Print

FAO và sáng kiến Thành phố xanh

Thứ Hai, 27 /03/2023 12:10

Tháng 9/2020, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của LHQ (FAO) khởi động Sáng kiến Thành phố Xanh, nhằm thúc đẩy nhanh việc hoàn thành các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG), để cải thiện khả năng phục hồi xã hội, kinh tế và môi trường tại 1.000 thành phố vào năm 2030.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), 4,4 tỷ người- hơn một nửa dân số thế giới- hiện đang sống ở khu vực đô thị. Con số này có xu hướng tăng hơn gấp đôi vào năm 2050. Trong những năm tới, khu vực đô thị và ven đô sẽ cần phải đáp ứng nhu cầu ngày một cao của người dân về cơ sở hạ tầng, nhà ở và hệ thống giao thông. Đồng thời, những lĩnh vực này đòi hỏi tạo ra lượng việc làm tương ứng. Với các khoản đầu tư có ý thức vào cơ sở hạ tầng xanh, tái trồng rừng và hệ thống thực phẩm bền vững, khu vực đô thị có thể tăng cường khả năng phục hồi khi đối mặt với biến đổi khí hậu, đồng thời tạo ra việc làm trong quá trình này.

Mối tương quan giữa sức khỏe và nghèo đói

Những năm gần đây, đại dịch Covid-19 đã làm rõ thêm mối tương quan giữa sức khỏe và nghèo đói ở khu vực thành thị. Chương trình Định cư Con người của LHQ (UN-Habitat) thông tin, rủi ro về sức khỏe đã rất cao đối với người dân thành thị nếu không được tiếp cận với không khí, nước sạch, nhà ở và quản lý rác thải. Nếu những điều kiện sống cơ bản này không được đáp ứng, sẽ làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng hiện có, dẫn đến kinh tế và sức khỏe không công bằng giữa mọi người với nhau.

Trên toàn cầu, đại dịch Covid-19 và ảnh hưởng của nó đến kinh tế đang làm gia tăng bất bình đẳng, cũng như làm “xói mòn” tiến độ đạt được đối với nhiều Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs). Theo FAO, sự gián đoạn chuỗi cung ứng, đặc biệt là trong hệ thống thực phẩm và quản lý rác thải, cho thấy các chính quyền đô thị cần phải hình dung và suy nghĩ lại về tương lai của hệ thống đô thị.

Xây dựng khả năng phục hồi đô thị

Sáng kiến Thành phố Xanh đưa ra hành động dựa trên bài học đúc rút từ những cuộc khủng hoảng môi trường, khủng hoảng sức khỏe đã và đang diễn ra. Thông qua các chiến lược dành riêng cho từng nơi, Sáng kiến nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận không gian xanh, thực phẩm sạch của người dân; tăng cường kết nối giữa khu vực đô thị và nông thôn; cung cấp các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh… để tiếp cận toàn diện đối với sức khỏe con người và hành tinh.

Tính đến tháng 11/2022, 80 thành phố trên thế giới đang tham gia Sáng kiến Thành phố Xanh. Kết quả đạt được khá khả quan, ví dụ, Sáng kiến giúp trồng lại ít nhất 1,6 ha rừng ngập mặn ở Quelimane (Mozambique) nhằm giảm thiểu nguy cơ lũ lụt ở thành phố ven biển. Ở Nairobi (Kenya), Sáng kiến giải quyết tình trạng lãng phí thực phẩm phổ biến của thành phố, giảm lượng sản phẩm hư, hỏng, không bán được mà người bán hàng bỏ lại hoặc người dân bị thất thoát giữa sản xuất- tiêu dùng bằng cách phổ biến, giới thiệu công nghệ, kỹ thuật làm phân ủ và “hầm khí sinh học”, biến rác thải thành nhiên liệu. Sáng kiến còn tập huấn cho phụ nữ bán thức ăn đường phố ở Kisumu (Kenya), trang bị cho họ kỹ năng kinh doanh và nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh đường phố.

Tập trung vào xóa đói giảm nghèo

Mặc dù Sáng kiến Thành phố Xanh tập trung nhiều nhất vào vấn đề bảo vệ môi trường, song Sáng kiến cũng góp phần xóa đói giảm nghèo theo một số phương thức độc đáo, bao gồm:

Tăng cường kết nối đô thị và nông thôn

Mặc dù phần lớn dân số nghèo trên thế giới cư trú ở khu vực nông thôn, song FAO tập trung vào thực tế là phần lớn họ không sống quá xa khu vực đô thị. Bằng cách tăng cường kết nối giữa các cộng đồng nông thôn và thành thị (đặc biệt, thông qua các ngành công nghiệp chế biến, phân phối thực phẩm), FAO hướng tới mục tiêu tạo việc làm và thúc đẩy nền kinh tế tổng thể của một khu vực nhất định, từ đó giảm nghèo và di cư do nghèo.

Giảm nhẹ thảm họa môi trường

Rủi ro môi trường liên quan đến thời tiết khắc nghiệt đang gia tăng ở khu vực đô thị có mật độ dân số cao, thể hiện qua các cú sốc kinh tế và thiệt hại về người. Tạo khả năng phục hồi thông qua không gian xanh, cơ sở hạ tầng xanh sẽ giúp giảm thiểu rủi ro và tác động của rủi ro đối với người nghèo.

Xây dựng hệ thống thực phẩm lành mạnh, bền vững

Người nghèo ở khu vực thành thị, nhất là người sống ở nơi có mật độ dân số cao hoặc khu định cư không chính thức, thường không được tiếp cận với không khí trong lành, nước sạch và thực phẩm lành mạnh, giá cả phải chăng. Để hạn chế sự phổ biến của “các bệnh liên quan đến dinh dưỡng và không lây nhiễm”, Sáng kiến Thành phố xanh ưu tiên tận dụng tính sẵn có và hợp túi tiền (do chi phí vận chuyển không tốn kém) của các loại thực phẩm chất lượng được trồng ở chính khu vực đô thị. Ngoài ra, xử lý rác thải thực phẩm, làm sạch nguồn nước và phát triển nông nghiệp tại khu vực đô thị cũng là một trong những mục tiêu của Sáng kiến.

Vào tháng 2/2020, Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho biết, Châu Phi là nơi có 15 thành phố phát triển nhanh nhất thế giới. Trên nhiều khu vực của lục địa, cuộc khủng hoảng liên quan đến biến đổi khí hậu đã gây áp lực đặc biệt, cụ thể là dưới hình thức dòng người di cư khí hậu để tìm kiếm thu nhập ổn định. Trong tương lai gần, cộng đồng đô thị thuộc mọi quy mô sẽ cần có sẵn các hệ thống để thích nghi, chuẩn bị và ứng phó với những cú sốc kinh tế, xã hội và môi trường. Sáng kiến Thành phố Xanh hỗ trợ “các chính quyền địa phương trong việc lồng ghép nông nghiệp, hệ thống thực phẩm và không gian xanh vào chính sách, quy hoạch và hành động của địa phương”, đưa ra một lộ trình hướng tới sự ổn định và bền vững toàn cầu.

Tùng Anh (Theo FAO)