) của tỉnh, từ đó mọi người dễ dàng tiếp cận, tìm việc làm phù hợp.

Cũng theo ông Trịnh Đức Tài, qua thống kê cho thấy, NLĐ qua đào tạo ở Bình Dương đạt hơn 80%, nhưng NLĐ có chứng chỉ, bằng cấp chưa đầy 40%. "Sở đã chỉ đạo cho các trường nghề, trường cao đẳng công lập, ngoài công lập và các trường trung cấp tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đổi mới phương pháp đào tạo để làm sao đội ngũ công nhân lành nghề trình độ cao ngày càng cao hơn, phục vụ cho các DN trên địa bàn tỉnh”- ông Tài cho hay.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bình Dương cũng chỉ đạo các sở, ngành, địa phương theo dõi, nắm bắt tình hình của các DN trong và ngoài KCN để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Về TTHC, các đơn vị phải hỗ trợ DN một cách nhanh gọn, tạo điều kiện vay vốn sản xuất, hỗ trợ NLĐ có hoàn cảnh đặc biệt trong lúc tạm nghỉ việc chờ đơn hàng.

Theo thống kê của các ngành chức năng ở Bình Dương, quý I/2023, DN trong tỉnh cần khoảng 10.000 NLĐ để bù vào số thiếu hụt do ở lại quê nhà sau kỳ nghỉ Tết và để phục vụ cho việc mở rộng sản xuất ở các ngành dịch vụ, điện tử... Tuy nhiên, khi NLĐ liên hệ DN đăng ký tuyển dụng thì đó chỉ là con số dự kiến, trong khi chờ đơn hàng chứ chưa tuyển chính thức. Do đó, việc NLĐ đến Bình Dương tìm việc sẽ còn kéo dài khi kinh tế thế giới vẫn còn ảnh hưởng bởi chiến tranh, lạm phát là điều không thể tránh khỏi.

Lê Văn