Print

Những tiến bộ trong điều trị ung thư hạch

Chủ nhật, 16 /04/2023 19:22

Bệnh ung thư hạch là thuật ngữ Việt hoá của một nhóm bệnh ác tính là lymphoma- nghĩa là u của tổ chức lympho, hay gọi vắn tắt là u lympho. U lympho có thể gặp ở mọi cơ quan trong cơ thể. Ở đâu có tổ chức lympho thì ở đó có thể gặp u lympho. Tại Việt Nam, bệnh ung thư hạch (u lympho không hodgkin) xếp thứ 13 trong các loại ung thư thường gặp.

Lympho vốn là một nhóm tế bào bình thường có chức năng bảo vệ cơ thể. Chúng được sinh ra từ tủy xương và trải qua nhiều bước trưởng thành để trở thành chiến binh chuyên nghiệp. Giai đoạn trưởng thành đầu tiên là từ lúc chúng sinh ra trong tủy xương cho tới khi ra khỏi tủy xương để vào máu (giống như trẻ em lớn lên, trưởng thành và rời khỏi gia đình để bước vào cuộc sống).

Giai đoạn trưởng thành thứ hai là từ lúc chúng đi vào các tổ chức lympho ngoại vi (tuyến ức, lách, hạch bạch huyết, hoặc nang bạch huyết ở các cơ quan khác) để tiếp xúc kháng nguyên (tập trận) và chọn lọc dòng để tái sinh sản trở thành các quân đoàn lympho có chức năng miễn dịch đặc hiệu (lúc này chúng đã trở thành các chiến binh chuyên nghiệp tham gia bảo vệ cơ thể).

Ở đây, ta thấy trong mỗi giai đoạn trưởng thành đều có sự nhân lên và biệt hoá của tế bào lympho. Khi 2 quá trình nhân lên và biệt hoá này bị mất cân bằng do đột biến, sẽ sinh ra dòng tế bào sinh sản mất kiểm soát- tức ung thư.

Theo một mô hình đơn giản hoá, nếu đột biến xảy ra khi tế bào lympho mới được sinh ra trong tủy xương, thì sẽ tiến triển thành nhóm bệnh ung thư tế bào đầu dòng lympho, mà đại diện chính là các bệnh bạch cầu cấp dòng lympho (acute lymphoblastic leukemia- ALL). Còn nếu đột biến xảy ra ở giai đoạn tế bào lympho tới huấn luyện ở tổ chức lympho ngoại vi, sẽ sinh ra nhóm bệnh ung thư tế bào lympho trưởng thành, với các đại diện như u lympho và đa u tủy xương.

Như vậy, u lympho hay ung thư hạch là một nhóm bệnh thuộc các ung thư tế bào lympho trưởng thành. Trước đây, tế bào ung thư của nhóm bệnh này thường kháng với hoá trị truyền thống và xạ trị, có lẽ do tính trưởng thành của chúng (trừ một bệnh có tên là u lympho hodgkin lại rất nhạy cảm với hoá xạ trị), do đó kết quả điều trị nhìn chung không khả quan.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, với sự ứng dụng của các thuốc nhắm đích và liệu pháp miễn dịch, nhiều bệnh nhân u lympho đã được hưởng lợi, tỷ lệ bệnh nhân sống sót sau 5 năm lên tới 70%.

Cập nhật một số chiến lược điều trị đối với u lympho bao gồm:

1. Kháng thể đơn dòng chống lại phân tử trên bề mặt tế bào ung thư:

+ Kháng thể kích hoạt hệ thống bổ thể đục thủng màng tế bào ung thư (thuốc rituximab);

+ Hoặc dẫn hoá chất tới đầu độc tế bào ung thư (thuốc brentuximab vedotin);

+ Hoặc dẫn đường cho tế bào T tới giết tế bào ung thư như thuốc blinatumomab (kháng thể lai gắn với cả CD19 trên tế bào ung thư và CD3 trên tế bào T);

+ Hoặc vô hiệu hoá điểm kiểm soát miễn dịch, giúp tế bào T thoải mái tàn sát tế bào ung thư mà không phải thận trọng (thuốc pembrolizumab).

2. Thuốc ức chế tyrosine kinase:

Tyrosine kinase là các loại men truyền tín hiệu bên trong tế bào, một số có vai trò thúc đẩy tế bào sống sót nhân lên. Dùng thuốc ức chế các men này (ví dụ như ibrutinib) có thể ép tế bào ung thư ngừng phân chia và sau đó là tự sát.

3. Thuốc ức chế protein chống chết theo chương trình:

Trong ung thư có hiện tượng tăng sản xuất các protein (như BCL2) bảo vệ tế bào ung thư tránh khỏi việc chết theo chương trình; những thuốc như venetoclax khoá các protein này và khiến tế bào ung thư tự sát.

4. Ghép tế bào gốc:

Vốn hoá trị kém hiệu quả là do ta không thể dùng liều cao để giết nhiều tế bào ung thư hơn, vì liều cao sẽ gây suy tủy xương không hồi phục và bệnh nhân sẽ tử vong. Do đó, ghép tế bào gốc cho phép vượt qua rào cản này để có thể dùng những phác đồ hoá chất mạnh và bệnh nhân vẫn sống sót nhờ nhận tế bào gốc tạo máu sau phác đồ.

5. CAR-T cell:

Đây là phương pháp dùng kỹ thuật sinh học phân tử để huấn luyện tế bào T của bệnh nhân nhận diện tế bào ung thư và giết chúng, có tiềm năng cho phép tạo ra phương thuốc kiểm soát ung thư lâu dài chỉ sau một lần truyền, tuy nhiên giá rất đắt và chưa triển khai ở Việt Nam.

Các tiến bộ nói trên đã tạo ra những thay đổi lớn trong điều trị ung thư, cho phép bệnh nhân kiểm soát được bệnh trong thời gian rất lâu dài mà sức khoẻ vẫn rất ổn định, thậm chí có người khỏi hẳn bệnh. Tuy vẫn còn nhiều thách thức cần phải nghiên cứu thêm, song chắc chắn những tiến bộ khoa học mới sẽ tiếp tục xuất hiện, để hy vọng viễn cảnh khi mà u lympho sẽ chỉ còn như một bệnh mạn tính thông thường không còn xa nữa.

BS.Lê Quốc Anh