Phát động Cuộc thi Tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp khoa học của Anh hùng, Liệt sĩ Đặng Văn Ngữ
Bộ Y tế tổ chức phát động Cuộc thi Tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp khoa học của Giáo sư, Bác sĩ, Anh hùng, Liệt sĩ Đặng Văn Ngữ.
Phát biểu tại Lễ Phát động, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết: Cuộc thi tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp khoa học của GS, BS, Anh hùng, Liệt sĩ Đặng Văn Ngữ do Viện Sốt rét- Ký sinh trùng- Côn trùng Trung ương phát động là đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng cho viên chức, cán bộ y tế dự phòng và phòng chống sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng; đây cũng là dịp để thể hiện tình cảm, trách nhiệm đối với GS, BS, Anh hùng, Liệt sĩ Đặng Văn Ngữ - nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực ký sinh trùng ở Việt Nam, là Viện trưởng đầu tiên của Viện Sốt rét- Ký sinh trùng- Côn trùng Trung ương.
Cùng với đó, cuộc thi cũng góp phần khơi dậy niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, HSSV; nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân trong hoạt động nghiên cứu khoa học, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, để từ đó tiếp tục đẩy mạnh các phong trào học tập, nghiên cứu trong sinh viên và cán bộ ngành y.
GS.BS.Đặng Văn Ngữ sinh ngày 4/4/1910 tại An Cựu, TP.Huế trong một gia đình nhà nho nghèo. Năm 1930, ông đỗ tú tài trong nước và tú tài Pháp nên đã nhận được học bổng để theo học tại Trường Y-Dược thuộc Đại học Đông Dương. Năm 1942, ông làm trưởng phòng thí nghiệm ký sinh trùng và là giảng viên sinh học ban Dược. Với cương vị này, ông đã dành toàn bộ thời gian cho nghiên cứu khoa học. Trong suốt thời gian đó, ông đã công bố nhiều công trình nghiên cứu khoa học, trong đó có những công trình nổi tiếng thế giới và khu vực.
Từ năm 1943 đến cuối năm 1948, ông làm việc, nghiên cứu tại Nhật Bản và đã tìm ra giống nấm sản xuất ra penicillin. Năm 1949, theo tiếng gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông về nước tham gia nghiên cứu khoa học phục vụ kháng chiến. Sau khi hòa bình lập lại, ông là người xây dựng ngành ký sinh trùng Việt Nam. Năm 1957, ông sáng lập Viện sốt rét Ký sinh trùng và Côn trùng; Chủ nhiệm Chương trình Tiêu diệt bệnh sốt rét ở miền Bắc.
Từ loài nấm do ông mang về từ Nhật Bản, ông đã nghiên cứu sản xuất thành công nước lọc penicillin. Đây là một công trình có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp các thương binh khỏi bệnh, thoát khỏi nguy cơ tử vong vì nhiễm trùng vết thương; không bị cắt cụt tay, chân do nhiễm trùng. Tết Nguyên đán năm 1967, ông cùng một số học trò đi thực tế để nghiên cứu biện pháp phòng chống sốt rét tại chỗ, hạn chế sự hoành hành của dịch sốt rét trên các chiến trường Trung, Nam Bộ, bảo vệ sức khỏe cho bộ đội và thanh niên xung phong. Chuyến vượt Trường Sơn này cũng là hành trình cuối cùng của nhà giáo, nhà khoa học yêu nước. Chiều 1/4/1967, giáo sư Đặng Văn Ngữ hy sinh sau loạt bom B52 của máy bay Mỹ rải thảm xuống nơi ông và các đồng nghiệp đang thực hiện nghiên cứu.
Theo thông tin từ ban tổ chức, đối tượng dự thi là cán bộ, viên chức, NLĐ đã và đang công tác tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) các tỉnh, thành phố; Viện Sốt rét- Ký sinh trùng- Côn trùng Trung ương và các phân viện địa phương; cán bộ, sinh viên tại các Trường Đại học Y Dược trên cả nước.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, Viện Sốt rét- Ký sinh trùng- Côn trùng Trung ương và các đơn vị liên quan cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn báo chí, truyền thông để tích cực thực hiện tuyên truyền về cuộc đời và sự nghiệp khoa học của Giáo sư, Bác sĩ, Anh hùng liệt sĩ Đặng Văn Ngữ. Các Viện Sốt rét- Ký sinh trùng- Côn trùng, các Trường Đại học Y Dược, Trung tâm CDC các tỉnh, thành phố… xây dựng kế hoạch triển khai cuộc thi phù hợp với đơn vị, đảm bảo số người tham gia đông đảo, bài dự thi có chất lượng cao. Ban tổ chức, Ban Giám khảo, Ban Cố vấn cuộc thi làm việc chu đáo, khoa học, công tâm chọn những bài dự thi có chất lượng cao để vinh danh, khen thưởng xứng đáng cho các tác giả.
Các tập thể, cá nhân dự thi cần thực hiện tác phẩm viết và các hình thức đa phương tiện khác trả lời câu hỏi của Ban tổ chức; thể hiện sự hiểu biết về cuộc đời và sự nghiệp khoa học, những cống hiến to lớn của GS.BS.Đặng Văn Ngữ đối với sự nghiệp sốt rét, ký sinh trùng nói riêng, đối với y tế dự phòng nói chung và đối với sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. BTC cũng khuyến khích cá nhân, tập thể trao tặng hiện vật, kỷ vật gửi dự thi để phục vụ trưng bày, lưu giữ, tuyên truyền giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp khoa học của GS, BS, Anh hùng liệt sĩ Đặng Văn Ngữ. Tác phẩm dự thi trình bày bằng Tiếng Việt; viết tay hoặc đánh máy trên khổ A4, font chữ Time New Roman, cỡ chữ 14, giãn dòng 1,5 lines. Không hạn chế về sử dụng hình ảnh minh họa thêm cho bài thi.
Thời gian cuộc thi được tính từ ngày 14/2 tới ngày 31/7/2023. Các bài dự thi gửi tới địa chỉ: Phòng Tổ chức cán bộ, Viện Sốt rét- Ký sinh trùng- Côn trùng Trung ương tại số 34 Trung Văn, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội. BTC cho biết, sau khi đánh giá, cuộc thi sẽ tổ chức lễ tổng kết và trao giải, gồm 1 giải nhất, 2 giải nhì, 5 giải ba và 10 giải khuyến khích cho các tác phẩm chất lượng cao.
Thứ trưởng Bộ Y tế bày tỏ tin tưởng với sự quan tâm chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo, cùng với sự kính trọng của các thế hệ cán bộ y tế đối với GS, BS, Anh hùng, Liệt sĩ Đặng Văn Ngữ, sẽ có nhiều bài dự thi chất lượng, lan tỏa được tinh thần say mê tìm tòi, nghiên cứu khoa học của cố Giáo sư, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Hà Hùng