Print

Nhiệt độ trung bình toàn cầu có thể đạt mức cao nhất mọi thời đại vào năm 2023 hoặc 2024

Thứ Ba, 25 /04/2023 12:07

Một báo cáo của Hội đồng Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (Intergovernmental Panel on Climate Change, IPCC) của LHQ cho biết, Trái đất đang trên đà ấm lên hơn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, dự báo từ năm 2030 đến năm 2035 sẽ đạt đỉnh về nắng nóng.

Tại thị trấn Tak (Thái Lan), cuối tuần qua ghi nhận mức nhiệt cao nhất trong lịch sử là 45,4 độ C. Nhiệt độ thị trấn Kalewa (Myanmar) chạm mức 44 độ C mặc dù mới đầu hè. Nguyên Dương (Trung Quốc) có nhiệt độ lên tới 42,4 độ C. Nắng nóng nghiêm trọng khiến ít nhất 13 người chết và hơn 40 người phải nhập viên do sốc nhiệt sau khi tham dự một sự kiện ngoài trời tại bang Maharashtra (Ấn Độ)… Đó là vài nét phác thảo không mấy tươi tắn về “bức tranh” khí hậu toàn cầu trước, trong và sau Ngày Trái đất (22/4) năm nay.

Các pháp sư ở Lima (Peru) thực hiện nghi lễ truyền thống để nguyện cầu Pachamama (Mẹ Trái đất) ban cho “mưa thuận gió hòa”

Nhận định về thời tiết năm 2023, các chuyên gia cho biết, biến đổi khí hậu làm các đợt sóng nhiệt trở nên phổ biến hơn. Những ngày có nhiệt độ chạm ngưỡng 51 độ C có thể tăng gấp đôi so với những năm trước, trở thành thách thức đối với giới hạn chịu đựng của con người. Hiện tượng El Nino sẽ quay trở lại vào mùa thu và phát triển mạnh hơn vào dịp cuối năm, vì vậy, những tháng mùa hè năm nay và năm sau, sẽ có những kỷ lục mới về nhiệt độ ở cấp độ toàn cầu. Thậm chí, có một số nghiên cứu đã đưa ra cảnh báo, nhiệt độ trung bình thế giới có thể đạt mức cao nhất mọi thời đại vào năm 2023 hoặc năm 2024 tới.

Trước tình hình đó, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội và các tình nguyện viên, nhà vận động chống biến đổi khí hậu đã chung tay tổ chức nhiều hoạt động bảo vệ môi trường. Họ phát động nhiều phong trào trồng cây, dọn dẹp rác thải… và tổ chức tuần hành kêu gọi Chính phủ các quốc gia tiếp tục và tích cực hành động ngay với biến đổi khí hậu. Đại diện Tổ chức Greenpeace UK thông tin: “Chúng tôi vừa có một hoạt động tuần hành bên ngoài Tòa nhà Quốc hội. Với trang phục màu xanh lá cây, chúng tôi muốn chuyển tải thông điệp “Hãy cùng nhau phủ xanh Mẹ Trái đất, bảo vệ con người trước những hệ lụy của biến đổi khi hậu”, mong rằng sẽ nhận được phản hồi tích cực”.

Hơn 30.000 người đăng ký tham gia tuần hành trong hoạt động do Tổ chức Extinction Rebellion khởi xướng tại London (Vương quốc Anh) trong dịp Ngày Trái đất (22/4). Tình nguyện viên ở Rome (Italia) và Boston (Mỹ) chung tay triển khai hoạt động trồng cây trên diện rộng. Các đại chiến dịch dọn dẹp rác thải được tổ chức tại khu vực Hồ Dal (Srinagar, Ấn Độ) và khu vực Cape Coral (Florida, Mỹ) để khắc phục hậu quả sau khi khu vực này hứng chịu cơn bão lớn. Đặc biệt, ở Peru, thực hiện một nghi lễ truyền thống để nguyện cầu Pachamama (Mẹ Trái đất). Đại diện Tổ chức Healing Shamans of Peru cho biết, nghi lễ truyền thống này có nguồn gốc từ nền văn hóa bản địa cổ xưa của Peru, được thực hiện để bày tỏ sự tri ân của người dân đối với Mẹ Trái đất và cầu xin một năm “mưa thuận gió hòa”.

Hồi đầu tuần này, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết tăng tài trợ để giúp các quốc gia đang phát triển chống biến đổi khí hậu và hạn chế nạn phá rừng ở rừng nhiệt đới Amazon (Brazil) trong cuộc gặp với các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, mặc dù đã rất nỗ lực, song các Chính phủ trên thế giới chưa đạt được những cam kết trong Thỏa thuận Paris năm 2015 nhằm hạn chế biến đổi khí hậu, trong đó có hiện tượng Trái đất ấm dần lên, bằng cách ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong bối cảnh toàn cầu vẫn đang bị ảnh hưởng bởi các cuộc khủng hoảng như đại dịch Covid-19, cuộc chiến Nga- Ukraine, tình trạng thiếu lương thực, mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc- Mỹ, 2 quốc gia xếp hàng đầu về lượng phát thải khí nhà kính.

Một báo cáo của Hội đồng Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (Intergovernmental Panel on Climate Change, IPCC) của LHQ cho biết, Trái đất đang trên đà ấm lên hơn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, dự báo từ năm 2030 đến năm 2035 sẽ đạt đỉnh về nắng nóng: “Nếu như không nhanh chóng hành động, “cánh cửa” cơ hội đang đóng lại nhanh chóng, rất khó để đảm bảo một tương lai tươi đẹp và phát triển bền vững cho tất cả mọi người. Bằng cách hành động để chống lại, hạn chế sự biến đổi khí hậu, chúng ta sẽ thu được kết quả tích cực không chỉ ngay thời điểm hiện tại, mà còn trong hàng ngàn, hàng vạn năm".

Tùng Anh (Theo IPCC)