Print

Nghiên cứu, bổ sung quy định về cơ chế hỗ trợ DN gặp khó khăn ngoài giảm phí Công đoàn

Thứ Hai, 27 /03/2023 16:34

Chính phủ đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam nghiên cứu, bổ sung quy định về cơ chế hỗ trợ DN trong trường hợp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh…

Chính phủ vừa có phản hồi với Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc tham gia ý kiến đối với hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi). Theo đó, Chính phủ nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Công đoàn (sửa đổi) để thay thế Luật Công đoàn năm 2012 nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về đổi mới tổ chức, hoạt động của Công đoàn tại Nghị quyết số 20-NQ/TW năm 2008 về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Chính phủ nhận định các tổ chức của NLĐ tại DN khi thành lập có thể có thành viên người nước ngoài. Do vậy, Dự án Luật sửa đổi cần tính toán hệ quả địa vị, tư cách thành viên của người nước ngoài trong các tổ chức này.

Tại văn bản phản hồi, Chính phủ đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định về cơ chế hỗ trợ DN trong trường hợp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh, không có khả năng đóng Công đoàn phí.

Thực tiễn trong phòng, chống dịch Covid-19 để khắc phục những khó khăn do dịch bệnh ngoài miễn giảm kinh phí, Quốc hội, Chính phủ còn ban hành các văn bản pháp luật hỗ trợ DN, NLĐ. Nguồn kinh phí được lấy từ ngân sách nhà nước, quỹ BH thất nghiệp và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Bên cạnh đó, Chính phủ cho rằng kinh phí Công đoàn là một khoản thu có tính chất bắt buộc nên việc miễn, giảm cần được đảm bảo bằng nguyên tắc cụ thể, minh bạch, tránh việc DN trốn đóng, chậm đóng kinh phí cũng được miễn giảm như những DN đóng đầy đủ. Vì vậy, Chính phủ cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung các nguyên tắc để được miễn, giảm kinh phí Công đoàn nhằm đảm bảo công bằng cho các DN đóng.

Liên quan đến vấn đề phân bổ, quản lý kinh phí công đoàn, Dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi đề xuất Công đoàn cấp trên cơ sở được quản lý, phân phối, sử dụng 25% tổng số thu công đoàn phí. Công đoàn cơ sở và tổ chức của NLĐ ở DN sử dụng 75% trên tổng số thu kinh phí Công đoàn.

Chính phủ đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam đánh giá rõ cơ sở, căn cứ đưa ra phương án phân bổ theo tỷ lệ 25% và 75%. Bên cạnh đó, ban soạn thảo cần nghiên cứu cơ chế quản lý khác nhau với từng loại kinh phí để đảm bảo phù hợp với tính chất, mục đích sử dụng.

Thanh Hằng