Lên miền Tây Bắc
Bẵng đi một thời gian khá lâu, nay tôi mới có dịp trở lại Tây Bắc- trở lại với Him Lam, Hồng Cúm, Mường Thanh... nơi cách đây 69 năm, quân và dân ta đã làm nên một Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Tháng 4 ở Tây Bắc đã là cuối mùa khô đầu mùa mưa- cũng là cuối mùa của hoa ban. Tuy không còn nhiều như trước, nhưng lên càng cao, càng đèo dốc, càng nguy hiểm bao nhiêu, thì ban càng rực rỡ bấy nhiêu. Ban trắng đỉnh Chiềng Pấc, ban cheo leo trên đèo Pha Đin, ban chen nhau giữa những lèn đá, rồi vây quanh lấy lòng chảo Điện Biên như một vòng nguyệt quế mà đất trời đã ban tặng cho Tây Bắc mỗi dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Cây ban thể hiện cốt cách con người Tây Bắc
Anh Mùa Anh Thu, dân tộc Mông- một người bạn đồng nghiệp ở Đài PTTH tỉnh Điện Biên, kể rằng: “Cứ mỗi độ Xuân qua, khi hoa đào, hoa mận thôi không rực rỡ nữa là lúc ban bắt đầu nở. Ban là loài cây chịu lửa, chịu khô cằn không có loại cây nào sánh bằng, vì vậy cứ sau mỗi trận cháy rừng, hay mỗi mùa lũ quét, ban lại tiên phong gượng dậy phủ lại màu xanh cho đất”. Có lẽ trời phú cho vùng đất thiêng của Tổ quốc loại ban có cốt cách cũng như con người ở đây, để mỗi lần lên Tây Bắc, người ta lại say sưa ngắm nhìn mà quên đi mệt nhọc cũng như sự hiểm trở của núi cao vực sâu. Với tôi, cây ban cũng như con người Tây Bắc- đã từng quên mình để tiếp sức cho Bộ đội Điện Biên trong trận quyết chiến chiến lược lẫy lừng năm châu ngày nào.
Điện Biên Phủ- cái chảo lửa của 69 năm trước đã làm chấn động địa cầu, khi trong vòng 56 ngày đêm đã san bằng cả một tập đoàn gồm 49 cứ điểm của thực dân Pháp. Giờ đây, trên cái chảo lửa ấy, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đang mang dũng khí của thế hệ cha anh vào cuộc chiến mới- cuộc chiến xóa đói giảm nghèo và xây dựng cuộc sống mới. Theo đó, đã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất thâm canh, đồng thời với giảm diện tích lúa nương để hạn chế và đi đến chấm dứt việc đốt rừng làm nương, từng bước tăng vụ, tăng diện tích lúa nước.
Có thể nói, năm 2022 vừa qua, trên quê hương Điện Biên đã “cắm” một mốc son lịch sử về sản xuất nông nghiệp. Trước đây, hàng năm Điện Biên phải xin Trung ương chi viện hàng nghìn tấn gạo, song giờ đây tỉnh đã đảm bảo đủ lương thực tại chỗ, thậm chí còn dư để xuất đi các nơi, đặc biệt là gạo Bắc Thơm số 7, gạo tám Mường Thanh và gạo Séng Cù đã trở thành sản phẩm hàng hóa, góp phần tăng giá trị sản xuất nông nghiệp lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Khi nói đến năng suất cây lúa, người Tây Bắc thường tự hào với câu phương ngôn: “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Pấc” để nói về những thung lũng màu mỡ của Điện Biên. Cánh đồng Mường Thanh hiện có 5.500ha lúa nước với năng suất hơn 7 tấn/ha, nhưng có nhiều hộ thâm canh giỏi đạt trên 10 tấn/ha. Phải nói rằng, năng suất lúa và chất lượng gạo ở đây không thua kém so với vùng châu thổ Sông Hồng, nhất là gạo tám Mường Thanh và Bắc Thơm số 7.
Giới thiệu các loại gạo đặc sản miền Tây Bắc
Trước đây, cánh đồng Mường Thanh chỉ trồng mỗi năm một vụ, nhưng từ khi có công trình thủy lợi Pá Khoang đã trở thành 2 vụ ăn chắc. Vì vậy, chủ trương của tỉnh Điện Biên là sẽ mở rộng và ổn định diện tích lúa ở cánh đồng Mường Thanh là 4.500ha với các loại giống lúa mới có năng suất cao và chất lượng tốt như giống lúa IR64, gạo tám Mường Thanh, Bắc Thơm số 7 và Séng Cù- với quyết tâm đưa hạt gạo của Điện Biên phát triển theo chuỗi giá trị hàng hóa.
Không phải đắn đo khi nói rằng, Điện Biên là một trong những tỉnh khó khăn nhất của cả nước, nhưng tinh thần Điện Biên xưa vẫn luôn luôn là điểm tựa vững chắc để thế hệ hôm nay sáng tạo, tìm cách vượt qua những khó khăn để đi tới. Giờ đây, sau 69 năm chiến thắng lịch sử, Đảng bộ và nhân dân Điện Biên đang làm sống lại hào khí của Điện Biên Phủ, xứng đáng là lớp người kế tiếp truyền thống anh hùng để mở đường vào ấm no, hạnh phúc- một mặt trận cũng gay go quyết liệt không kém đánh giặc ngoại xâm.
Nơi “chảo lửa” năm xưa bây giờ đã trở thành thành phố uy nghi; và dẫu chưa thật sầm uất nhưng cũng đủ làm cho miền Tây Bắc của Tổ quốc tỏa sáng. Cùng với những nông sản hàng hóa đã được xác định trong cơ cấu kinh tế như cây lúa, cây đỗ tương, cây lạc, cây cà phê, cao su và chăn nuôi đại gia súc... thì tiềm năng du lịch cũng là một thế mạnh đang được khai thác một cách có hiệu quả.
Trong chuyến thăm và làm việc với tỉnh Điện Biên mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một lần nữa khẳng định: “Điện Biên có một báu vật mà không nơi nào có được, đó là chiến trường Điện Biên Phủ. Vì vậy, tỉnh Điện Biên hãy biến di sản thành tài sản, biến tiềm lực thành nguồn lực để xây dựng và phát triển”. Và, để biến tiềm năng thành hiện thực, Điện Biên đã mở cửa để khai thác 2 kho báu, đó là khoáng sản và du lịch. Bởi trên mảnh đất này có khá nhiều mỏ và điểm quặng với những loại khoáng sản quý hiếm như vàng, uran, ăng-ti-mon, đồng, chì, thiếc, sắt, đá quý...
Du lịch cũng vậy, cả nước chỉ có một Điện Biên Phủ, cả thế giới cũng chỉ có một Điện Biên Phủ lừng lẫy địa cầu. Du khách ta, du khách Tây ai chẳng muốn một lần đến với Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam, thăm động Tiên Sơn, động Pa Thơm, hồ Pá Khoang, suối nước khoáng Mường So và rừng nguyên sinh Mường Nhé... Ngoài quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ nổi tiếng, tỉnh Điện Biên còn là cái nôi của 21 dân tộc anh em trong cộng đồng người Việt.
Tác giả bên lán Đại tướng tại Mường Phăng
Ở đây, ngày nào, năm nào cũng nườm nượp những đoàn du khách với đủ mọi tầng lớp, mọi thế hệ và đến từ nhiều quốc gia. Có những cựu chiến binh đã ngót nghét trăm tuổi đến những đoàn doanh nhân, tốp lữ hành quốc tế..., nhưng đông nhất vẫn là các em học sinh, sinh viên. Ngày lễ cũng như ngày thường, lúc nào cũng có người lên tham quan Điện Biên. Họ đứng hàng giờ để ngắm Tượng đài Chiến thắng trên đồi D1, cứ điểm Him Lam, Bản Kéo, rừng Mường Phăng- nơi có hầm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Tư lệnh Chiến dịch Điện Biên Phủ; những giao thông hào, những công sự, đường hầm trên đồi A1, xem những công trình văn hóa dưới thung lũng Mường Thanh, khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, hồ Pá Khoang, cao nguyên đá Tủa Chùa… Đặc biệt là, sắc màu tinh khôi của hoa ban vào tháng 3 cũng như sắc vàng tươi mới của hoa dã quỳ vào mùa Đông.
Tháng 4- thời điểm cận kề ngày kỷ niệm 69 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954- 7/5/2023), không khí ở đây càng hối hả trong tư thế chỉnh trang các công trình trọng điểm. Du khách các nơi đổ về tấp nập đông vui, chợ Điện Biên cũng nhộn nhịp khác thường. Các mặt hàng thổ cẩm, rượu sâu chít, nếp nương, gạo tám Mường Thanh, Bắc Hương số 7, cà phê Mường Ẳng... là những sản vật được du khách tìm mua nhiều hơn cả.
Tại một quán cơm ở phố Mường Thanh 14, tôi gặp người chủ quán có tên Nguyễn Quốc Vược, quê ở Thái Bình. Anh lên Điện Biên theo cha từ năm 1959 khi mới 3 tuổi, vì vậy có thể nói anh là một trong những người Điện Biên có thâm niên vào loại nhất nhì ở đây, chỉ thua thế hệ cha anh- những chiến sĩ Điện Biên. “Điện Biên mỗi ngày mỗi khác. 30 năm, 40 năm, 50 năm và bây giờ là 69 năm kỷ niệm ngày chiến thắng. Năm nào kỷ niệm cũng vui và mỗi một lần kỷ niệm, Điện Biên lại có thêm những công trình tầm cỡ. Đặc biệt, du khách Tây, du khách ta đến Điện Biên ngày càng đông”- anh Vược chia sẻ.
Do thời trai trẻ lăn lộn cùng bà con khắp vùng Điện Biên, Lai Châu, nên anh Vược biết hầu hết các thứ tiếng dân tộc, thậm chí anh còn hát được những bài dân ca Thái, Mường, Khơ Mú... Như để chứng minh với chúng tôi, anh đem cái chiêng 17 đời của người Khơ Mú ra đánh bài “Âm vang”, rồi bảo: “Đó là lời của người giữ rừng, giữ núi, giữ quê hương. Âm từ của người ta không nhiều, người ta không nói bằng lời, mà nói bằng hành động. Khi chiến tranh, tiếng chiêng có âm sắt, âm đồng. Khi nghe lời đất nước giữ hòa bình thì tiếng chiêng không còn âm đồng, âm sắt nữa, chỉ còn một tiếng ngân trầm ấm vang mãi mà thôi”.
Vậy đấy, dù phải trải qua bao vất vả, khó khăn, nhưng cuộc sống ở Tây Bắc vẫn như dòng sông Nậm Rốn hoành tráng, có khi khô cạn nước, có khi cuồn cuộn dâng trào, nhưng không bao giờ ngừng chảy trong nhịp đập của người dân từng tha thiết yêu miền đất “Nơi ngủ dậy núi đã đầy trong mắt/Trong chiêm bao còn vọng tiếng nai chiều”.
Đứng trên cầu Thanh Bình bắc qua sông Nậm Rốn ngắm nhìn Đài Chiến thắng uy nghi trên đồi D1 và nhìn cánh đồng Mường Thanh đang trải rộng một màu xanh của những trà lúa xuân đang thì con gái, tôi nghe được vang vọng trong âm thanh sự chuyển mình đi tới của mảnh đất đã từng làm nên lịch sử. Điện Biên Phủ giờ đây không còn là một lòng chảo đầy nắng gió và ngổn ngang công sự, mà là một thành phố uy nghi với những kiến trúc thật tân kỳ nhưng mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc- đã minh chứng một Điện Biên vẫn đứng vững trên nền tảng chiến thắng và đang từng bước khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của mình để phát triển và hội nhập.
Phan Sáu