Print

Bộ Y tế: Sớm giải quyết 7.000 hồ sơ cấp phép thiết bị y tế tồn đọng

Thứ Sáu, 24 /03/2023 14:26

Sáng nay (24/3), tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức gặp mặt báo chí cung cấp thông tin y tế quý I/2023. Tại buổi gặp mặt, lãnh đạo Bộ Y tế đã chia sẻ về những vấn đề “nóng” được dư luận xã hội quan tâm như: Hồ sơ cấp phép trang thiết bị y tế tồn đọng, công tác phòng chống dịch, tiêm chủng mở rộng, phát triển dược liệu và những nội dung trong Luật KCB (sửa đổi)…

Chia sẻ về vấn đề 7.000 hồ sơ cấp phép trang thiết bị y tế đang tồn đọng, trong đó có nhiều hồ sơ nộp từ rất lâu nhưng chưa được xét, ông Nguyễn Tử Hiếu- Phó Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) cho biết: Theo quy định tại Nghị định số 98/2021/NĐ-CP, Bộ Y tế đã tổ chức thẩm định hồ sơ và cấp số lưu hành. Tuy nhiên, do số lượng hồ sơ nhiều, thời gian qua đã xảy ra một số vụ việc dẫn đến có tâm lý e ngại trong việc đọc và thẩm định hồ sơ của các chuyên gia độc lập. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực trực tiếp làm công tác quản lý, xử lý hồ sơ tại Bộ Y tế rất thiếu.

Gặp mặt báo chí cung cấp thông tin báo chí quý I/2023

“Hiện nay, Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế chỉ có 7 chuyên viên trực tiếp làm công tác quản lý, xử lý hồ sơ, trong khi ngoài thẩm định hồ sơ còn phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác. Tới đây, sau khi chuyển đổi thành Cục Cơ sở hạ tầng và Thiết bị y tế (theo Nghị quyết số 95 của Chính phủ), nhân lực của chúng tôi sẽ tăng số lượng, có thể đẩy nhanh giải quyết hồ sơ tồn đọng hiện nay”- ông Nguyễn Tử Hiếu thông tin.

Bên cạnh những khó khăn về nhân lực, theo ông Hiếu, các đơn vị đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành được 5 lần sửa đổi, bổ sung hồ sơ kể từ ngày Bộ Y tế có yêu cầu sửa đổi, bổ sung. Qua thống kê, có hơn 90% hồ sơ đề nghị cấp số lưu hành phải đề nghị sửa đổi, bổ sung. Sau mỗi lần bổ sung do thủ tục này được thực hiện trên Cổng Thông tin điện tử (theo dịch vụ công cấp độ 4), nên DN có thể thay đổi toàn bộ nội dung, tài liệu đăng ký lưu hành dẫn đến việc phải đọc thẩm định lại từ đầu. Trong khi đó, mỗi hồ sơ đều phải đọc nhiều lần làm tăng khối lượng công việc cho các chuyên gia và chuyên viên...

Để giải quyết những khó khăn, tồn đọng liên quan đến trang thiết bị y tế, thời gian qua, Bộ Y tế đã triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ. Trong đó, đã sửa đổi, bổ sung quy trình tiếp nhận, thẩm định, cấp, hậu kiểm và thu hồi số lưu hành trang thiết bị y tế theo hướng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, để đẩy nhanh tiến độ cấp số lưu hành trang thiết bị y tế.

Cùng với đó, tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 07/2023/NĐ-CP ngày 3/3/3023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP để tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức, cá nhân xuất nhập khẩu, kinh doanh, cho phép gia hạn hiệu lực của các giấy phép đã cấp đến hết ngày 31/12/2024. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19/2021/TT-BYT ngày 16/11/2021 của Bộ Y tế để hướng dẫn cụ thể việc chuẩn bị hồ sơ để đẩy nhanh tiến độ cấp số lưu hành.

Ông Nguyễn Tử Hiếu- Phó Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (phải)

Ông Hà Anh Đức- Chánh Văn phòng Bộ Y tế cho biết: “Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế đang đẩy mạnh ứng dụng CNTT để thủ tục gọn gàng, tăng hiệu suất. Bộ Y tế cũng đang đề xuất tăng phí thẩm định cho chuyên gia một cách thỏa đáng, vì đây là công việc có tính trách nhiệm cao”. Cũng theo ông Đức, trong quý I, Bộ Y tế đã tích cực hoàn thiện thể chế, quy phạm pháp luật; tăng cường phòng chống dịch bệnh, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh không để xảy ra “dịch chồng dịch”; đạt được nhiều kết quả nổi bật trong công tác dự phòng, dược và KCB.

Cụ thể, về quy chế, thể chế pháp luật, ngành Y tế luôn xác định nhiệm vụ "tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất và minh bạch, lấy quyền và lợi ích chính đáng của người dân và DN làm trọng tâm; xây dựng bộ máy quản lý tinh gọn, hoạt động hiệu quả, nâng cao kỷ cương, kỷ luật, phòng chống tham nhũng; tạo lập được khuôn khổ pháp lý thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội”.

Về công tác phòng chống dịch bệnh, trong nước, dịch Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác cơ bản vẫn đang được kiểm soát. Tuy nhiên, nguy cơ xâm nhập, lây lan của các tác nhân gây bệnh luôn tiềm ẩn, nhất là trong bối cảnh nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao. Một số bệnh truyền nhiễm lưu hành như tay chân miệng, sốt xuất huyết... bệnh truyền nhiễm dự phòng bằng vắc-xin cũng có nguy cơ gia tăng số mắc…

Ngày 10/3/2023, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 1331/QĐ-BYT về kế hoạch phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2023. Ngày 23/3/2023, Bộ Y tế đã ký ban hành công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tổ chức triển khai kế hoạch phòng chống dịch năm 2023. Đồng thời, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố tăng cường phòng chống bệnh cúm gia cầm lây sang người và chỉ đạo các Sở Y tế tăng cường phòng chống bệnh liên cầu lợn của người; tiếp tục tập trung cho công tác phòng chống các dịch bệnh lưu hành, bệnh mới nổi đặc biệt trong mùa xuân-hè.

Cùng với đó, Bộ Y tế cũng đang xây dựng và tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Phòng bệnh; đề án tăng cường công tác tiêm chủng, tăng số lượng vắc-xin trong tiêm chủng mở rộng; ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư số 38/2017/TT-BYT về danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế bắt buộc; ban hành Thông tư quy định nội dung chi tiết của gói dịch vụ y tế công cộng cơ bản tại Trạm Y tế xã, phường; báo cáo đánh giá kết quả 3 năm công tác phòng chống dịch Covid-19.

Hà Hùng