Nỗi lo người cao tuổi “2 không”
Theo dữ liệu của ngành Dân số Việt Nam, tỷ lệ dân số 60+ ở Việt Nam cuối năm 2022 là 12%. Mặc dù trong tháng 4 này Việt Nam mới dự kiến đón công dân thứ 100 triệu, song để dễ tính toán, tạm lấy mốc dân số cả nước vào cuối năm 2022 là 100 triệu người. Theo đó, tại thời điểm cuối năm 2022, cả nước có tổng cộng 12 triệu người trong độ tuổi 60+.
Còn theo dữ liệu từ ngành BHXH Việt Nam, vào cuối năm 2022, cả nước có 3,3 triệu người đang nhận lương hưu, trợ cấp xã hội hằng tháng. Theo quy định, đây là những người trong độ tuổi 60+. Mặc dù quy định nữ giới được nhận lương hưu trong độ tuổi 55+, song để dễ tính toán cũng tạm thời làm tròn lên thành 60+.
Căn cứ dữ liệu của 2 ngành Dân số và BHXH, không khó để tính ra rằng, vào cuối năm 2022, cả nước có đến 8,7 triệu người trong độ tuổi 60+ lâm cảnh “2 không”: Hằng tháng không lương hưu, không trợ cấp xã hội. Vậy những người này hiện sống ra sao? Trong chuyên khảo “Già hóa dân số và người cao tuổi ở Việt Nam”, do Tổng cục Thống kê xuất bản (dựa trên dữ liệu điều tra năm 2019), có nêu kết quả đáng chú ý: Khoảng 35% người trong độ tuổi 60+ vẫn đang làm việc. Tuy nhiên, phần lớn là lao động dễ tổn thương (tự làm hoặc lao động gia đình).
Vào cuối năm 2019, dữ liệu ngành Dân số cho thấy, cả nước có 11,41 triệu người trong độ tuổi 60+. Tính ra, có 3,99 triệu người 60+ phải đang tiếp tục lao động trong độ tuổi hưu trí để mưu sinh, kiếm sống. Mặc dù số người này tăng lên- nếu tính đến cuối năm 2022, nên để dễ so sánh, tạm thời làm tròn thành 4 triệu người. Như vậy, vào cuối năm 2022, trong tổng số 12 triệu người độ tuổi 60+ ở Việt Nam, có 3,3 triệu người sống được, hoặc tạm sống được nhờ có lương hưu, trợ cấp xã hội; có 4 triệu người đang chật vật mưu sinh kiếm sống bằng những việc được xem là dễ tổn thương; có 4,7 triệu người đang sống dựa vào gia đình, trong đó có số ít người dựa vào xã hội (các trung tâm bảo trợ xã hội).
Dữ liệu từ ngành LĐ-TB&XH cũng cho thấy, số người có lương hưu, trợ cấp xã hội trước thời điểm thành lập ngành BHXH Việt Nam (năm 1995) là 230.000 người. Đây là những người có năm sinh từ 1935 trở về trước đối với nam, 1940 đối với nữ. Đây cũng là những thế hệ chứng kiến sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào năm 1945.
Từ năm 1945 đến năm 1995 là quãng thời gian dài 50 năm. Yếu tố lịch sử đã khiến nhiều thế hệ thời ấy không thể biết, không thể chạm đến các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội. Đó là lý do suốt 50 năm (tính đến năm 1995), số người có lương hưu, trợ cấp xã hội rất ít. Còn tính đến cuối năm 2022, những người thuộc thế hệ này đã không còn nhiều do quy luật sinh- lão- bệnh- tử.
Từ năm 1995 tới năm 2022 là quãng thời gian dài 27 năm, chỉ hơn phân nửa so với giai đoạn trước đó. Song, số người trong độ tuổi 60+ có lương hưu, trợ cấp xã hội tăng rất nhanh (làm tròn là 3 triệu người). Tính bình quân, mỗi năm tăng hơn 111.000 người 60+ có lương hưu, trợ cấp xã hội hằng tháng. So với giai đoạn trước năm 1995, số người 60+ có lương hưu, trợ cấp xã hội hằng tháng tăng bình quân mỗi năm được xem là “kỳ tích” an sinh nước nhà, thể hiện “tầm nhìn xa” của Trung ương và được thực hiện hiệu quả thông qua “đầu mối” là ngành BHXH Việt Nam, cùng sự chung tay vào cuộc của toàn hệ thống chính trị nước nhà.
Những người trong độ tuổi 60+ có có lương hưu, trợ cấp xã hội hằng tháng từ sau năm 1995 (1996 đến 2016) có năm sinh từ 1936 đến 1956 với nam, 1941 đến 1961 với nữ. Những thế hệ này, có nhiều người chứng kiến cả 2 sự kiện lịch sử, thành lập đất nước và thống nhất đất nước, nhưng cũng có người trong thế hệ ấy chỉ có cơ hội chứng kiến dịp thống nhất đất nước.
Ngành Dân số Việt Nam, bằng các tính toán của mình, đã đưa ra dự báo tới năm 2069 về số lượng người trong độ tuổi 60+, cũng như tỷ lệ so với dân số. Theo đó, tới năm 2029 là 17,28 triệu người, chiếm 16,5% dân số; tới năm 2038 là 22,29 triệu người, chiếm 20,21% dân số; tới năm 2049 là 28,61 triệu người, chiếm 24,88% dân số; tới năm 2069 là 31,69 triệu người, chiếm 27,11% dân số. Theo lý giải của ngành Dân số, sự gia tăng dân số trong độ tuổi 60+ chủ yếu do sự gia tăng của nhóm 70+ và 80+. Điều này ngược với giai đoạn trước đó (2009-2019), sự gia tăng của dân số trong độ tuổi 60+ chủ yếu đến từ nhóm 60-69 tuổi.
Nhìn lại thời điểm cuối năm 2022, số người 60+ thuộc diện “2 không” là 8,7 triệu người, áp đảo số người có lương hưu, trợ cấp xã hội là 3,3 triệu người. Thật dễ hình dung, từ nay đến các mốc trong dự báo dân số nói trên (2029, 2038, 2049, 2069), nếu chậm chân bao phủ BHXH với 2 phương thức chính (BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện), số người 60+ diện “2 không” sẽ tăng đến chóng mặt.
Chứng kiến người trong độ tuổi 60+ thuộc diện “2 không” phải tiếp tục “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để kiếm cơm ngày 2 bữa, để dành dụm ít tiền chi trả viện phí lúc trái gió trở giời khiến ai cũng phải xót xa. Có những thế hệ sinh ra trong thời điểm đất nước gặp khó khăn nên đành chịu không lương hưu, không trợ cấp xã hội; nhưng với những thế hệ sau đó, cơ hội thoát cảnh “2 không” ở tuổi 60+ đã rộng mở hơn.
Trong nỗ lực thiết lập an sinh quốc gia, ngành BHXH Việt Nam và toàn hệ thống chính trị, đã gắng sức cải thiện độ bao phủ BHXH, để dần tiến đến trạng thái bất kỳ ai trong độ tuổi 60+ cũng trong lưới an sinh. Nếu không có lương hưu thì hằng tháng cũng có trợ cấp xã hội, chứ không “trụi lủi” như 8,7 triệu người tính đến cuối năm 2022. Đó là mệnh lệnh từ trái tim của bất kỳ ai liên quan đến lĩnh vực an sinh xã hội, đặc biệt là những người trực tiếp dệt lưới an sinh.
Đó cũng là mệnh lệnh từ trái tim của mỗi cá nhân trong xã hội Việt Nam. Chỉ khi từng cá nhân ủng hộ công tác dệt lưới an sinh bằng cách này hay cách khác, thì Việt Nam mới hy vọng không còn chứng kiến người trong độ tuổi 60+ thuộc diện “2 không”.
“Nhân chi sơ tánh bản thiện”, ai sinh ra cũng sẵn lòng thương người. Thấy người già phải lầm lũi mưu sinh độ nhật, nên ai cũng động lòng thương cảm. Tấm lòng ấy nếu được gắn thêm với sự cảm thông, chia sẻ về nỗ lực thiết lập an sinh xã hội nước nhà, tin rằng người 60+ đang ngày một nhiều hơn, sẽ thoát cảnh không lương hưu, không trợ cấp xã hội.
Bài: Đỗ Bá
Đồ hoạ: Thanh An