Print

TP.HCM: Tổ chức Công đoàn góp ý dự thảo Luật BHXH (sửa đổi)

Thứ Ba, 21 /03/2023 20:09

Chiều 21/3, LĐLĐ TP.HCM tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), với sự tham dự của nhiều cán bộ làm công tác Công đoàn trên địa bàn như: Chủ tịch LĐLĐ các quận, huyện; Công đoàn Viên chức TP.HCM; Công đoàn các KCX-KCN; cán bộ Công đoàn trong các DN có từ 5.000 NLĐ trở lên…

Tăng thẩm quyền cho cơ quan BHXH để bảo vệ NLĐ

Đây là ý kiến của ông Phạm Văn Hiền- Phó Chủ tịch Công đoàn các KCX-KCN TP.HCM đưa ra trong Hội nghị. Theo ông Hiền, trong quá trình thực hiện công tác Công đoàn ở cơ sở, gần gũi NLĐ và tiếp cận rất nhiều vụ việc liên quan đến chính sách BHXH, BHYT, ông nhận thấy dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cần tăng thẩm quyền của cơ quan BHXH nhiều hơn nữa.

Ông Phạm Văn Hiền kiến nghị tăng thẩm quyền cho cơ quan BHXH

“Là cơ quan chính thực hiện chức năng quản lý thu, chi quỹ BHXH, BHYT; giải quyết chế độ, chính sách cho NLĐ thường xuyên, trực tiếp nhưng thẩm quyền của cơ quan BHXH chưa nhiều. Đặc biệt, thời gian qua, tình hình nợ BHXH ngày càng tăng cao, nhưng việc xử lý của cơ quan BHXH đối với đơn vị, DN vi phạm chưa thể triệt để, chưa đáp ứng kỳ vọng, mong mỏi của NLĐ. Vì vậy, theo tôi, cần tăng thêm thẩm quyền cho cơ quan BHXH mạnh mẽ hơn nữa”- vị Phó Chủ tịch Công đoàn các KCX-KCN TP.HCM đề xuất.

Góp ý thêm về quy định tại Điều 44 của dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đối với việc xử lý DN trốn đóng BHXH, ông Phạm Văn Hiền cho rằng, dự thảo luật nên bổ sung thêm các quy định như: Phong tỏa tài khoản; tạm đình chỉ giấy phép của các DN vi phạm việc đóng BHXH, BHYT cho NLĐ (thời gian có thể khoảng 3 tháng) để có tính răn đe cao...

Là Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH PouYuen Việt Nam- nơi có hơn 50.000 NLĐ đang làm việc, ông Củ Phát Nghiệp góp ý, một số quy định trong dự thảo luật còn chưa rõ ràng và hợp lý. Cụ thể: Quy định về trợ cấp xã hội chưa nêu đối tượng rõ ràng. Người không đóng BHXH cũng được hưởng, trong khi nguồn trợ cấp lại lấy từ quỹ BHXH- điều này chắc chắn NLĐ sẽ không đồng tình. Ngoài ra, cũng cần cân nhắc quy định giảm thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm được hưởng chế độ hưu trí có thể gây ra sự bất hợp lý. Bởi, điều này dễ dẫn đến việc NLĐ lại “chạy theo” quy định là sẽ làm việc đủ 14 năm sẽ nghỉ để hưởng BHXH một lần. Từ đó, dẫn đến hệ lụy về an sinh xã hội, làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của DN…

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Đóng góp về giải pháp để NLĐ không hưởng BHXH một lần, ông Củ Phát Nghiệp cho rằng, cần phải làm cho NLĐ thấy được hưởng lương hưu có lợi lớn như thế nào… Theo ông Nghiệp, việc Nhà nước đưa ra các giải pháp, thì song song đó cần phải tích cực tư vấn để NLĐ thấy được lợi ích của họ khi không nhận BHXH một lần.

"Tôi lấy ví dụ, nếu NLĐ làm việc được 19 năm, xong chọn lựa nghỉ việc để rút BHXH một lần thì anh chị em chỉ được lãnh chừng 140 triệu đồng. Trong khi, công nhân lâu năm lương cơ bản đã hơn 10 triệu đồng chỉ cần làm tiếp thêm 1 năm thì số tiền lương, cộng thêm khoản thưởng Tết (tại PouYuen khoảng 20 triệu đồng) thì đã dư sức cao hơn khoản lãnh BHXH một lần rồi"- ông Nghiệp dẫn chứng.

Vì vậy, theo ông Nghiệp, nếu làm tiếp một năm sẽ tiết kiệm được khoản tiền lớn, trong khi vẫn giữ được cơ hội hưởng lương hưu. Trong khi đó, chưa kể nhận BHXH một lần, ngoài việc mất cơ hội hưởng lương hưu, NLĐ cũng sẽ không có thẻ BHYT để KCB. Nói chung là rất thiệt thòi. "Đây là bài toán rất thực tế và chi tiết, nhưng nhiều công nhân không biết. Tại PouYuen, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền về câu chuyện này. Vì vậy, đa phần anh chị em công nhân rất hiểu và chọn làm việc gắn bó lâu dài”- ông Củ Phát Nghiệp góp ý.

Cần quy định rõ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH để phòng DN “lách” luật

Tham gia góp ý tại Hội nghị, đại diện một số trường đại học trên địa bàn như: Đại học Luật TP.HCM, Đại học Lao động-Xã hội cũng cho rằng, các quy định hiện hành cũng như dự thảo luật còn khá chung chung trong việc xác định mức lương làm căn cứ đóng BHXH. Dẫn chứng một trường hợp cụ thể tại quận 12, đại biểu cho biết, hiện đang có vụ kiện về việc DN đóng BHXH cho NLĐ trên mức lương tiệm cận mức tối thiểu vùng chỉ là 5 triệu đồng. Nhưng nghịch lý là, mức hỗ trợ xăng xe, điện thoại mà DN này đưa vào để trả thu nhập cho NLĐ lại lên đến 40 triệu đồng. Điều này khiến quyền lợi BHXH của NLĐ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, song đáng tiếc điều này đang diễn ra khá nhiều tại các DN.

Đồng quan điểm, một số đại biểu cho rằng, cần xem xét kỹ lại các quy định tại Điều 37 của dự thảo luật để bảo vệ tốt nhất quyền lợi tham gia BHXH. Theo đó, nên quy định rõ căn cứ đóng BHXH trên cơ sở tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của NLĐ. Hoặc DN ít nhất cũng phải đóng BHXH bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương cho NLĐ.

Theo đại biểu, nếu quy định cụ thể như vậy, chắc chắn sẽ loại bỏ được tình trạng  DN “lách” quy định để đóng BHXH thấp cho NLĐ, làm ảnh hưởng đến quyền lợi hưởng các chế độ của NLĐ, đặc biệt là tiền lương hưu sau này.

Ông Phạm Chí Tâm kiến nghị giải pháp phòng tránh tình trạng DN lách luật

Nói về câu chuyện này, ông Phạm Chí Tâm- Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM cho rằng, hiện nhiều DN đang tham gia BHXH cho NLĐ với mức khá thấp, chỉ đóng tiệm cận trên mức tối thiểu vùng. Nhiều DN còn “chẻ” lương thành nhiều khoản, lương thực tế vài chục triệu đồng, nhưng đóng chỉ khoảng 5 triệu đồng, nên ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ sau này. Lương hưu trong tương lai của NLĐ cao hay thấp phụ thuộc vào việc tham gia BHXH bây giờ. Vì vậy, theo ông Tâm, pháp luật BHXH quy định chặt chẽ, các DN tuân thủ luật đóng tốt, đúng mức thu nhập cho NLĐ, thì sau này lương hưu sẽ cao, NLĐ sẽ không ai nhận BHXH một lần.

Về xử lý DN trốn đóng BHXH, ông Nguyễn Văn Hùng- đại diện LĐLĐ quận Bình Tân cho hay, tại quận Bình Tân, khi chuyển hồ sơ DN vi phạm qua cơ quan Công an thì không xử lý được. Vì vậy, Luật BHXH lần này nên quy định rõ thế nào là trốn đóng, chậm đóng BHXH để cơ quan BHXH, cũng như các ngành chức năng dễ áp dụng, cơ quan Công an cũng dễ xử lý.

Ngoài ra, một số đại biểu khác cũng bày tỏ sự đồng tình trước việc quy định Công đoàn có thể đứng ra khởi kiện DN nợ đọng BHXH, tuy nhiên cần quy định cụ thể hơn để tránh chồng chéo với các quy định tại các luật khác.

Phạm Thọ