Print

Đẩy nhanh tiến độ đảm bảo tiếp cận nước sạch cho người dân

Thứ Sáu, 24 /03/2023 15:04

Nước là mẫu số chung cho sự phát triển trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, các hoạt động phát triển kinh tế khác. Do vậy, quản lý tài nguyên nước, nhất là nước xuyên biên giới phải có sự kết nối...

Diễn ra trong 2 ngày 22-24/3, tại trụ sở LHQ, Hội nghị về nước năm 2023 của LHQ được đánh giá là cơ hội để đẩy nhanh tiến độ hướng tới tiếp cận phổ cập nước sạch và vệ sinh vào năm 2030. Tham dự và chia sẻ quan điểm tại Phiên đối thoại cấp cao trong khuôn khổ Hội nghị chiều ngày 23/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, 60% lượng nước của Việt Nam được sản sinh từ các dòng sông xuyên biên giới. Việt Nam cũng tham gia mô hình hợp tác Ủy hội sông Mekong- được nhiều quốc gia quan tâm.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chia sẻ tại Phiên đối thoại cấp cao

Dẫn số liệu hơn 40% dân số toàn cầu đang sinh sống tại các lưu vực sông, hồ xuyên biên giới, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, các lưu vực sông đều có chức năng rất quan trọng về môi trường, phát triển năng lượng, nông nghiệp, thủy sản, cung cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt, giải trí… Do đó, cần có cơ chế hợp tác giữa các quốc gia để mỗi lưu vực sông xuyên biên giới được quản lý thống nhất, đảm bảo đa dạng nhu cầu sử dụng tài nguyên nước.

"Nước là mẫu số chung cho sự phát triển trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, các hoạt động phát triển kinh tế khác. Do vậy, quản lý tài nguyên nước, nhất là nước xuyên biên giới phải có sự kết nối"- Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng chia sẻ một số giải pháp trong hợp tác quản lý tài nguyên nước. Trước hết, các quốc gia cần xây dựng khuôn khổ pháp lý chung để quản lý toàn diện, tổng hợp lưu vực sông xuyên biên giới trong tính đa dạng và thống nhất. Từ đó, cùng nhau bảo đảm việc khai thác, sử dụng nước bền vững; chia sẻ các lợi ích từ nước; trao đổi, thảo luận, tham vấn lẫn nhau khi đưa ra những dự án phát triển trên cơ sở đánh giá tác động, môi trường, dòng chảy, lưu vực sông.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra mạnh, Phó Thủ tướng đề cập đến tính cấp thiết phải hình thành hệ thống quan trắc trực tiếp, ứng dụng giải pháp công nghệ hiện đại để đặt ra các bài toán, dự báo về các dòng sông. "Quan trọng nhất là chia sẻ lợi ích sử dụng, phân bổ nguồn nước; giải quyết tình trạng thừa nước, thiếu nước, bảo đảm dòng chảy và bảo vệ hệ sinh thái, đa dạng sinh học"- Phó Thủ tướng lưu ý.

Nhiều người dân còn hạn chế tiếp cận nước sạch (ảnh minh họa)

Phân tích về tính phức tạp của các dòng sông xuyên biên giới, Phó Thủ tướng khuyến nghị, cần có các dự án đầu tư, điều tra, đánh giá đầy đủ. Đồng thời, đưa ra quy hoạch quản lý tổng hợp, trong đó có quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước, bảo tồn đa dạng sinh học, nhất là bảo tồn các giá trị văn hoá mà dòng sông tạo nên.

Nhấn mạnh sinh kế của người dân luôn gắn với các dòng sông, Phó Thủ tướng cho rằng, trong mọi quá trình quản lý phải dựa vào người dân để đưa ra quyết định. Bên cạnh đó, cần hình thành các cơ quan, tổ chức của LHQ để điều phối, hỗ trợ khoa học, công nghệ, cơ chế tài chính liên quan đến quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho các quốc gia có dòng sông xuyên biên giới chảy qua. Đặc biệt, quản lý nguồn nước phải gắn với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường; xây dựng khuôn khổ pháp lý đi cùng với thiết lập chuẩn mực đạo đức xã hội trong quan hệ, ứng xử với tài nguyên nước.

Theo báo cáo của LHQ, hiện cứ 4 người trên thế giới thì 1 người phải dùng nguồn nước uống không an toàn. Với tình trạng sử dụng nước chưa tiết kiệm, xả thải chưa an toàn, dự báo khoảng hơn 2 tỷ người dân đô thị sẽ đối diện với tình trạng khan hiếm nước vào năm 2050. Do đó, đảm bảo tiếp cận nước sạch và vệ sinh là một trong 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững mà LHQ đã đề ra.

Song, để đạt được mục tiêu này, LHQ kêu gọi các quốc gia cùng chung để xóa đi khoảng cách trong trình độ quản lý nguồn nước, gia tăng đầu tư cơ sở hạ tầng cho nước, và một yếu tố không thể thiếu là giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu. Theo ông Li Junhua- Phó Tổng Thư ký LHQ về các vấn đề kinh tế và xã hội (DESA) và Tổng Thư ký của Hội nghị về nước năm 2023 của LHQ, hội nghị này sẽ là thời điểm quan trọng để quyết định hành động phối hợp nhằm giải quyết những thách thức lớn liên quan đến nước.

Hội nghị về nước năm 2023 quy tụ những người đứng đầu nhà nước và chính phủ, các bộ trưởng và các bên liên quan trong tất cả các lĩnh vực khác nhau, để cùng nhau đạt được các mục tiêu đã được quốc tế thống nhất, bao gồm Mục tiêu Phát triển Bền vững số 6 trong Chương trình Nghị sự năm 2030 của LHQ vì một tương lai công bằng hơn; đảm bảo tiếp cận với nước an toàn, vệ sinh môi trường và vệ sinh cho tất cả mọi người.

Một trong những kết quả chính của Hội nghị sẽ là Chương trình hành động vì nước. Chương trình nắm bắt và theo dõi tiến độ tất cả các cam kết tự nguyện liên quan đến nước. Chương trình nghị sự nhằm mục đích khuyến khích các quốc gia thành viên của LHQ, các bên liên quan và khu vực tư nhân cam kết thực hiện các hành động khẩn cấp để giải quyết những thách thức về nước hiện nay.

Thủy Hà