Print

Thí điểm cấp bản điện tử Giấy khai sinh, Trích lục khai tử tại Hà Nội và Hà Nam

Thứ Tư, 19 /04/2023 17:42

Tại cuộc họp báo diễn ra chiều 19/4, đại diện Bộ Tư pháp cho biết, bắt đầu từ ngày 17/4, Bộ Tư pháp triển khai thí điểm cấp bản điện tử Giấy khai sinh, Trích lục khai tử trên địa bàn TP.Hà Nội và tỉnh Hà Nam.

Theo Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn, trong quý I, việc triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Theo đó, bắt đầu từ sáng 17/4, Bộ Tư pháp đã triển khai việc thí điểm cấp bản điện tử Giấy khai sinh, Trích lục khai tử trên địa bàn TP.Hà Nội và tỉnh Hà Nam. Trong ngày đầu tiên vận hành thí điểm, đã có 101 trẻ em được cấp bản điện tử Giấy khai sinh; 17 trường hợp được cấp Trích lục khai tử trên địa bàn 2 tỉnh, thành phố.

Theo đại diện Bộ Tư pháp, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 05/CT-TTg về đẩy mạnh triển khai Đề án 06 tại các bộ, ngành, địa phương. Bộ Tư pháp đã nghiên cứu giải pháp kỹ thuật, chỉnh lý, bổ sung chức năng tạo lập bản điện tử Giấy khai sinh, Trích lục khai tử khi thực hiện việc đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử (mới) cho phần mềm TTHC liên thông "Đăng ký khai sinh- đăng ký thường trú- cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi" và thủ tục "Đăng ký khai tử- xóa đăng ký thường trú- trợ cấp mai táng" để triển khai thí điểm.

Việc thí điểm sẽ diễn ra tại các cơ quan đăng ký hộ tịch trên địa bàn Hà Nội và tỉnh Hà Nam từ ngày 17/4 đến hết ngày 20/5. Bộ Tư pháp đề nghị UBND TP.Hà Nội và tỉnh Hà Nam giao Sở Tư pháp làm đầu mối triển khai thí điểm tại địa phương, bám sát tình hình và thường xuyên có báo cáo kết quả. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan đăng ký hộ tịch trên địa bàn thực hiện theo đúng hướng dẫn về quy trình thực hiện.

Liên quan vấn đề này, vừa qua, BHXH Việt Nam đã tổ chức đoàn khảo sát, đánh giá tình hình triển khai 2 nhóm TTHC liên thông "Đăng ký khai sinh- đăng ký thường trú- cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi" và "Đăng ký khai tử- xóa đăng ký thường trú- trợ cấp mai táng" tại BHXH TP.Hà Nội và BHXH tỉnh Hà Nam.

Kết quả cho thấy, việc triển khai 2 nhóm TTHC liên thông đã tạo thuận lợi cho người dân khi chỉ cần khai báo thông tin một lần để giải quyết 3 TTHC, cắt giảm bớt các giấy tờ, thời gian giải quyết, giảm thời gian đi lại, nâng cao chất lượng phục vụ. Đối với cơ quan BHXH giảm áp lực tại bộ phận “Một cửa” của các đơn vị, giải quyết công việc nhanh hơn, thuận tiện và khoa học hơn. Đồng thời, tạo sự phối hợp, gắn kết giữa các sở, ngành, chính quyền địa phương trong việc giải quyết các TTHC liên quan đến người dân.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai thí điểm cũng đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc như: Tâm lý người dân vẫn muốn đến trực tiếp cơ quan BHXH để giải quyết TTHC; quy trình mới còn phức tạp, nhiều thông tin còn cần nhập thủ công nên nhiều người dân khi thực hiện kê khai bị rối, đặc biệt là những người lớn tuổi và những người ít tiếp xúc với CNTT; đa số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng trước năm 1995 đều có sự không thống nhất thông tin nhân thân giữa hồ sơ hưởng, CCCD và Trích lục khai tử…

Thanh Hằng