Print

An sinh xã hội: Xu hướng, thách thức và giải pháp

Thứ Bảy, 22 /04/2023 10:43

Ấn phẩm mới xuất bản của Hiệp hội An sinh xã hội thế giới 2022 được xây dựng dựa trên đánh giá cụ thể của khu vực Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Á-Thái Bình Dương, Châu Phi có tựa đề “Các ưu tiên của an sinh xã hội: Xu hướng, thách thức và giải pháp”.

Theo đó, nội dung ấn phẩm chỉ rõ xu thế, thách thức và giải pháp của các hệ thống an sinh xã hội trên thế giới trong những năm tới theo 5 nhóm vấn đề: Quản trị tổ chức; mở rộng đối tượng bao phủ; đáp ứng nhu cầu già hóa; thúc đẩy phát triển bao trùm và gắn kết xã hội; an sinh xã hội hỗ trợ phục hồi sau đại dich Covid-19.

Người cao tuổi ở Nhật Bản được chăm sóc toàn diện do có hệ thống an sinh xã hội phát triển

Quản trị tổ chức

Những năm gần đây, quản trị tổ chức an sinh xã hội đang thực sự đổi mới mạnh mẽ, nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn và ứng phó hiệu quả với các biến cố bất ngờ ở quy mô lớn như đại dịch Covid-19. Các tổ chức an sinh xã hội ở nhiều quốc gia thông qua ứng dụng công nghệ tin học, công nghệ số đã tạo điều kiện cho việc liên kết, phối hợp và chia sẻ giữa các tổ chức an sinh xã hội trong việc nâng cao hiệu quả phục vụ, góp phần thúc đẩy các hoạt động kinh doanh, tiết kiệm chi phí xã hội và đảm bảo quyền và nghĩa vụ của công dân một cách nhanh chóng, chính xác, thuận tiện.

Xu thế chung của các tổ chức an sinh xã hội toàn cầu là đầu tư thích đáng cho hạ tầng CNTT và truyền thông; đào tạo, đào tạo lại kỹ năng cho đội ngũ nhân viên nhằm đảm bảo các tổ chức an sinh xã hôi có thể cung cấp dịch vụ trong một hệ sinh thái số hóa, hạn chế và tiến đến loại bỏ các tương tác trực tiếp. Các tổ chức an sinh xã hội hầu hết đang hướng đến giá trị thực chất mang lại cho khách hàng, nên họ không chỉ tập trung cải thiện quy trình, công cụ theo chức năng, nhiệm vụ của mình, mà còn tập trung vào việc phối hợp liên ngành, liên tổ chức nhằm đảm bảo lợi ích tốt nhất cho người tham gia.

CCHC và chuyển đổi số sẽ tiếp tục là một quá trình không có điểm dừng, nhằm mang lại hiệu quả tối đa cho tổ chức đáp ứng nhu cầu điều hành-lãnh đạo hệ thống và chất lượng phục vụ tốt nhất cho khách hàng. Nâng cao hiệu quả quản trị tổ chức, quản lý rủi ro, đảm bảo tuân thủ thông qua số hóa và tái quy trình nghiệp vụ cũng tất nhiên là những ưu tiên của các tổ chức an sinh xã hội trong những năm tới.

Mở rộng đối tượng bao phủ

Theo ước tính của ILO, hiện trên toàn cầu có 46,9% dân số được hưởng ít nhất một chế độ bảo vệ xã hội (Châu Phi 17,8 và Châu Á 44,1); 77,5% người trên tuổi nghỉ hưu được nhận lương hưu hoặc trợ cấp hưu trí xã hội; 16,5% trẻ em nhận được trợ giúp xã hội và 33,5% người đang làm việc có chế độ bảo hiểm tai nạn và chỉ có 18,% người thất nghiệp được hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp. Những con số này thấp hơn nhiều ở khu vực phi chính thức tại Châu Phi và Châu Á, đặc biệt đối với lực lượng lao động đang làm việc dựa trên các nền tảng số như: Grab, shipper…

Nhiều quốc gia vẫn phải đối mặt không ít thách thức về an sinh xã hội

Nếu tính chung toàn thế giới, thì chỉ có 30,6% người dân được hưởng đầy đủ các chế độ BHXH. Con số này ở lĩnh vực chăm sóc y tế khả quan hơn với khoảng 66% người dân được chăm sóc sức khỏe. Tổng chi tiêu toàn cầu cho y tế chiếm khoảng 5,8% GDP, tổng chi các chế độ an sinh xã hội khác là 12,9% GDP, nhưng có sự khác biệt rõ rệt giữa các châu lục, ví dụ: Châu Phi 3,8%, trong khi Châu Âu là 17,4%. Những con số này cho thấy những nỗ lực toàn cầu nhằm mở rộng diện bao phủ an sinh xã hội, đặc biệt là cho lao động khu vực phi chính thức và lao động trên các nền tảng mới. Đáng chú ý, lao động di cư vẫn đang là những ưu tiên của các quốc gia đang phát triển và mới nổi.

Các giải pháp được nhiều quốc gia đưa ra là: Hỗ trợ đóng, đơn giản hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục tham gia, đặc biệt là với những lao động chưa đủ điều kiện tham gia theo nhóm bắt buộc hoặc không đủ điều kiện hưởng trợ cấp xã hội. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho NLĐ đăng ký tham gia BHXH. Nhiều quốc gia cũng thực hiện mở rộng diện bao phủ (chế độ hưởng) theo lộ trình đảm bảo phù hợp với bối cảnh kinh tế-xã hội của từng quốc gia đó.

Đáp ứng nhu cầu già hóa dân số

Thống kê của WHO cho thấy, từ năm 2015 đến năm 2050, dân số trên 60 tuổi sẽ tăng gần gấp đôi từ 12% lên 22%, số người trên 80 tuổi sẽ tăng gấp 3 và đạt con số 426 triệu người vào năm 2050. Báo cáo của ISSA năm nay tiếp tục khẳng định, già hóa dân số vẫn là một xu thế toàn cầu, người ta chưa tìm thấy bằng chứng của một xu thế khác kể từ Tuyên bố Madrid 2002. Theo đó, 48% người già trên thế giới không được hưởng bất cứ sự chăm sóc nào theo chế độ chăm sóc dài hạn.

Những nỗ lực nhằm đảm bảo cho người già không rơi vào nghèo đói, bị phân biệt và không được chăm sóc y tế vẫn là những mục tiêu trong chương trình đảm bảo phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Nhiều quốc gia đang tích cực điều chỉnh các chính sách, nhằm đáp ứng nhu cầu già hóa của con người như: Tăng mức hưởng đảm bảo chi tiêu tuổi già; tăng phúc lợi xã hội tạo hệ sinh thái bền vững cho người già (việc làm, môi trường làm việc, điều kiện sống, chăm sóc y tế phù hợp với các mô hình bệnh tật mới như tim mạch, ung thư, rối loạn tâm thần…); luật hóa các hoạt động chăm sóc, trợ giúp người cao tuổi.

Phát triển bao trùm và gắn kết xã hội

Tạo thu nhập là một yếu tố quan trọng trong bất cứ chiến lược phát triển bao trùm và gắn kết xã hội nào. Nếu không được tạo điều kiện để có thu nhập, sẽ rất khó để một người cảm nhận rằng họ có thể hòa nhập đầy đủ với xã hội. Tạo điều kiện để có thu nhập và đầu tư nâng cao kỹ năng và năng lực làm việc là những phương thức mà an sinh xã hội đóng góp cho sự phát triển của toàn bộ xã hội và thúc đẩy gắn kết xã hội.

Tạo việc làm là cách tốt nhất mang lại thu nhập và hiện thực hóa mối quan hệ giữa an sinh xã hội, việc làm và gắn kết xã hội. An sinh xã hội bao gồm các chế độ dựa trên mối quan hệ đóng hưởng, để đảm bảo đối phó với những rủi ro cuộc sống khi đi làm cũng như các chế độ trợ cấp xã hội được thiết kế để giải quyết vấn đề thiếu đói và hệ lụy của nghèo khó.

Ngoài đảm bảo quyền an sinh xã hội với tư cách là quyền cơ bản của công dân, an sinh xã hội ngày càng thừa nhận vai trò của trợ giúp xã hội trong việc thoát nghèo, hạn chế tái nghèo và tạo gánh nặng cho các thế hệ kế tiếp. Do đó, các quốc gia đều đang dần định hình cách tiếp cận an sinh xã hội trọn đời, đảm bảo trợ giúp xã hội kịp thời, đầy đủ trước các rủi ro, biến cố của cuộc sống từ khi sinh ra cho đến lúc chết đi, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và thế giới việc làm đang được tạo ra và phát triển chưa từng có.

Cách tiếp cận an sinh xã hội trọn đời và can thiệp sớm, đặc biệt với trẻ em và phụ nữ của các gia đình nghèo (giáo dục, phát triển kỹ năng, tạo việc làm) đang là một trong những giải pháp giải căn cơ giúp xã hội phát triển bền vững được nhiều quốc gia lựa chọn.

Ứng phó với Covid-19

Tác động của đại dịch Covid-19 đến kinh tế-xã hội cho thấy, các quốc gia bắt buộc phải xây dựng một hệ thống y tế hiệu quả và một hệ thống an sinh xã hội bao trùm, toàn diện để có thể ứng phó một cách có hiệu quả với đại dịch. Các đại dịch và các rủi ro bất thường khác không chỉ tiêu tốn một khoản chi phí khổng lồ, mà hệ lụy của nó đến phát triển kinh tế cũng là những vấn đề mà chúng ta không phải lúc nào cũng nhìn thấy hết như: Khủng hoảng kinh tế, việc làm, di trú, thu nhập cá nhân, nguồn thu quốc gia…

Chăm sóc y tế giúp giảm rủi ro cho người dân 

Do đó, nói một cách ngắn gọn, an sinh xã hội trong và sau đại dịch có vai trò đảm bảo một phần bù đắp thu nhập cho NLĐ, giảm sốc và chia sẻ gánh nặng tài chính quốc gia; từ đó góp phần đáng kể vào các chiến lược hồi phục kinh tế-xã hội sau đại dịch. Đại dịch Covid-19 một lần nữa khẳng định, các quốc gia đều phải xây dựng các chính sách và hệ thống an sinh xã hội hữu hiệu, toàn diện để ứng phó với những biến cố bất thường xảy ra trên quy mô lớn.

Mặc dù đã có những dấu hiệu phục hồi, nhưng theo các tổ chức quốc tế như IMF, WB, OECD, tỷ lệ lạm phát có thể gia tăng do giá lương thực và năng lượng cao hơn, cuộc sống toàn cầu chắc chắn sẽ khó khăn hơn, nhất là ở những quốc gia mà đại dịch đã làm đảo ngược tiến bộ hàng chục năm về đói nghèo, chăm sóc y tế và giáo dục.

Như chúng ta đã biết, trong tuyên ngôn của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) năm 1944 đã nêu rõ: “Nghèo đói ở bất kỳ đâu đều trở thành mối đe dọa đối với sự thịnh vượng toàn cầu”. Hơn bao giờ hết, an sinh xã hội- về ngắn hạn đang chứng tỏ là một công cụ chính sách cơ bản để trợ giúp một mặt cho các nhu cầu cấp thiết của công dân; đồng thời hỗ trợ chính phủ tái thiết nền kinh tế. Còn về dài hạn, an sinh xã hội là công cụ quan trọng thúc đẩy hòa nhập, công bằng xã hội, hòa bình và thịnh vượng, đặc biệt sau đại dịch Covid-19.

Hệ thống an sinh xã hội đa tầng kết hợp các chế độ an sinh xã hội dựa trên đóng góp và không đóng góp (trợ giúp xã hội) và cách tiếp cận an sinh xã hội trọn đời đang là giải pháp cơ bản cho các quốc gia. Ngoài ra, chuyển đổi số, thiết lập hệ sinh thái an sinh xã hội số cũng sẽ là nền tảng tốt để đảm bảo cung cấp dịch vụ có chất lượng và không ai bị bỏ lại phía sau trong bối cảnh mới.

Nguyễn Khang