Print

Ban hành Sổ tay hướng dẫn đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý

Thứ Hai, 27 /03/2023 15:32

Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021– 2030, giai đoạn I từ năm 2021- 2025.

Theo thống kê của các nhà khoa học, Việt Nam có khoảng 4.000 loài cây thuốc, hơn 50 loài tảo biển, 75 loại khoáng vật và gần 410 loài động vật làm thuốc, trong đó có nhiều loại dược liệu quý được quốc tế công nhận. Tổng sản lượng dược liệu trồng trong nước ước đạt cả trăm ngàn tấn/năm. Riêng về cây thuốc, có một số loài quý hiếm, vừa có tác dụng trong nhiều bài thuốc y học cổ truyền chăm sóc sức khỏe, vừa có giá trị kinh tế cao như Sâm Ngọc Linh, Tam thất, Hà thủ ô, Ba kích, Củ mài, Chó đẻ rang cưa, Ráy gai, Lan kim tuyến, Hoàng liên chân gà, Bình vôi, Vàng đắng, Bạch hoa xà thiệt thảo, Xạ đen, Cà gai leo, Giảo cổ lam…

Sổ tay Hướng dẫn triển khai thực hiện Dự án Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý nhằm mục tiêu cụ thể hóa các nội dung và hướng dẫn việc thực hiện các hoạt động liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ dược liệu, là cơ sở để giúp địa phương, DN và người dân thực hiện các nguyên tắc, nội dung, quy trình hỗ trợ phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm theo quy định của Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn năm 2021– 2025.

Vùng trồng dược liệu quý thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bao gồm:

Vùng 1, Miền núi phía Bắc, 2 Trung tâm giống (Hà Giang, Yên Bái); 10 Vùng trồng dược liệu quý (Hà Giang, Lào Cai, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Bắc Giang);

Vùng 2, Miền Trung và Duyên hải Nam Trung Bộ, 1 Trung tâm giống (Quảng Nam); 4 Vùng trồng dược liệu quý (Nghệ An, Huế, Quảng Ngãi, Ninh Thuận);

Vùng 3, Tây Nguyên, 1 Trung tâm giống (Kon Tum); 3 Vùng trồng dược liệu quý (Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông);

Vùng 4, Đông Nam Bộ, 1 Vùng trồng dược liệu quý (Trà Vinh).

Dự án tập trung đầu tư, hỗ trợ phát triển 2 đối tượng là chuỗi giá trị dược liệu mới và chuỗi giá trị dược liệu đã có cụ thể; trong đó, nhấn mạnh việc xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị dược liệu mới gắn nuôi trồng, sản xuất với tiêu thụ sản phẩm tại địa phương; hỗ trợ hình thành các liên kết giữa DN, HTX, Liên hiệp HTX, hộ gia đình, các tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh có sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, củng cố, nâng cấp liên kết theo chuỗi giá trị dược liệu gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm đã có tại các địa phương, trong đó ưu tiên tập trung xây dựng vùng dược liệu ổn định, chất lượng; hỗ trợ áp dụng kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ, nâng cấp năng lực sơ chế, chế biến và phát triển thị trường.

Sổ tay còn bổ sung nội dung hướng dẫn về đảm bảo nuôi trồng, sơ chế chế biến, sản xuất theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), định hướng xây dựng thương hiệu dược liệu trong nước, là tài liệu tham khảo để xây dựng và tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, từng bước nâng cao giá trị dược liệu, thu nhập từ hoạt động sản xuất và góp phần phát triển bền vững dược liệu trong nước.

Tùng Anh