TP.HCM: Chú trọng công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm
Công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm là vấn đề vừa cấp bách, vừa lâu dài, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, chất lượng giống nòi dân tộc và sự phát triển bền vững của thành phố.
Đó là yêu cầu mà chính quyền TP.HCM đặt ra với toàn hệ thống chính quyền cấp cơ sở, tại Kế hoạch triển khai Chương trình hành động của Thành ủy và Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Kế hoạch này được Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức ký ban hành hôm 17/3. Cũng tại Kế hoạch này, chính quyền TP.HCM đặt BQL An toàn thực phẩm vào vị trí “chủ xị” về tham mưu cũng như phối hợp triển khai thực hiện.
BQL An toàn thực phẩm TP.HCM kiểm tra, giám sát chuỗi cung ứng thực phẩm sạch
Chính quyền TP.HCM còn đặt thêm mục tiêu tất cả thực phẩm được sản xuất, kinh doanh, lưu thông và tiêu dùng trên địa bàn phải là thực phẩm an toàn. Bên cạnh đó, tình trạng “nỗ lực chưa đủ” trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm của hệ thống chính quyền cấp cơ sở cũng được đề cập, đính kèm yêu cầu cho tình hình mới: Nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm và hành động của các sở, ban ngành, TP.Thủ Đức, quận, huyện, phường, xã, thị trấn và các tổ chức chính trị-xã hội trên địa bàn...
Trong các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm đạt các mục tiêu nói trên, chính quyền TP.HCM yêu cầu các cơ quan liên quan nhanh chóng vào cuộc, nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm. Cùng với đó, khẩn trương hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến công tác đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trên địa bàn. Những nhiệm vụ, giải pháp này tuy không trực tiếp, nhưng tác động gián tiếp đến hiệu quả thực hiện, bởi trong xã hội thượng tôn pháp luật, hoạt động gì cũng cần đầy đủ cơ sở pháp lý.
Trong tinh thần thượng tôn pháp luật, chính quyền TP.HCM đặc biệt yêu cầu các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện cơ quan quản lý an toàn thực phẩm về một đầu mối trên địa bàn, bởi đến hết tháng 4 tới là kết thúc thí điểm mô hình BQL An toàn thực phẩm đã kéo dài 6 năm qua. Khi đặt vị trí “chủ xị” về tham mưu cũng như phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch này đối với BQL An toàn thực phẩm, chính quyền TP.HCM cũng đã tính đến vấn đề này, nên yêu cầu Sở Nội vụ phối hợp các cơ quan liên quan “nhanh chóng tham mưu, hoàn thiện mô hình chính thức của cơ quan quản lý an toàn thực phẩm về một đầu mối trên địa bàn TP.HCM”.
Dù chưa biết chắc mô hình sẽ ra sao trong những ngày tới, song BQL An toàn thực phẩm hiện tại trong kế hoạch này nhận các nhiệm vụ trực tiếp: Xây dựng các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát an toàn thực phẩm. Từ khi thành lập theo mô hình thí điểm tới nay, một trong những thành tựu mà BQL An toàn thực phẩm TP.HCM gặt hái được là “xây thực phẩm sạch” song song với “chống thực phẩm bẩn”. Ngày càng nhiều chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm sạch, an toàn (có thể truy xuất nguồn gốc) đã hiện diện tại TP.HCM thông qua nỗ lực của BQL, đưa thực phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí BHXH về vấn đề này, bà Phạm Khánh Phong Lan- Trưởng BQL An toàn thực phẩm TP.HCM nói rằng, an toàn thực phẩm chỉ chống thực phẩm bẩn thôi là chưa đủ, mà quan trong hơn là phải xây ngày càng nhiều, ngày càng dày đặc chuỗi cung ứng, mạng lưới phân phối thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn. “Còn về mô hình tổ chức bộ máy, kiểu gì thì cũng nỗ lực hết mình mà làm. Có điều, nguyên lý một đầu mối sẽ giúp việc xây thực phẩm sạch, chống thực phẩm bẩn chủ động và hiệu quả hơn”- bà Phong Lan nói.
Thanh Giang