Print

Tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm trường học

Thứ Sáu, 24 /03/2023 15:33

Bộ GD-ĐT vừa có công văn gửi các Sở GD-ĐT yêu cầu tăng cường biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục.

Theo đó, Bộ GD-ĐT đề nghị các Sở GD-ĐT tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp quản lý về bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục.

Cụ thể, thực hiện nghiêm các quy định của Luật An toàn thực phẩm; Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước, trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm trong tình hình mới, trong đó nhấn mạnh việc người đứng đầu cơ sở, đơn vị tổ chức bếp ăn tập thể phải chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm theo đúng quy định. 

Đồng thời, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không bảo đảm an toàn thực phẩm trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên nhà trường, học sinh và cha mẹ học sinh.

Bộ GD-ĐT yêu cầu kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và quá trình chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực 3 bước, lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy định. Sử dụng thực phẩm đã được nấu chín và nước đã được đun sôi. Nghiêm cấm không để các cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm không đảm bảo đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cung cấp thực phẩm hoặc suất ăn cho các trường học.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành giáo dục- y tế, huy động sự tham gia của Ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc giám sát công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, an toàn thực phẩm, vệ sinh trường học tại các cơ sở giáo dục; phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, điều kiện vệ sinh trong trường học nhằm bảo đảm sức khỏe cho học sinh.

Bên cạnh đó, chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương chuẩn bị các phương án sẵn sàng để kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống phát sinh khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra trong trường học. 

Giáo dục, hướng dẫn trẻ em, học sinh thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường. Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp với tăng cường hoạt động thể lực phù hợp với độ tuổi, thể trạng của học sinh và điều kiện của gia đình học sinh để nâng cao sức khỏe, phòng chống dịch bệnh và các bệnh không lây nhiễm.

Thủy Hà