Print

Tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững

Thứ Năm, 23 /03/2023 16:27

Chiều 23/3, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Diễn đàn “Tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững”. Diễn đàn nhằm góp phần phản ánh bức tranh về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển lực lượng doanh nghiệp (DN), qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế.

Theo ông Nguyễn Hồng Long- Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo Đổi mới phát triển DN, tái định vị DN để phát triển bền vững là vấn đề thời sự, cấp bách của DN trong thời điểm hiện nay, khi kinh tế toàn cầu có nhiều biến động ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam và hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Để tái định vị DN phát triển ổn định và bền vững, ông Long lưu ý, cần phải dự báo tình hình kinh tế thế giới, đánh giá kinh tế trong nước và sức khoẻ thực tế của DN. Đồng thời, theo ông Nguyễn Hồng Long, tái định vị và phát triển bền vững DN không phải là vấn đề của riêng Nhà nước hay DN, mà phải có sự kết hợp, hợp tác tích cực giữa DN và cơ quan quản lý nhà nước.

Tại Diễn đàn, ông Phạm Tấn Công- Chủ tịch VCCI cũng nhấn mạnh, việc tái định vị DN để phát triển bền vững xuất phát từ câu chuyện khả năng tồn tại và phát triển của DN đã thay đổi rất nhiều, trong bối cảnh hậu Covid-19 và biến động chung của thế giới. Đó là sự đứt gãy, ách tắc, đình trệ trong sản xuất kinh doanh và chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; những bất ổn xoay quanh xung đột vũ trang Nga-Ukraine; biến động trên thị trường tài chính ngân hàng thế giới... Điều này khiến các DN phải đặt ra câu hỏi: Vậy chúng ta phải định vị lại DN của mình như thế nào để tồn tại và phát triển?

Theo Chủ tịch VCCI, bối cảnh mới đã tạo ra những thách thức rất lớn với các nhà lãnh đạo, nhà quản lý DN và với cả cơ quan quản lý nhà nước. Bởi, sự tồn tại của DN gắn liền với sức mạnh kinh tế quốc gia và với nguồn thu NSNN. Thêm một yếu tố chúng ta cần quan tâm đó là bối cảnh, mục tiêu phát triển của Việt Nam đã khác. Chúng ta đã có giai đoạn chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường và thành phần kinh tế tư nhân xuất hiện để phát triển, sau đó là giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế.

“Chúng ta cần xác định các thách thức, cơ hội để bàn các giải pháp giúp DN phát triển bền vững thành công, để những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong hơn 35 năm đổi mới tiếp tục được phát huy, trở thành quốc gia phát triển nhanh, xanh, bền vững...”- ông Phạm Tấn Công giải thích...

Thực tế thời gian qua cho thấy, các DN Việt Nam đã có nhiều hành động để “tái định vị”, thích ứng với tình hình mới. Theo chia sẻ của ông Trương Văn Cẩm- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, từ nay đến năm 2030, phát triển ngành thời trang gắn với phát triển ngành dệt may; chuyển dần trọng tâm sang phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn để bảo vệ môi trường và đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu; cũng như đáp ứng yêu cầu truy soát chuỗi cung ứng về lao động và môi trường. Đồng thời, giảm tác động đến môi trường bằng cách tăng độ bền của sản phẩm, tái sử dụng, tái chế, kéo dài tuổi thọ sản phẩm...

Trong khi đó, ông Ngô Sỹ Hoài- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ Việt Nam cho biết, các DN trong ngành gỗ đang liên kết theo chuỗi giá trị, chuyển đổi theo hướng phát triển theo chiều sâu; đổi mới công nghệ thiết bị để chuyển đổi thương mại xanh và kinh tế xanh. Bên cạnh đó, tăng cường trách nhiệm giải trình, chế biến và thương mại có trách nhiệm, kinh tế tuần hoàn; tăng cường năng lực thiết kế, xây dựng thương hiệu, đa dạng hoá thị trường...

Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng khẳng định, để nắm bắt các cơ hội phát triển trong năm 2023 và những năm tiếp theo, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN là vấn đề mấu chốt gắn liền với quá trình tái định vị DN. Tuy nhiên, trong giai đoạn phát triển mới này, năng lực cạnh tranh của DN cần được gắn với tư duy phát triển bền vững. Các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị tốt cần được đưa vào chiến lược và đo lường qua các các kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm.

Thái An