Print

Thanh toán DVC trực tuyến: Nâng cao hiệu quả trong chuyển đổi số

Thứ Hai, 24 /04/2023 08:54

Việc hình thành Chính phủ điện tử với các DVC cấp 4 bao gồm cả thanh toán công trực tuyến 100% sẽ giúp nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của bộ máy chính phủ, giúp cải thiện sự ổn định và minh bạch chính sách, nâng cao chất lượng các DVC cung cấp cho xã hội.

Trong những năm qua, DVC trực tuyến gắn liền với thanh toán điện tử phục vụ cho Chính phủ điện tử được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các ngân hàng, trung gian thanh toán phối hợp phát triển để cung cấp tiện ích đến cho người dân, DN.

Theo bà Đỗ Thị Thanh Huyền, chuyên gia phân tích chính sách công của Chương trình Phát triển LHQ tại Việt Nam nhấn mạnh, việc hình thành chính phủ điện tử với các DVC cấp 4 bao gồm cả thanh toán công trực tuyến 100% sẽ giúp nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của bộ máy chính phủ, giúp cải thiện sự ổn định và minh bạch chính sách, nâng cao chất lượng các DVC cung cấp cho xã hội. Từ đây hình thành các hạ tầng công nghệ và nền tảng dữ liệu quốc gia phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và DN.

Mục tiêu của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đề ra là: Phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, đồng thời phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó, vai trò phát triển các phương tiện thanh toán điện tử đáp ứng việc cung cấp DVC trực tuyến được đánh giá là rất quan trọng, mang lại lợi ích không nhỏ cho người dân, DN cũng như các bên tham gia.

Trước hết, thanh toán trực tuyến DVC là một trong những giải pháp thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC) một cách mạnh mẽ với những lợi ích tiết kiệm thời gian cho người dân, tăng tính công khai, minh bạch. Chỉ với những thao tác đơn giản, người dân có thể thanh toán phí, lệ phí giải quyết TTHC qua môi trường mạng tại bất cứ đâu có kết nối internet, đảm bảo an toàn, chính xác trong các giao dịch, từ đó giúp tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại. Với các cơ quan nhà nước, thanh toán DVC trực tuyến giúp giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt, tăng khả năng kiểm soát lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế, thúc đẩy hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ và hỗ trợ công tác phòng chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán sẽ có thêm cơ hội để cung cấp đa dạng các phương tiện thanh toán giúp người dân thuận tiện, nhanh chóng hơn khi thanh toán trực tuyến DVC, qua đó không chỉ góp phần hiện đại hóa hệ thống thanh toán mà còn thúc đẩy thói quen thanh toán không dùng tiền mặt của người dân, phát triển thương mại điện tử và các lĩnh vực của nền kinh tế số trong tương lai.

Vì vậy, có thể nói, phát triển thanh toán DVC trực tuyến như là một mũi tiên phong mang lại lợi ích cả 3 bên: Người dân- DN, nhà nước và toàn xã hội. Hơn thế, phát triển thanh toán DVC trực tuyến thành công còn là hiện thực hoá mô hình nhà nước kiến tạo, ở đó Nhà nước đưa ra đề tài, tạo cơ hội… để thu hút nguồn lực xã hội đầu tư phát triển.

Trong quá trình phát triển thanh toán DVC trực tuyến đã ghi nhận vai trò quan trọng của ngân hàng, trung gian thanh toán trong việc đẩy mạnh kết nối, tích hợp với các ngành, lĩnh vực khác để khách hàng thực hiện các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực DVC như: Thu thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình ASXH…

Đặc biệt, Văn phòng Chính phủ với vai trò cơ quan đầu mối đã xây dựng và phát triển Cổng DVC quốc gia với khả năng kết nối và tích hợp các giải pháp thanh toán trực tuyến đã trở thành nền tảng quan trọng thúc đẩy DVC và thanh toán DVC trực tuyến.

Tính từ khi khai trương vào tháng 12/2019 đến nay, cổng DVCQG đã cung cấp 4.377 DVC trực tuyến với hơn 4,3 triệu tài khoản đăng ký. Cổng DVC quốc gia đã thu hút hơn 1,1 tỷ lượt truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ; hơn 161 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 10 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích; hơn 8,5 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện. Đáng chú ý, có hơn 4,6 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 3.830 tỷ đồng.

T.Hà