Print

Làm việc online và có hưởng lương thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT bắt buộc

Thứ Sáu, 07 /04/2023 14:45

Bạn đọc có email ngoctham@gmail.com hỏi: Công ty chúng tôi có nhu cầu tuyển dụng lại nhân viên cũ và dự định sẽ ký kết HĐLĐ không xác định thời hạn với hình thức làm việc tại nhà (online). Do đang định cư tại nước ngoài và sẽ làm việc online, nên nhân viên này mong muốn không tham gia BHXH, BHYT và sẽ làm cam kết không tham gia BHXH. Vậy, nếu chấp nhận trường hợp này, Công ty có vi phạm pháp luật không?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 2, Khoản 1 Điều 19, Điều 17, Khoản 2 Điều 21, Khoản 3 Điều 122 Luật BHXH 2014; Khoản 1 Điều 12, Điều 49 văn bản hợp nhất Luật BHYT số 01/VBHN-VPQH ngày 10/7/2014; Khoản 1, Điều 43 Luật Việc làm; Khoản 2, Điều 17 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc; Khoản 1, Điều 39 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì:

- NLĐ làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia đóng BHXH bắt buộc; người làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia BHYT, BH thất nghiệp.

- NLĐ có hành vi thỏa thuận với người SDLĐ không tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, BH thất nghiệp là hành vi vi phạm pháp luật và bị nghiêm cấm; người SDLĐ và NLĐ có hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHYT từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng BHXH, BHYT và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi BHXH, BHYT tính trên số tiền và thời gian chậm đóng.

Do đó, trường hợp NLĐ giao kết HĐLĐ với đơn vị theo quy định tại Khoản 1, Điều 2 Luật BHXH nêu trên, làm việc online và có hưởng lương thì thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT bắt buộc theo quy định của pháp luật.

BBT