Print

Lưu ý khi dùng ICS trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Thứ Hai, 27 /03/2023 14:22

Hiện nay, trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính chủ yếu là điều trị ngoại trú, dùng thuốc tại nhà theo hướng dẫn và các tên gọi thuốc cũng như phác đồ điều trị được các thầy thuốc hay dùng một số thuốc với tên gọi khác nhau.

Cụ thể như: ICS (viết tắt của Inhaled Corticosteroid) là một corticoid được bào chế dưới dạng xịt định liều- đây là thuốc dự phòng hen được dùng khá nhiều; LABA- viết tắt tiếng Anh của thuốc giãn phế quản nhóm cường beta 2 tác dụng kéo dài (Long active bronchodilatator action) salmeterol và formoterol trở thành thuốc có sẵn trong thực hành lâm sàng từ những năm 1990.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một rối loạn viêm được đặc trưng bởi cả viêm đường thở và viêm toàn thân và liệu pháp dùng ICS có thể làm giảm tình trạng viêm này. Trong điều trị bệnh nhân COPD giai đoạn ổn định, ICS thuộc nhóm điều trị với vai trò chống viêm. Thực tế điều trị cho thấy, ICS có lợi trên hầu hết bệnh nhân COPD có chồng lấp hen và các thử nghiệm lâm sàng chứng minh lợi ích của ICS bên cạnh liệu pháp giãn phế quản kép ở bệnh nhân COPD mức độ trung bình đến nặng, có đợt cấp thường xuyên.

Liệu pháp ICS có tác động rất nhỏ đến chức năng phổi, nhưng lại làm giảm đợt cấp, làm chậm sự tiến triển của các triệu chứng hô hấp và có thể cải thiện phần nào tỷ lệ tử vong do COPD. Những người mắc COPD có nguyên nhân từ hút thuốc lá, thuốc lào được điều trị bằng ICS đều thấy rõ hiệu quả trên chức năng phổi, tuy nhiên mức độ hiệu quả trên bệnh nhân hút thuốc lá nhiều hoặc đang hút thuốc lá thấp hơn bệnh nhân hút thuốc lá ít hoặc đã bỏ thuốc.

Các thầy thuốc thường sử dụng phác đồ phối hợp ICS với giãn phế quản tác dụng kéo dài LABA. Phần lớn các nghiên cứu cho thấy hiệu quả của dạng phối hợp cố định LABA + ICS vượt trội hơn LABA đơn độc trên tỷ lệ đợt cấp ở bệnh nhân có tiền sử ít nhất một đợt cấp trong vòng năm trước đó.

ICS kết hợp với LABA hiệu quả hơn từng thành phần riêng lẻ trong cải thiện chức năng phổi và tình trạng sức khỏe, cũng như làm giảm đợt cấp ở bệnh nhân có đợt cấp trung bình đến rất nặng.
ICS có một số tác dụng bất lợi đã được mô tả rất rõ ở bệnh nhân COPD. Những phản ứng không mong muốn thường thấy bao gồm: Khàn giọng, bầm tím da, nấm candida miệng và tăng tỷ lệ viêm phổi. Nhìn chung, những tác dụng phụ này không quá nghiêm trọng dẫn đến việc thay đổi cách quản lý, nhưng sẽ xuất hiện nhiều hơn khi tăng liều và dùng thuốc lâu dài.

Khàn giọng khá phổ biến ở những người sử dụng ICS. Các dạng bào chế bình xịt định liều (MDI) dựa trên hydrofluoroalkane (HFA) thế hệ mới có nguy cơ khàn giọng thấp hơn so với bình xịt định liều dựa trên chlorofluorocarbon (CFC) thế hệ cũ. Chứng khàn giọng đôi khi được giảm bớt bằng cách sử dụng buồng đệm với MDI. Nguy cơ này cũng có thể thấp hơn khi sử dụng ống hít bột khô (DPI) budesonide so với bình xịt định liều CFC hoặc ống hít bột khô fluticasone propionate.

Sử dụng ICS cũng gây ra nấm candida hầu họng với một số bệnh nhân, đặc biệt là trên bệnh nhân cao tuổi, bệnh nhân dùng đồng thời glucocorticoid đường uống, thuốc ức chế miễn dịch hoặc kháng sinh và bệnh nhân dùng ICS liều cao hơn 2 lần mỗi ngày.

Đối với bệnh nhân sử dụng MDI, các thiết bị đệm thể tích lớn có thể bảo vệ chống lại nấm candida hầu họng bởi giảm lượng thuốc lắng đọng ở hầu họng. Ngoài ra, một cách phòng ngừa khác là súc miệng và cổ họng bằng nước và khạc ra sau khi sử dụng ICS.

Khi sử dụng ICS lâu dài, bệnh nhân có nguy cơ bị viêm phổi cao hơn ở những người có tuổi, cơ thể gầy yếu và nghiện hút thuốc… Vì vậy, đối với bệnh nhân COPD mức độ trung bình, ICS kết hợp với LABA là phác đồ hiệu quả để tránh nguy cơ viêm phổi.

ThS.Lê Quốc Thịnh